Ra mắt Trung tâm Trọng tài thương mại – Hòa giải thương mại Thịnh Trí

Anh Vĩnh| 05/08/2018 06:00

Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 2 năm Cà phê Doanh Nhân của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), Trung tâm Trọng tài thương mại – Hòa giải thương mại Thịnh Trí (TTCAC) là một pháp nhân nằm trong Hệ thống luật Thịnh Trí (Thành viên của HUBA) có văn phòng tại 4 Trần Quang Diệu, Phường 13, Quận 3, TP.HCM đã chính thức ra mắt sau một năm thành lập.

Ra mắt Trung tâm Trọng tài thương mại – Hòa giải thương mại Thịnh Trí

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (thứ hai từ trái sang) chúc mừng đại diện TTCAC

Trọng tài thương mại (TTTM) và hòa giải thương mại (HGTM) là hai trong các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án mà pháp luật Việt Nam cho phép. Theo đó, các phương thức này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và có thủ tục giải quyết tuân thủ quy định pháp luật.

Những quốc gia phát triển, hầu hết các tranh chấp kinh doanh, thương mại, hợp đồng tín dụng, thế chấp, hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu...của doanh nghiệp (DN) đều sử dụng TTTM hoặc HGTM để xét xử, đưa ra phán quyết, vì DN muốn giữ bí mật, uy tín, không muốn công khai thông tin họ đang có tranh chấp. Hơn nữa, bản thân các bên cũng muốn tranh chấp sớm được giải quyết để tập trung cho các kế hoạch kinh doanh tiếp theo. Trong hợp đồng ký kết giữa các bên, họ thường đưa điều khoản yêu cầu TTTM hoặc HGTM giải quyết nếu có tranh chấp thay vì là Toà án.

Tại Việt Nam, mặt dù Luật Trọng tài Thương mại đã được Quốc hội thông qua năm 2010, nhưng theo thống kê, chỉ có khoảng 10% tranh chấp thương mại, đầu tư giữa các DN được giải quyết thông qua TTTM.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh - Trọng tài viên sáng lập Trung tâm Trọng tài thương mại – Hòa giải thương mại Thịnh Trí cho biết, khi phát sinh tranh chấp, DN thường chọn Toà án là cơ quan giải quyết vì từ trước đến nay, họ quen quy trình tố tụng của Toà án; hai là phí Trọng tài khá cao; và ba là họ ngại rủi ro. Bởi, một khi đã chọn Trọng tài là nơi giải quyết tranh chấp, các bên phải tôn trọng, thi hành phán quyết của Trọng tài, cơ hội thay đổi phán quyết là rất thấp, trừ phi họ tìm được các lý do thuyết phục để chứng minh quá trình tố tụng có nhiều sai sót, vi phạm và yêu cầu Toà án huỷ phán quyết.

Ra mắt Trung tâm Trọng tài thương mại – Hòa giải thương mại Thịnh Trí

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA (thứ sáu từ phải sang) tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch Hệ thống Luật Thịnh Trí

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Vinh, dù quy trình tố tụng giữa Toà án và TTTM có khác nhau nhưng tất cả các phán quyết đều dựa trên ý kiến của các đương sự, các chứng cứ thu thập được và luật quy định. Do vậy, yếu tố quan trọng để TTTM có thể giải quyết các tranh chấp một cách thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi giữa các bên là các Trọng tài viên (người được hai bên đương sự chọn đứng ra giải quyết tranh chấp). Ngoài đáp ứng các tiêu chí theo luật định thì các Trọng tài viên phải có khả năng xét xử, đánh giá, phân tích chứng cứ mà các bên đưa ra và họ phải đưa ra các phán quyết công bằng, chính xác. Ưu điểm của Trung tâm TTTM Thịnh Trí là có các Trọng tài viên nguyên là thẩm phán Toà kinh tế, các kiểm soát viên – kiểm soát án kinh tế nên về nghiệp vụ rất vững vàng và phí trọng tài được áp theo án phí, lệ phí như Tòa án.

Bên cạnh TTTM, HGTM cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án được pháp luật thừa nhận. Ưu điểm của HGTM là quy trình hòa giải do các bên thỏa thuận hoặc theo các quy tắc hòa giải của trung tâm hòa giải. Các phiên hòa giải có thể có sự tham gia của đầy đủ các bên hoặc chỉ là phiên họp kín giữa hòa giải viên với từng bên. Khi hòa giải thành thì sẽ có giá trị pháp lý. Nếu một bên không tự nguyện thực hiện thì bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành và khi đó cơ quan thi hành án dân sự có thể cưỡng chế thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ra mắt Trung tâm Trọng tài thương mại – Hòa giải thương mại Thịnh Trí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO