Thu hút FDI công nghệ cao: Chiến lược nâng cấp vị thế doanh nghiệp

PHAN ĐÌNH MẠNH - Birmingham Business School| 25/04/2015 04:32

Việt Nam cần thiết phải có chính sách mang tính chiến lược trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao.

Thu hút FDI công nghệ cao: Chiến lược nâng cấp vị thế doanh nghiệp

Việt Nam cần thiết phải có chính sách mang tính chiến lược trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao.

Đọc E-paper

Chính sách này phải vừa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, đồng thời vẫn phải đảm bảo lợi ích quốc gia (như giải quyết vấn đề lao động) và đặc biệt là thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ cho các DN nội địa. Để đạt được mục tiêu ấy, nhất thiết phải trải qua quá trình nâng cấp từ trung hạn đến dài hạn.

Về trung hạn, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lực tay nghề cao, ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém cũng như hạn chế về khả năng công nghệ của các DN nhỏ và vừa (SME) trong nước, sẽ rất khó để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao bao gồm tất cả các khâu của chuỗi giá trị như sản xuất thiết bị - linh kiện, lắp ráp đến các khâu nghiên cứu, marketing và làm thương hiệu.

Thay vào đó, Việt Nam nên chọn một khâu phù hợp để tập trung chuyên môn hóa, chẳng hạn trở thành một địa chỉ lắp ráp công nghệ cao. Tuy nhiên, do cạnh tranh gay gắt và chi phí lao động ngày càng tăng, Việt Nam nhất thiết phải chuyển đến khâu có giá trị cao hơn.

Về dài hạn, Việt Nam nên tập trung phát triển các "cụm công nghệ cao tập trung" (High-tech Clusters). Theo GS. Michael Porter, cluster là khu vực tập trung về mặt địa lý của những công ty và tổ chức có sự liên kết với nhau trong một lĩnh vực cụ thể, bao gồm những nền công nghiệp có liên kết, những cơ quan đặt ra tiêu chuẩn, cơ quan cung cấp và đào tạo nghề.

Bằng cách hướng vào các cluster, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, những chính sách ưu đãi và ngành công nghiệp phụ trợ sẽ được phân phối vào những dự án được ưu tiên, giảm nhẹ chi phí logistics cho DN.

Một chiến lược dài hạn khác rất cần thiết là gắn kết thu hút FDI công nghệ cao với nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây được xem là chiến lược tiếp nối của chiến lược tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với chiến lược này, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế địa lý để trở thành trung tâm phân phối hàng hóa cho các thị trường lân cận như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Á. Các bước cụ thể của quá trình nâng cấp có thể được mô tả như sau:

- Assembly: Hầu hết các hoạt động dựa vào lực lượng lao động giá rẻ ở Việt Nam được thực hiện bởi các DN FDI, trong khi các DN Việt Nam thực hiện các giai đoạn đơn giản trong chuỗi giá trị.

- OEM (Original Equipment Manufacturer): Khu vực FDI sẽ chuyển sang thực hiện giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D) và marketing, trong khi các nhà cung ứng địa phương thực hiện nhiều chức năng sản xuất hơn, bao gồm sản xuất một số sản phẩm đầu vào và logistics.

- ODM (Original Design Manufacturer): Bên cạnh sản xuất, các nhà cung ứng địa phương còn thực hiện một phần trong khâu thiết kế sản phẩm, có thể thông qua hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài khi các nhà đầu tư này chuyển hướng sang phát triển thương hiệu trong khi các khâu thiết kế và sản xuất sản phẩm được thực hiện bởi nhà cung ứng.

Nhà cung ứng thiết kế, sản xuất và tiếp thị thương hiệu sản phẩm của chính họ, không còn phụ thuộc vào người mua cho những chức năng này.

Thực tế, sự thành công của mô hình này đã được chứng minh ở các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á như Hàn Quốc và Đài Loan. Những nước, vùng lãnh thổ này đã có sự thành công vượt bậc khi nâng cấp từ OEM (các nhà sản xuất sản phẩm và linh kiện để cung cấp cho các công ty lớn có thương hiệu thực hiện công đoạn lắp ráp, tiêu thụ) lên ODM (các công ty thiết kế và sản xuất sản phẩm để cung cấp cho các công ty lớn có thương hiệu) rồi đến giai đoạn OBM (các công ty lớn chuyển việc sản xuất, lắp ráp cho các công ty vệ tinh và chỉ tập trung vào làm thương hiệu cho sản phẩm).

Ở giai đoạn OEM, các công ty nội địa có thể tận dụng cơ hội được làm nhà cung cấp cho các công ty lớn hơn và chính sách chuyển giao công nghệ để học hỏi, bắt chước và cải tiến sản phẩm cũng như tạo lợi thế cạnh tranh để từng bước tự phát triển sản phẩm.

Đối với chiến lược này, nguồn nhân lực có tay nghề cao và trình độ của các DN là yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Do vậy, những DN Việt Nam và các bên có liên quan cần thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và đào tạo tay nghề tại chỗ. Một điểm quan trọng nên được xem xét là vai trò quản lý của Nhà nước trong mỗi giai đoạn nâng cấp.

Sự điều tiết của chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong thời kỳ đầu phát triển ngành công nghệ cao tại các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, mức độ can thiệp nên được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể. Muốn vậy, Việt Nam cần có những nghiên cứu chuyên sâu để tối đa hóa lợi ích mà nguồn vốn FDI công nghệ cao mang lại.

>FDI: Sao phải giữ bằng mọi giá?
>Nhà máy FDI tại VN: "Khách" hưởng lợi là chính
>Thu hút đầu tư nước ngoài: Nhìn từ chỉ số PCI
>TP.HCM đầu tư Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đón đầu tư nước ngoài
>Lắp ráp sản phẩm công nghệ cao là hướng đi đúng của Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút FDI công nghệ cao: Chiến lược nâng cấp vị thế doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO