Thị trường ô tô: Giá chưa giảm, thuế đã muốn tăng

HỒNG NGA| 02/12/2015 08:36

Trong khi hy vọng giá xe giảm chưa thành hiện thực thì một loạt chính sách quy định về các loại thuế tiêu thụ đặt biệt, giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho nhiều dòng xe đã được ban hành.

Thị trường ô tô: Giá chưa giảm, thuế đã muốn tăng

Theo lộ trình thực thi các hiệp định tự do thương mại (FTA) và sắp tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sẽ giảm dần về mức 0% vào năm 2018. Thế nhưng, giá xe ô tô chưa giảm đã có khả năng tăng theo những chính sách mới của cơ quan quản lý nhà nước! 

Đọc E-paper

Khó giảm giá

Năm 2014, theo lộ trình hội nhập, thuế nhập khẩu xe bắt đầu giảm và về mức 0% vào năm 2018.

Cùng với lộ trình giảm thuế là hy vọng của người tiêu dùng về việc sở hữu ô tô đúng giá, ít nhất là vào thời điểm năm 2018, bởi vì thuế nhập khẩu là một trong những gánh nặng lớn nhất đè lên giá xe bán ra tại thị trường Việt Nam những năm qua.

Những FTA với EU, với Hàn Quốc, TPP... được ký kết (có quy định dỡ bỏ thuế nhập khẩu) càng củng cố thêm niềm tin giá ô tô tại Việt Nam sẽ giảm trong thời gian tới.

Trong đó, FTA với EU quy định thuế xuất nhập khẩu ô tô từ châu Âu về Việt Nam giảm còn 0% sau 10 năm.

FTA với Hàn Quốc cũng quy định ô tô tải và xe con dung tích từ 3 lít trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thuế về 0% sau 10 năm. TPP dù ràng buộc ô tô dỡ bỏ thuế muộn nhất nhưng cũng sẽ về 0% sau 10 năm nữa.

Thế nhưng, hy vọng giá xe giảm chưa thành hiện thực thì một loạt chính sách quy định về các loại thuế tiêu thụ đặt biệt (TTĐB), giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho nhiều dòng xe đã được ban hành.

Các chính sách nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước này đã dập tắt giấc mơ sỡ hữu ô tô đúng giá của nhiều người.

Vào cuối tháng 10, Thủ tướng ký ban hành Nghị định 108 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế TTĐB, có hiệu lực từ 1/1/2016. Cụ thể, Nghị định 108 quy định giá căn cứ tính thuế đối với ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi là giá bán ra của các doanh nghiệp (giá bán buôn).

Trước đây, thuế TTĐB được tính trên giá vốn thì đầu năm 2016, thuế sẽ được tính trên giá vốn cộng thêm phần chi phí vận chuyển, quảng cáo, bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp. Và khi mức thuế TTĐB tăng lên thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận.

Theo các doanh nghiệp, hiện nay, mức thuế TTĐB đối với ô tô từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000cm3 ở Việt Nam là 45%, cao hơn so với mức trung bình của các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 11, có 14.000 chiếc ô tô với tổng trị giá 240 triệu USD được nhập về Việt Nam, tăng 6.000 chiếc và hơn 85 triệu USD so với cùng kỳ 2014.

Tính chung, 11 tháng qua, đã có 112.000 xe nhập trị giá 2,579 tỷ USD nhập vể Việt Nam.

Nếu tính luôn linh kiện và phụ tùng ô tô thì tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm lên đến 5,3 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tốc độ nhập ô tô về Việt Nam 11 tháng qua tăng cả về lượng và giá trị so với năm 2014 và 2013 cộng lại.

Năm 2014, Việt Nam chi 1,57 tỷ USD nhập 72.000 xe và năm 2013 là 709 triệu USD.

Cùng với thuế TTĐB áp dụng trong đầu năm 2016, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi một số bộ, ngành lấy ý kiến về đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho nhiều dòng xe.

Theo đề xuất này, 7 mặt hàng trong nhóm động cơ và các bộ phận như hộp số, cụm bánh xe, bật lửa điện... của các dòng xe con có dung tích động cơ dưới 2 lít được giảm thuế nhập khẩu.

Cụ thể, động cơ nhập từ Hàn Quốc sẽ giảm từ 20% xuống còn 3% vào năm 2016; hộp số, cụm bánh xe sẽ giảm xuống 5% thay vì giảm dần xuống 12 - 20% như kế hoạch trước đó; bật lửa điện cũng giảm về mức 0% từ năm 2016.

Nhà nhập khẩu lên tiếng

Trước những "bảo hộ ngành ô tô trong nước", mới đây, đại diện của 8 nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam của các thương hiệu Audi, Bentley, Lamborghini, BMW, Mini, Jaguar, Land Rover, Renault, Rolls Royce, Volkswagen đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị một số vấn đề liên quan đến thuế TTĐB.

Văn bản kiến nghị của 8 nhà nhập khẩu này nêu rõ: "Nghị định 108 và dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (có đề cập thuế TTĐB) gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp để có thể theo sát các thay đổi trong chính sách thuế và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp, gây tiếng xấu cho môi trường kinh doanh nói chung cũng như sự phát triển bền vững của ngành ô tô nói riêng tại Việt Nam bởi việc một nghị định vừa ban hành thì gần như bị sửa đổi hoàn toàn bởi một văn bản luật khác có nội dung hoàn toàn khác biệt".

Vì thế, các doanh nghiệp đề xuất, trong trường hợp chính sách thuế TTĐB buộc phải theo dự luật mới, thời gian áp dụng Nghị định 108 nên lùi đến ngày 1/7/2016 để doanh nghiệp có thời gian nghiên cứu, hiểu đúng cách tính thuế mới, áp dụng và lập kế hoạch hoạt động, đầu tư... và tránh xáo động kinh doanh, thị trường và người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập còn lo lắng ngoài thuế TTĐB, Việt Nam còn can thiệp vào các công cụ khác như hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về tài chính, kho bãi của đại lý để hạn chế xe nhập.

Ông Trần Tấn Trung - Tổng giám đốc Công ty CP Liên Á Quốc tế, đơn vị phân phối chính hãng xe Audi tại Việt Nam, cho rằng, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thuế TTĐB vừa ban hành nay dự thảo luật lại thay đổi và cùng ngày áp dụng làm cho doanh nghiệp rất khó khăn.

Theo tính toán của ông Trung, từ sau 1/1/2016 (thời điểm áp dụng cách tính giá tính thuế TTĐB mới), giá xe sẽ tăng ít nhất 15%, thậm chí có mẫu xe tăng đến 30% so với giá bán hiện nay. "Đó là chưa kể đến ngày 1/7/206, giá xe động cơ công suất từ 2.0 trở lên còn tăng cao hơn nữa dù thuế nhập khẩu giảm", ông Trung nói.

>AEC: Lào bãi bỏ thuế nhập khẩu ô tô có xuất xứ từ ASEAN

>TPP: Sau 10 năm, thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0%

>11 tháng, người Việt chi hơn 2,5 tỷ USD mua ô tô nhập khẩu

>Ô tô nhập khẩu: Thị trường 21 tỷ USD

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường ô tô: Giá chưa giảm, thuế đã muốn tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO