Viettel có Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, thiếu tướng Lê Đăng Dũng chính thức nghỉ hưu

Vân Ly| 09/02/2022 05:02

Ngày 8/2/2022, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tổ chức Lễ bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) Tập đoàn từ Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho Đại tá Tào Đức Thắng. Ông Thắng trở thành người thứ 8 giữ vị trí cao nhất của Viettel từ khi thành lập (1989).

Viettel có Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, thiếu tướng Lê Đăng Dũng chính thức nghỉ hưu

Trải qua 33 năm, Viettel đã có 4 giai đoạn phát triển và 3 thế hệ lãnh đạo.

Thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Viettel là đội ngũ cán bộ kỹ thuật nòng cốt của Binh chủng thông tin liên lạc đã tìm ra con đường để những người lính thông tin có thể góp phần xây dựng đất nước, đồng thời định vị phương hướng phát triển cho Viettel. 

Thế hệ lãnh đạo thứ hai của Viettel làm việc và trưởng thành cùng nhau từ khi Viettel kinh doanh dịch vụ viễn thông. Họ đã  phổ cập dịch vụ viễn thông ở Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển; mở rộng không gian phát triển của Viettel sang các ngành công nghiệp an ninh mạng, sản xuất điện tử viễn thông, quốc phòng công nghệ cao; đưa Việt Nam song hành phát triển cùng nền công nghệ thế giới, tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số ở Việt Nam. 

Đại tá Tào Đức Thắng thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 3, nhận nhiệm vụ dẫn dắt Viettel trong  bối cảnh Viettel là tập đoàn công nghiệp, công nghệ, viễn thông lớn nhất Việt Nam, là nòng cốt của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, với gần 50 ngàn cán bộ, nhân viên; đầu tư và kinh doanh ở 10 quốc gia thuộc 3 châu lục; đóng góp cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm; là thương hiệu viễn thông có giá trị lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 10 ở châu Á.

Tại lễ bàn giao, Đại tá Tào Đức Thắng cam kết luôn giữ vững tinh thần tiên phong và vị thế số 1 Việt Nam, tiếp tục hiện thực hóa khát vọng của các thế hệ đi trước, đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho Viettel.

Mục đích là đưa Viettel trở thành Tập đoàn viễn thông, công nghiệp, công nghệ ở quy mô toàn cầu; là hạt nhân của nền công nghiệp quốc phòng, hình thành ngành nghiên cứu sản xuất công nghệ cao ở Việt Nam; kiến thiết xã hội số ở Việt Nam với 4 trọng tâm: Chính phủ số để người dân được phục vụ tốt hơn - Kinh tế số để người dân giàu có hơn - Xã hội số để người dân hạnh phúc hơn - An ninh mạng để người dân sống và làm việc an toàn hơn; Viettel sẽ tiếp tục tiên phong nâng cao trải nghiệm người dùng trong các xu hướng công nghệ mới của tương lai.

9-2-22-pic-1-2393-1644383117.jpg

Trước khi được bổ nhiệm, ông Tào Đức Thắng từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt của Viettel như: Phó TGĐ Tập đoàn Viettel (2018-2021), Quyền PGĐ Tập đoàn (2015-2018), Quyền TGĐ Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (2014-2015), TGĐ Tổng công ty Mạng lưới Viettel (2013-2014), Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel (2010-2013), Quyền PGĐ Công ty Viễn thông Viettel (2008-2010)...

Trước đó, năm 2005 ông gia nhập Viettel với vai trò Trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật, Công ty Điện thoại di động Viettel (TCT Viễn thông Quân đội). Sau một thời gian phụ trách Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) trong nhiều giai đoạn, đại tá Tào Đức Thắng đã cùng VTNet xây dựng và triển khai hệ thống 120.000 trạm thu phát sóng di động (BTS) phục vụ hàng chục triệu khách hàng, tạo tiền đề để Viettel làm nên 2 cuộc cách mạng trong viễn thông: phổ cập điện thoại di động và Internet di động băng rộng.

Trong giai đoạn lãnh đạo Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel, ông Thắng đã góp phần đưa Viettel trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất với 10 thị trường, trong đó có 5 thị trường đứng số 1 về thị phần, 8 thị trường đã có lãi, 3 thị trường đã thu hồi về nước gấp 4-5 lần số vốn đầu tư.

Đại tá Tào Đức Thắng đã chính thức điều hành hoạt động của Viettel từ ngày 1/1/2022 theo quyết định số 2200/QĐ -TTg ngày 25/12/2021.

Theo Bảng xếp hạng 500 thương hiệu toàn cầu mới nhất năm 2022 do Brand Finance công bố, thương hiệu Viettel được định giá gần 9 tỷ USD, vượt cả Spotify, Qualcomm, Lenovo... lọt top 250 thương hiệu giá trị nhất thế giới.

Viettel đã tăng giá trị 44% và tăng tới 99 bậc trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới, đồng thời trở thành thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á.

Các giai đoạn phát triển của Viettel

GIAI ĐOẠN 1.0 (1989-1999)

-Xây dựng thành công đường trục cáp quang Bắc - Nam đầu tiên dành riêng cho quân sự, áp dụng công nghệ ghép bước sóng thu phát trên một sợi quang có độ dài nhất thế giới (hơn 2.300km)

-Xây dựng thành công các công trình cột cao nhất Việt Nam (125m) cho Đài truyền hình Tuyên Quang, Đài truyền hình Việt Nam

GIAI ĐOẠN 2.0 (2000-2009)

-Làm bùng nổ, phổ cập dịch vụ viễn thông, dịch vụ di động tại Việt Nam

-Tiên phong đầu tư ra nước ngoài bằng công nghệ cao

GIAN ĐOẠN 3.0 (2010-2018)

-Đầu tư nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao

-Kinh doanh dịch vụ viễn thông tại 11 nước trên thế giới

-Đưa ứng dụng CNTT vào mọi ngõ ngách cuộc sống

GIAI ĐOẠN 4.0 (2018-nay)

-Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số bằng công nghệ mới nhất trên thế giới

- Là tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Viettel có Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, thiếu tướng Lê Đăng Dũng chính thức nghỉ hưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO