Tiêu dùng an toàn tại nhà "lên ngôi"

Thanh Ngân| 14/04/2020 06:30

Đại dịch Covid-19 đã làm một xu hướng tiêu dùng mới hình thành: tiêu dùng an toàn tại nhà (safe-in-home), thay cho xu hướng tiêu dùng mua mang đi (on-the-go) trước đó.

Tiêu dùng an toàn tại nhà

An toàn là trên hết

Theo nghiên cứu của Nielsen tại 11 thị trường châu Á trong tháng 3/2020, đa số người tiêu dùng đều ưu tiên ăn tại nhà. Xu hướng này được dẫn đầu bởi Trung Quốc, với 86% số người tiêu dùng nói họ sẽ ăn tại nhà thường xuyên hơn so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Việt Nam nằm trong top 4 các quốc gia theo xu hướng này khi có tới 62% người tiêu dùng cho biết đã chọn "ăn tại nhà" vì sự an toàn.

Theo nghiên cứu, có đến hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu trong khi 52% người được hỏi nói rằng họ tăng dự trữ hàng hóa tại nhà. Bên cạnh đó, 82% người tiêu dùng đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài (tăng 57% so với tháng 2/2020). 

Tổng giám đốc Nielsen Đông Nam Á Vaughan Ryancho biết, trong một vài thị trường châu Á, doanh số bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh tăng trung bình từ 20-25% mỗi tuần, kể từ khi dịch bắt đầu lan rộng vào cuối tháng 1 năm nay. Người tiêu dùng đã quay lại cùng một cửa hàng nhiều lần và hành vi này đến từ tâm lý lo sợ mua hàng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã chuyển từ "tiêu dùng mua mang đi" sang "tiêu dùng an toàn tại nhà" nhiều hơn.

Do nhiều người phải ở nhà lâu hơn và việc ăn uống tại nhà nhiều hơn nên việc mua hàng hoá dự trữ cũng nhiều hơn. Vì vậy mà sức mua của các ngành hàng như mì ăn liền, sản phẩm chăm sóc nhà cửa, thực phẩm bổ sung, sản phẩm vệ sinh cá nhân, thực phẩm thiết yếu, rau quả tươi, sữa và các chế phẩm từ sữa, và thực phẩm đông lạnh cũng tăng lên đáng kể.

Nhà bán lẻ nên trữ hàng

Theo các chuyên gia, sự chuyển biến về thói quen ăn uống tại nhà sẽ kéo dài cho đến hậu đại dịch. Và, khi đại dịch Covid-19 qua đi, lối sống và cách ăn uống khỏe mạnh cũng được người tiêu dùng quan tâm hơn so với trước đây. Xu hướng này tạo cơ hội đầy tiềm năng cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ và các công ty giao thực phẩm suy nghĩ lại về các dịch vụ sức khỏe để đảm bảo sản phẩm của họ đáp ứng được sự hài lòng về nhu cầu ngày càng tăng đối với sức khỏe và sự thuận tiện. 

Trong những năm gần đây, kênh cửa hàng tiện lợi chứng kiến sự tăng trưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, điều thách thức đối với nhà bán lẻ tiện lợi hiện nay là mô hình này không thể cung cấp đầy đủ các sản phẩm mà người tiêu dùng tìm kiếm để dự trữ hoặc nấu ăn tại nhà. Vì vậy, để "chiến thắng trong tâm trí khách hàng", các nhà bán lẻ mà cụ thể là các cửa hàng tiện lợi cần mở rộng danh mục sản phẩm liên quan đến thực phẩm thiết yếu, không nên dừng lại ở sản phẩm "ăn uống tại hàng" hoặc "mua mang đi" như trước đây.

Bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho rằng, với xu hướng gia tăng tiêu dùng trong các nhóm thực phẩm thiết yếu, chăm sóc và vệ sinh cá nhân, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối, nên dự trữ nguồn hàng lớn để đảm bảo rằng các sản phẩm này phải luôn trong tình trạng sẵn khi người tiêu dùng mua sắm.

Việc để trống hàng trên quầy kệ sẽ khiến người tiêu dùng chọn sản phẩm khác thay thế. "Đây sẽ là tổn thất đối với cả nhà bán lẻ và nhà sản xuất, đồng thời gây nên sự thất vọng đối với người mua hàng", bà Louise Hawley nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiêu dùng an toàn tại nhà "lên ngôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO