Quyền chọn mô hình kinh doanh

NGUYỄN HOÀNG| 26/03/2019 00:27

Việc áp đặt một cách duy ý chí, buộc các hộ kinh doanh cá thể phải chuyển đổi thành doanh nghiệpsẽ không đem lại hiệu quả, thậm chí phá hỏng mục tiêu của Chính phủ là có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Quyền chọn mô hình kinh doanh

Nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đưa quan điểm, phải chính thức hóa khu vực hộ kinh doanh cá thể trong các văn bản luật, thậm chí yêu cầu Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi dành một chương riêng cho khu vực này.

VCCI viện dẫn các nền kinh tế trên thế giới, không quốc gia nào bỏ hộ kinh doanh ra ngoài phạm vi điều chỉnh của luật về doanh nghiệp, để thấy rằng Việt Nam có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chiếm 3% GDP của cả nước, nhưng vẫn là khu vực kinh tế chưa được quan sát. Với 600.000 - 700.000 doanh nghiệp trong nền kinh tế, VCCI tin rằng việc chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong nền kinh tế sẽ hoàn thành được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Tại sao hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp? Câu hỏi tiếp tục được đặt ra sau lần lấy ý kiến đầu tiên vào Dự thảo Luật Kinh doanh năm 2014. Nhiều lý giải khác nhau, tùy vào vị trí người trả lời là quan chức Chính phủ, chuyên gia kinh tế hay doanh nghiệp. Song, quá trình phát triển kinh tế tư nhân những năm qua ghi nhận một thực tế, những quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành và mức chi phí tuân thủ cao đang là những rào cản chính, làm chậm quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ các quy định về chế độ kế toán, kiểm toán, quy định về báo cáo thống kê hằng tháng, quy định về chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong doanh nghiệp đó. Theo tính toán của Economica Việt Nam, nếu hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân, chi phí tuân thủ lên tới 183 triệu đồng/năm.

Mới đây, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã thay đổi một vài điều khoản giữa lúc nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm một chương về hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế hầu như chưa xuất hiện trên các văn bản pháp lý về kinh doanh. Nếu quy định thành luật bắt buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp có thể "giết chết" nhiều hộ kinh doanh.

Nhiều chuyên gia kinh tế tính toán, nếu nước ta gia tăng được tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, gia tăng phần cải cách nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực nông nghiệp, khu vực dịch vụ thì vẫn bù đắp và gia tăng thêm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019.

Thêm nữa, nước ta đang có khoảng 4,6 triệu hộ đăng ký kinh doanh, trong đó có khoảng 150.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, nên chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân. Chính thức hóa việc  kinh doanh sẽ tốt cho cả hộ kinh doanh trong dài hạn, tốt cho Chính phủ trong việc đạt các mục tiêu phát triển kinh tế và số lượng doanh nghiệp.

Dù vậy, vẫn cần thống nhất một điểm, việc chọn mô hình kinh doanh, giữ nguyên mô hình hộ kinh doanh cá thể hay chuyển đổi thành doanh nghiệp là quyền của người kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành.

Việc chuyển đổi này cần được nhìn nhận ở cả hai chiều. Về phía hộ kinh doanh, nếu giữ nguyên mô hình kinh doanh cá thể sẽ khó lớn mạnh, hình thức quản trị gia đình sẽ khó huy động vốn, khó tiếp thu công nghệ cao để qua đó tăng năng lực cạnh tranh. Về phía Nhà nước, nếu hộ kinh doanh cứ giữ nguyên mô hình hộ kinh doanh, sẽ thuộc khu vực kinh tế không quan sát được, Chính phủ sẽ khó khăn trong điều tiết chính sách kinh tế cũng như phát triển doanh nghiệp.

Nhiều việc cần làm để tạo động lực, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân. Thứ nhất, một hành lang pháp lý, với định danh cụ thể là doanh nghiệp tư nhân cho khu vực này, như loại hình doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Doanh nghiệp tư nhân là mô hình phù hợp nhất để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Thứ hai, chi phí tuân thủ các quy định cần giảm xuống, có thể là 20 - 25 triệu đồng/năm, thay vì mức 183 triệu đồng/năm như hiện nay - một khoản chi lớn đối với một doanh nghiệp siêu nhỏ và rất lớn đối với một hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thứ ba, với một số loại hình doanh nghiệp, nên phân cấp việc đăng ký cho cấp quận, huyện. Sẽ không thuận tiện cho một hộ kinh doanh vùng núi, chẳng hạn ở vùng cao Si Ma Cai phải xuống Lào Cai để đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Nhưng trước đó, rất cần có những điều tra cơ bản về quy mô và nguyện vọng, về tính chất và tình trạng công nghệ để đánh giá tác động của việc chuyển đổi đến chính doanh nghiệp sau chuyển đổi, đến khu vực kinh tế tư nhân, đến Chính phủ và xã hội. Thông qua những đánh giá đó, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có chính sách phù hợp, chẳng hạn chính sách ưu đãi tài chính đối với hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp của Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền chọn mô hình kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO