Vốn cho doanh nghiệp: Nhu cầu lớn, rào cản không nhỏ?

Minh Hào| 16/11/2020 05:52

Nguồn tiền từ các ngân hàng đang dồi dào trong khi doanh nghiệp (DN) cần tiền để hồi phục sản xuất, kinh doanh lại khó tiếp cận. Nên chăng, đã đến lúc phải thành lập các tổ hợp tín dụng cùng quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để gỡ nút thắt này.

bai-1-von-9103-1604996194.jpg

Vẫn khó tiếp cận 

Chia sẻ tại một diễn đàn về vốn cho DN hồi tuần trước, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, còn khoảng 200.000 tỷ đồng có thể được giải ngân để đáp ứng đủ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm nay.

Trên thực tế, dòng tiền tại các ngân hàng đang rất dồi dào, đáp ứng được nhu cầu vay của DN hiện nay. Vì dòng tiền dồi dào nên trong tháng 11 này, hầu hết ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi. Ông Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc Khối khách hàng DN của Ngân hàng Bản Việt cho biết, nguồn tiền tại ngân hàng không thiếu. Để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời điểm cuối năm, Bản Việt ưu tiên cho các DN nhỏ và vừa, trong đó, tập trung vào các DN ở ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và nông nghiệp...

Nguồn tiền không thiếu nhưng không dễ để DN có được vốn vay cho sản xuất, kinh doanh trong mùa cuối năm này. Các DN hầu như đều gặp khó khi tiếp cận nguồn vay, đặc biệt là trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay. Nhiều DN cho biết, nếu không phải là khách hàng thân thiết và có tài sản đảm bảo, họ rất khó để có được nguồn vay từ ngân hàng để duy trì hoạt động. 

Thường thì các ngân hàng ra điều kiện về phương án kinh doanh khả thi, dòng tiền minh bạch... Khi đáp ứng được các yêu cầu này, DN mới có thể tiếp cận khoản vay. Nhưng để có được kế hoạch kinh doanh chi tiết, được tính toán kỹ lưỡng từ đầu vào đến đầu ra một cách bài bản thì không phải DN nào cũng làm được. Với nhiều DN quy mô nhỏ, họ không quen với việc xây dựng phương án kinh doanh nên đáp ứng được các tiêu chí của ngân hàng là rất khó khăn.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay nhu cầu vốn lưu động của các DN nhỏ và vừa rất lớn. Các DN cần vốn lưu động để tiếp tục trả lương cho người lao động, trả tiền thuê mặt bằng, thuê đất, thuê văn phòng, thanh toán cho nhà cung cấp, trả nợ cho ngân hàng, đóng thuế, trả bảo hiểm xã hội và nhiều chi phí thường xuyên khác. 

Nhu cầu lớn nhưng nhiều DN bị tác động bởi tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh gây nên không có khả năng vay tiền của ngân hàng. Ông Nguyễn Xuân Tú - Giám đốc Công ty Phước Thạnh cho biết, trong đợt dịch hồi tháng 4/2020, công ty rất khó khăn khi xuất hàng đi châu Âu vì dịch bệnh bùng phát. Ông rất trông chờ vào các gói vay hỗ trợ từ Chính phủ nhưng vì không thể đáp ứng được các điều kiện vay mà công ty đành vay tiền người quen để duy trì hoạt động và giữ người lao động.

Chia sẻ về việc vấn đề này, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa rất cần vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất. Thế nhưng, không dễ để tiếp cận được nguồn vốn vay. Để vay vốn ngân hàng, DN phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu và phải có nguồn lực chứ không chỉ có dự án tốt. "Ngân hàng không chấp nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị sản xuất. Vì không thể thế chấp bằng máy móc nên DN phải có tài sản thế chấp, nhưng đây lại là vấn đề khó vì được mấy DN có nguồn bất động sản để thế chấp", ông Đỗ Phước Tống nói. 

bai-1-von-2-6890-1604996194.jpg

Thành lập tổ hợp tín dụng

Để tháo gỡ khó khăn về tài chính mà các DN đang gặp phải, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất thành lập một "tổ hợp tín dụng với mục đích cung cấp nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vốn để thực hiện quá trình chuyển đổi số cho DN. 

Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch chỉ đạo ngân hàng thành lập một tổ hợp tín dụng. Tất cả ngân hàng phải tham gia vào tổ hợp này, với tỷ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Theo tính toán của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay tổng dư nợ của nền kinh tế là 8.700.000 tỷ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3-3,5%, hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, cũng tương tự gói 300.000 tỷ đồng các ngân hàng đã triển khai trước đó. 

Nguồn tiền cho tổ chức tín dụng để hỗ trợ DN được huy động từ chính các ngân hàng cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm đầu mối thiết lập tổ hợp bên cạnh đó là một ngân hàng thương mại cổ phần đứng ra quản lý. Tổ hợp cũng phải có hội đồng tín dụng xét duyệt hồ sơ vay của các DN. Khi hội đồng tín dụng duyệt một tín dụng thì các ngân hàng sẽ cam kết giải ngân theo tỷ lệ tham gia vào tổ hợp. Chính tổ hợp này sẽ cho vay đối với DN khó khăn vì dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, hạn chế rủi ro cho ngân hàng là cơ chế bảo lãnh tín dụng. Năm 2018, Chính phủ đã có Quyết định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế nhưng, quyết định này chỉ đề cập đến quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần phải có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia và có vốn điều lệ lớn đủ để bảo lãnh cho tất cả ngân hàng tham gia tổ hợp tín dụng. Và nếu gói tín dụng này lên đến 300.000 tỷ đồng thì quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia cần phải có vốn điều lệ ít nhất là 30.000 tỷ đồng.

"Một tổ hợp tín dụng cộng với một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia có thể là một giải pháp tài chính hữu hiệu để giải quyết bài toán vốn cho các DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa đang và sẽ bị tác động bởi dịch bệnh khắp toàn cầu", chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn cho doanh nghiệp: Nhu cầu lớn, rào cản không nhỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO