Xuất khẩu gạo và nỗi lo mất thị trường

TRỌNG NGÔN| 17/11/2016 08:34

Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu gạo nhưng chủ yếu là gạo... không thương hiệu. Trong "cuộc chơi" với các đối thủ truyền thống hay trước những đối thủ mới nổi, gạo Việt Nam ngày càng "lép vế".

Xuất khẩu gạo và nỗi lo mất thị trường

Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu gạo nhưng chủ yếu là gạo... không thương hiệu. Trong "cuộc chơi" với các đối thủ truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ hay trước những đối thủ mới nổi như Pakistan, Mỹ, Brazil, gạo Việt Nam đang ngày càng bị "lép vế”. Vấn đề của ngành này là cần nâng cao chất lượng gạo, xây dựng những thương hiệu gạo sạch, gạo chất lượng cao. 

Đọc E-paper

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng của năm 2016 đạt 4,2 triệu tấn, kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Vì thế, nếu không có đột phá về thị trường, xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch trong năm 2016 từ kế hoạch 6,5 triệu tấn sẽ giảm còn khoảng 5,7 triệu tấn.

Không chỉ khó tìm đầu ra mà gạo Việt Nam còn bị một số thị trường trả về. Cụ thể, trong năm nay một số lô gạo xuất khẩu sang Mỹ đã bị trả về, khiến nhiều chuyên gia trong ngành lo lắng về nguy cơ gạo Việt Nam bị cấm nhập khẩu vào thị trường này.

Thị trường nào cũng giảm

Dẫn số liệu từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin, từ năm 2013 đến tháng 4/2016, có 15 doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị Mỹ trả lại 4.200 tấn gạo xuất khẩu (tương đương 234 container).

Vừa qua, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) - Bộ Công Thương cũng cho hay, trong 9 tháng của năm 2016, đã có đến 9 DN xuất khẩu gạo sang Mỹ bị trả hàng về. Theo đó, tính đến tháng 9/2016, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về đã lên đến 412 container, chủ yếu là gạo thơm Jasmine, gạo tấm Jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.

Nguyên nhân gạo bị trả về đã được phía FDA đưa ra là do dư lượng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong gạo vượt giới hạn cho phép theo quy định của thị trường Mỹ. Mặc dù Mỹ là thị trường tiềm năng của gạo Việt Nam nhưng đây là thị trường yêu cầu chất lượng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật.

Tại Mỹ, năm 2014, Việt Nam bán được 70.000 tấn gạo thì Thái Lan bán được 400.000 tấn. Sang năm 2015, Thái Lan bán được hơn 400.000 tấn, Việt Nam chỉ bán được 44.000 tấn.

Tương tự, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU cũng giảm dần, từ 24.000 tấn xuống còn 18.000 tấn năm 2015. Đặc biệt, khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực từ năm 2016, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này còn giảm mạnh hơn, kể cả khi có quota tới 80.000 tấn.

Đáng nói, từ cuối năm 2013 đến nay, Việt Nam cũng không xuất khẩu được hạt gạo nào sang thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, ở thị trường Singapore, quy định về an toàn thực phẩm và gu tiêu dùng rất khác, nhất là Việt Nam chưa có loại gạo mà người dân Singapore ưa dùng là hạt tròn, dễ nấu, dẻo nhưng không dính.

Tại Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 36% thị phần, nay đã giảm còn 21,6% về khối lượng và giảm 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Các thị trường truyền thống khác cũng giảm mạnh là Philippines (giảm 66,4%), Malaysia (giảm 54,5%), Singapore (giảm 36,3%)...

Nguyên nhân

Có thể nói, nhiều năm qua các DN và ngành sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận thấy những nguy cơ về tình trạng nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, song vẫn chưa có hướng giải quyết. Điều này đã dẫn đến hệ lụy gạo Việt bị trả về từ những thị trường nhập khẩu gạo khó tính như Mỹ và một số nước khác.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng vừa qua, Việt Nam đã bỏ ra 496 triệu USD để nhập thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu, trong đó 49% nhập từ Trung Quốc.

Theo phản ánh của các DN, Việt Nam dường như không kiểm soát được nguồn thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, dù rằng việc quản lý, giám sát có tới 3 bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế.

Chuyên gia nông nghiệp, GS-TS. Võ Tòng Xuân khẳng định: Gạo Việt Nam bị Mỹ trả về sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của loại ngũ cốc này đối với thị trường xuất khẩu.

Không chỉ vậy, nhược điểm của ngành nông nghiệp nước ta là nông dân "tự hào" với kinh nghiệm sản xuất truyền thống, dù đã lạc hậu, còn DN xuất khẩu thì không rõ nguồn gốc gạo, không có thương hiệu, không chịu liên kết để tạo thị trường mà cạnh tranh lẫn nhau.

Một thực tế đáng buồn nữa là gạo bán lẻ cho người tiêu dùng Việt Nam có rất nhiều nhãn hiệu không rõ nguồn gốc. Những loại gạo có thương hiệu trên thị trường hiện nay chủ yếu đến từ Thái Lan, Đài Loan và Nhật Bản.

Ảnh: Lê Hoàng Yến

Ở góc độ DN, bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP xót xa khi chia sẻ, trước nay Việt Nam luôn là quốc gia nằm trong top các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, thế nhưng chất lượng gạo kém, cộng thêm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư quá mức cho phép nên giá thấp và chỉ xuất được nhiều qua các thị trường dễ tính như Trung Quốc.

Theo ông Huỳnh Thế Năng - TGĐ Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II), có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngành xuất khẩu gạo gặp khó, trong đó cơ bản là do các DN thành viên chưa chủ động được chân hàng, nguồn hàng với nhiều chủng loại có số lượng và chất lượng ổn định, vì thế luôn ở thế bị động khi thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

Để khắc phục tình trạng này, các DN xuất khẩu gạo cần phải thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, chuyển từ phương thức mua gạo sang mua lúa để kiểm soát chất lượng đầu vào khi chế biến, xuất khẩu. Qua đó xây dựng, củng cố, phát triển thị trường tập trung và vùng nguyên liệu cánh đồng lớn. Thời gian tới, phải tập trung vào dòng gạo trắng thông dụng và gạo thơm theo hướng đi riêng.

Phải nâng cao chất lượng gạo

Để tạo sức bật cho ngành sản xuất cũng như tạo thế mới cho xuất khẩu gạo, trước hết cần phải nâng cao chất lượng hạt gạo. Qua đó định hướng nông dân canh tác theo chuỗi giá trị, quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, từng địa phương.

Các DN buộc phải thay đổi, phải kiểm soát được quy trình sản xuất lúa gạo mới thu mua để có thể "trụ hạng" được. Bởi hiện nay, người tiêu dùng luôn đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm, sản phẩm phải minh bạch thông tin, rõ ràng nguồn gốc...

Theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, ngành gạo Việt Nam không nên chạy theo số lượng mà phải chú trọng về chất lượng, sản lượng gạo không dư thừa, dễ dàng tăng giá xuất khẩu và nâng khả năng cạnh tranh. Chỉ cần chọn lọc một số giống chủ đạo nhưng giám sát chặt chẽ chất lượng, sản lượng. Hạt gạo phải bóng, đều và nên tập trung vào gạo thơm.

Để tạo ra hạt gạo chất lượng cao, DN cần được Nhà nước hỗ trợ vốn để đầu tư cho nông dân, tạo ra cơ chế để nông dân mua cổ phần của DN. Như vậy DN và nông dân không còn đối kháng lợi ích nữa mà cùng có mục tiêu chung, cùng tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng.

Giải pháp khả thi nhất là tổ chức gắn nhà nông với nhà nông trong hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoặc cụm liên kết nông nghiệp kỹ thuật cao và gắn hợp tác xã nông nghiệp với DN trong một cơ chế theo chuỗi giá trị hướng đến thành phẩm gạo ngon và sạch.

Bên cạnh đó, Nhà nước phải quan tâm tổ chức sản xuất và xuất khẩu gạo theo đúng chuẩn thương mại quốc tế, thắt chặt quản lý tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không để nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách thoải mái như hiện nay.

Không dừng lại ở việc hiện đại hóa khâu chế biến, bảo quản mà đối với thị trường xuất khẩu, ngành lúa gạo cần thực hiện một số giải pháp như quy hoạch vùng trồng lúa xuất khẩu chính ở Đồng bằng sông Cửu Long, khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với nông dân. Đồng thời chuyển từ buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch với các nước chung biên giới, xây dựng kho ngoại quan và đẩy mạnh tiếp thị gạo Việt.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, gạo Việt nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung cần phải tạo thế "chân kiềng" để phát triển bền vững. Cụ thể, cần có sự đồng bộ trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng, từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Do vậy, cần có sự liên kết giữa nông dân và DN theo 3 phương thức: Nông dân - nông dân, nông dân - doanh nghiệp và doanh nghiệp - doanh nghiệp. Trong đó, mối liên kết giữa nông dân với DN trong đầu vào và đầu ra rất quan trọng.

Bên cạnh mối liên kết này, liên kết vùng và sự tham gia "bốn nhà” (nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp và nông dân) nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong cánh đồng lớn được quy hoạch và quản lý chặt chẽ. Đây chính là thế "chân kiềng" cần thiết để ngành lúa gạo phát triển nhanh và bền vững.

>Gạo Việt Nam giảm sức cạnh tranh ở xuất khẩu lẫn nội địa

>Năm 2030: Đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo và nỗi lo mất thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO