Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội ứng phó hàng Thái

LỮ Ý NHI| 05/04/2016 08:38

Việc các tập đoàn Thái Lan “làm chủ” nhiều siêu thị tại Việt Nam đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Thái dễ dàng đưa hàng vào hệ thống bán lẻ, lấn át hàng Việt,... khiến doanh nghiệp nội phải có chiến lược ứng phó.

Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội ứng phó hàng Thái

Việc các tập đoàn Thái Lan “làm chủ” nhiều siêu thị tại Việt Nam đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Thái dễ dàng đưa hàng vào hệ thống bán lẻ, lấn át hàng Việt và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Thực tế đó đã khiến các DN trong nước phải có chiến lược ứng phó.

Đọc E-paper

Những năm gần đây, việc mua bán, sáp nhập (M&A) hệ thống bán lẻ đã diễn ra và kết thúc các thương vụ này là nhiều siêu thị bán lẻ của Việt Nam đã nằm trong tay của các tập đoàn Thái Lan.

Đơn cử như Berli Jucker Plc (BJC) đã mua 42 cửa hàng FamilyMart và đổi tên thành Bmart. Tập đoàn BJC đã hoàn tất việc mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam và tuyên bố muốn mua lại Big C.

Trước đó, Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat cũng đã mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim... Cùng với việc M&A, nhiều siêu thị Thái Lan đã phát triển mạnh như Index Living Mall, Robins...

Theo lý giải của ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Công ty TNHH Trung Huy chuyên phân phối hàng gia dụng Thái Lan: “Việc các DN Thái Lan thâm nhập mạnh mẽ vào lĩnh vực bán lẻ là do thị trường bán lẻ Việt Nam rất nhiều tiềm năng, sức mua lớn. Thái Lan lại gần Việt Nam và người Thái có tập quán tiêu dùng, khẩu vị, thẩm mỹ giống người Việt. Bên cạnh đó, hàng Thái Lan lại có ưu điểm là giá hợp lý, chất lượng bảo đảm, mẫu mã đa dạng nên được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận. Nhiều DN Thái Lan còn được chính phủ của họ hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất 1%, thậm chí 0%, trong khi đó, DN Việt Nam phải chịu lãi vay 6 - 7% nên rất khó cạnh tranh”.

Những mặt hàng Việt Nam phải cạnh tranh nhiều nhất với hàng Thái là nhựa gia dụng, thực phẩm, ngành hàng tiêu dùng nhanh, vật liệu xây dựng.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết: “Trong ba năm trở lại đây, ngành nhựa tăng trưởng 15 - 17%/năm.

Mức tiêu thụ nhựa bình quân ở Việt Nam là 41kg/người/năm, trong khi mức trung bình thế giới là 47kg/người/năm, các nước châu Âu và Mỹ lên đến trên 100kg, đó là lý do nhà đầu tư Thái đang đầu tư nhiều vào Việt Nam, trong đó tập trung nhiều vào ngành nhựa”.

Để hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh, Hội Cao su - Nhựa TP.HCM đã đề xuất quy hoạch khu tập trung cho DN nhựa, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi nhằm tiết giảm chi phí và kiến nghị Nhà nước có chính sách cho DN nợ thuế được trả chậm và không phạt nợ quá hạn để giảm áp lực tài chính, dồn lực cạnh tranh.

Trước sức ép tồn tại, nhiều DN Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ. Đơn cử mới đây, Nhựa Rạng Đông đã ký kết hợp tác thương mại toàn diện với Công ty Sojitz Pla - net (thuộc Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản) để Sojitz Pla - net tư vấn và chuyển giao các giải pháp về công nghệ, hệ thống quản lý và phát triển sản phẩm mới theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Rạng Đông cũng mở rộng phân phối sản phẩm chủ lực như bao bì phức hợp, giả da, màng nhựa PE/EVA, nguyên phụ liệu vào các tập đoàn, DN Nhật Bản tại Việt Nam và trên thế giới.

Theo đại diện Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích, trước đây, Thạch Bích chỉ chú trọng thị trường miền Trung và miền Bắc, nhưng gần đây, trước sự gia tăng nhiều thương hiệu nước giải khát của Thái Lan nên đã mở rộng hệ thống phân phối.

Theo Thạch Bích, hiện nay kênh phân phối hiện đại chỉ chiếm 20% tổng sức mua của thị trường, vì vậy kênh phân phối truyền thống vẫn còn cơ hội cho DN trong nước, nhất là ngành nước giải khát, nước khoáng ít người tiêu dùng vào siêu thị mua số lượng lớn.

Vì vậy, từ đầu năm 2016, Thạch Bích đã tập trung phát triển mạnh hệ thống phân phối tại khu vực miền Nam và các nước Lào, Campuchia. Hiện tại, Thạch Bích đã mở gấp đôi điểm bán bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và chiết khấu cao cho đại lý.

Dự báo sữa đậu nành cũng sẽ cạnh tranh khốc liệt, không chỉ trong nước mà cả với sản phẩm của Thái Lan, mới đây Công ty Vinasoy đã đầu tư 900 tỷ đồng xây dựng thêm một nhà máy ở Bình Dương. Ước tính nhà máy này sẽ cung cấp thêm cho thị trường 90 triệu lít/năm, nâng tổng công suất của Vinasoy lên 390 triệu lít/năm.

Ông Nguyễn Công Tụ, Giám đốc Công ty Vinasoy cho biết: “Việc đầu tư nhà máy tại Bình Dương nhằm mở rộng kênh phân phối. Nhà máy này không chỉ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng miền Nam một cách nhanh chóng mà giá thành cũng cạnh tranh hơn do giảm được chi phí vận chuyển. Khi giai đoạn 2 hoàn tất, nhà máy sẽ đạt công suất 180 triệu lít/năm. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh của Vinasoy với các đối thủ”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit cũng cho biết: “Với sự xuất hiện của nhiều nhà bán lẻ Thái Lan, chắc chắn là hàng Thái sẽ hiện diện ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam. Đây sẽ là những đối thủ nặng ký của các DN trong nước. Vì thế buộc Vinamit phải đổi mới, sáng tạo để tạo ra sản phẩm khác biệt. Cụ thể, ngoài việc đầu tư cải tổ bộ máy, công nghệ, ra mắt nhiều sản phẩm mới, Vinamit còn đầu tư vào sản phẩm Organic bởi đây là xu hướng mà DN muốn cạnh tranh với đối thủ trên bình diện quốc tế không thể đứng ngoài “cuộc chơi”. Và chúng tôi đã chuẩn bị cho thị trường này từ ba năm nay với một trang trại 200 hécta trái cây hữu cơ, chủ lực là mít, xoài và sầu riêng tại Phú Giáo, Bình Dương. Đây cũng sẽ là tiền đề để Vinamit mở rộng tiếp 2.000 hécta tại Dăk Lăk”.

Cũng theo ông Viên, các DN Việt Nam vẫn có lợi thế sân nhà nếu nhanh chóng đổi mới và biết tìm thế mạnh riêng. Đơn cử, các DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu đi theo hướng nông nghiệp hữu cơ sẽ thuận lợi, dễ dàng và nhanh hơn so với chuyển hướng vào đại nông nghiệp, đồng thời các sản phẩm làm ra sẽ có giá trị canh tranh hơn.  

>Thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam: Chiến lược của người Thái

>Thương vụ thâu tóm Metro: Ông chủ người Thái lên tiếng

> Big C Việt Nam: Cuộc đua thâu tóm giữa các đại gia ngoại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội ứng phó hàng Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO