Tự cứu hay chờ người cứu?

HỒNG NGA - Ý NHI – PHƯƠNG QUYÊN*| 06/04/2011 09:48

Thực tế cho thấy, chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín không còn phù hợp. Đi tìm mô hình chăn nuôi mới cũng là cách tìm đường tự cứu.

Tự cứu hay chờ người cứu?

Thực tế cho thấy, chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín không còn phù hợp. Đi tìm mô hình chăn nuôi mới cũng là cách tìm đường tự cứu.

Xem E Paper số 137

Ảnh: P.Q

Không chỉ có các công ty sản xuất quy mô nhỏ gặp khó, có tiềm lực tài chính để ứng phó với tình hình nhưng các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn cũng phải đối mặt với áp lực giữ giá ổn định để không mất khách hàng. Bởi vì, hơn 200 DN cùng cung cấp thức ăn chăn nuôi nên mức độ cạnh tranh là rất lớn.

Giải pháp tìm nguyên liệu thay thế để có thể đảm bảo giá thành không đổi nhưng vẫn giữ được tiêu chuẩn hàm lượng các chất cần thiết trong sản phẩm được khá nhiều DN lựa chọn.

Để cạnh tranh được với những thương hiệu đã có thị phần lớn, có khả năng phát triển với mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” như CP, Proconco..., các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có thị phần nhỏ hiện nay đã manh nha liên kết để tạo nên những tổ hợp.

Hợp tác của công ty con giống Topigs, De Heus Việt Nam và các DN cung cấp thiết bị chuồng trại là một ví dụ. Theo ông Gabor Fluit, mô hình tổ hợp này khá phát triển tại Hà Lan và các nước Tây Âu do tính chủ động, không bị “bắt ép” phải dùng tất cả sản phẩm của một thương hiệu nơi người chăn nuôi.

Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất thức ăn chăn nuôi, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình: “Ngành chăn nuôi Việt Nam năng suất thấp là do dịch bệnh, môi trường an toàn không có vì không có trại chăn nuôi biệt lập. Mô hình chăn nuôi trang trại lớn khép kín không còn phù hợp. Ngay cả ở nước ngoài, mô hình trang trại lớn khép kín cũng đang được thay thế bằng mô hình chăn nuôi theo hộ gia đình.

Vì vậy, Thanh Bình đang triển khai mô hình này để cứu mình và kết quả khá khả quan. Cụ thể, Thanh Bình cung cấp giống, đưa cám, đưa cán bộ thú y hướng dẫn chăn nuôi, sau đó chúng tôi thu mua lại sản phẩm, các hộ chăn nuôi hưởng tiền công. Với mô hình này, người chăn nuôi còn tăng thu nhập nhờ kết hợp vườn - ao - chuồng, chất thải làm bioga".

Ông Lê Văn Mẻ, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai), cho biết, Công ty Phú Sơn đang giảm quy mô vì phải chuyển hộ chăn nuôi ở khu đông dân sang vùng quy hoạch. Với mô hình này, Phú Sơn đã ổn định kinh doanh và nhiều năm qua đã tránh được tình trạng ngấp nghé bỏ nghề như nhiều đơn vị chăn nuôi khác.

Phái đoàn Hoàng gia Hà Lan thăm quan tổng kho giai đoạn II của công ty DeHeus

Ở góc độ đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Lê Tấn Tài, Giám đốc Công ty Chế biến thức ăn gia súc Tấn Lợi (Mỏ Cày, Bến Tre), kiến nghị: “Thay vì trồng 3 vụ lúa như hiện nay thì chỉ nên trồng 2 vụ, vụ thứ ba nên trồng màu để cải tạo đất, cụ thể là trồng ngô hoặc bobo cho chăn nuôi để hạn chế nhập lúa mì từ Úc, Brazil, trong khi đó các cây này cũng không cần thuốc trừ sâu, giảm lượng tưới, phân bón”.

Chia sẻ thêm về cách tự cứu mình, ông Tài cho biết, khi có dịch tai heo xanh, nhiều đơn vị cung cấp thức ăn gia súc khủng hoảng, bị giảm 50% doanh thu, nhưng Tấn Lợi vẫn phát triển nhờ mạnh dạn tự sản xuất thuốc đề kháng cho heo. Vì vậy, dịch tai heo xanh được khống chế hiệu quả.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, đánh giá, cái khó của ngành chăn nuôi Việt Nam là chưa có các cơ quan đứng ra nối kết những người chăn nuôi và kinh doanh lại với nhau. Hiện nay, đã có nhiều tổ chức dành cho ngành chăn nuôi như Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam... nhưng như thế còn quá rộng.

“Chúng tôi cần những tổ chức gần gũi hơn, thiết thực hơn để khi cần đầu tư, mở rộng sản xuất, hay những lúc gặp khó khăn có thể ngồi lại với nhau, bàn bạc xem sẽ phát triển như thế nào. Nên thành lập những tổ chức chuyên trách cho từng ngành nuôi gà, bò, heo...”, ông Thiện đề xuất.

* Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Công ty thức ăn chăn nuôi De Heus Việt Nam:  Sẽ có nhiều công ty phải đóng cửa, rao bán

- Việt Nam đang rơi vào tình trạng tương tự với thời kỳ khó khăn biến động về giá những năm 2007-2008. Giá nguyên liệu tăng cao trong khi lãi suất ngân hàng liên tục biến động đã khiến rất nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô nhỏ đã phải đóng cửa hoặc bán lại vì không có khả năng cầm cự. Thị trường Việt Nam thời gian tới sẽ đón nhận những đợt đóng cửa, rao bán của các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô nhỏ”.

* Ông Lê Văn Mẻ, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai): Muốn mua thuốc phòng dịch cũng không có

- Vừa qua xảy ra dịch lở mồm long móng, chúng tôi có hơn 30.000 con heo muốn mua thuốc phòng ngừa cũng không có. Đã vậy, dịch bệnh lại có những bệnh phát sinh đặc hiệu, không thể kiểm soát vì ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang trong tình trạng nhỏ lẻ, nuôi theo phương thức cũ. Nghịch lý hiện nay là tuy giá heo đang cao nhưng người mua heo giống lại không dám phát triển đàn heo.

Chính sách cho chăn nuôi hiện nay vẫn chưa được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước. Chẳng hạn, để hạn chế và phòng chống dịch bệnh, phải triển khai được những vùng đệm an toàn. Một số hộ chăn nuôi lớn như Phú Sơn đã nỗ lực đưa ra dự án riêng để thực hiện việc này. Tuy nhiên, khi có dự án thì trình tự thủ tục để thực hiện cũng rất nhiêu khê, thường kéo dài mấy năm. Trong thời gian đó, rủi ro rất lớn vì giá cả tăng, đầu vào lại không bình ổn.

* Ông Lê Tấn Tài, Giám đốc Công ty Chế biến thức ăn gia súc Tấn Lợi (Mỏ Cày, Bến Tre): Nhiều doanh nghiệp trục lợi

- Do nguyên liệu thức ăn gia súc phụ thuộc đến 70% là nhập khẩu nên khi giá tăng cao. để cạnh tranh, nhiều đơn vị sản xuất thức ăn gia súc đã trộn nguyên liệu phế phẩm vào thức ăn cho gia súc, hoặc trộn cao lanh, trấu xay mịn,... Vì vậy đã làm giảm sức đề kháng bệnh của vật nuôi, chưa kể người chăn nuôi còn bị thua lỗ vì heo chậm lớn, dễ bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tự cứu hay chờ người cứu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO