Phục hồi - tín hiệu bền vững?

KIM PHI - QUỲNH CHI - MẠNH DƯƠNG| 30/09/2009 08:31

Gói kích cầu đã thẩm thấu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh...đem đến sự hồi phục khá nhanh chóng của một số lĩnh vực, nhưng sự hồi phục này không hoàn toàn bền vững...

Phục hồi - tín hiệu bền vững?

Trong lúc giới chuyên gia còn hoài nghi về sự phục hồi của nền kinh tế và một số còn tiếp tục bình luận về khả năng thực thi chính sách kích cầu của Chính phủ, thì có nhiều dấu hiệu cho thấy một số khu vực đã tìm được đường vượt qua khủng hoảng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đánh giá chính xác hơn về dấu hiệu nền kinh tế đã phục hồi hay chưa và đưa ra thông điệp điều hành kinh tế thận trọng hơn...

TS Lê Thẩm Dương: "Khi nền kinh tế chưa ổn định vẫn rất cần còn gói kích cầu khác, liều lượng cũng phải khác".

Trong buổi tọa đàm về “Tình hình tài chính năm 2009” diễn ra tại Báo Doanh Nhân Sài Gòn vào ngày 19/9/2009, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM, nói rằng, nền kinh tế VN cũng như nền kinh tế thế giới và các nước trong khu vực đang có những dấu hiệu hồi phục đáng lạc quan, điển hình là nền kinh tế VN và Trung Quốc. Các yếu tố phát triển nền tảng của VN về trung và dài hạn vẫn rất tốt, tác động tích cực từ gói kích cầu năm 2009 tạo lực đẩy cho nền kinh tế; cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế; các biện pháp tài chính tiền tệ kịp thời... Nền kinh tế của các nước trong khu vực châu Á và thế giới cũng đang trên đà hồi phục và sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho VN mở rộng thị trường xuất khẩu so với thời kỳ khủng hoảng cuối 2007 và năm 2008.

Công bố về báo cáo 300 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, không thuộc ngành ngân hàng (NH) cũng cho thấy, chỉ số ROI (tỷ lệ hoàn vốn đầu tư) và ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) đều tăng đáng kể, tương đối cao so với khu vực. Điều này phản ánh, không chỉ NH mà các DN khác cũng hồi phục tốt. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm nay có thể tăng 5%, lạm phát dưới 7%, bội chi ngân sách dưới 6% GDP...

Gần đây, giới chuyên gia của Credit Suisse từng khuyến cáo, các nhà đầu tư nên bán cổ phiếu VN và cho rằng, tăng trưởng gần đây của VN-Index chủ yếu do nới lỏng tín dụng hơn là cải cách cơ cấu DN. Không ít nhà đầu tư lo ngại, sau quyết định giải thể của Indochina Capital và mới đây là thông báo bán bớt cổ phần trong ngành du lịch của Vina Capital.

Ông Nguyễn Xuân Minh: "Thị trường VN còn nhiều tiềm năng và các quỹ đầu tư vẫn còn tìm kiếm cơ hội thành lập thêm các quỹ mới".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietnam Asset Management (VAM), ảnh hưởng tích cực của gói kích cầu của Chính phủ lên ngành xây dựng thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ kéo dài. Sau ngành xây dựng là các ngành công nghiệp khác cũng sẽ tăng trưởng rõ nét trong năm 2010. Do vậy, rất nhiều quỹ vẫn đánh giá thị trường VN còn nhiều tiềm năng và manh nha thành lập thêm quỹ mới tại đây. Quỹ VAM cũng đang huy động vốn để thành lập thêm quỹ. Theo ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, bốn tháng gần đây, nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) tăng trở lại và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại. Thị trường VN được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao. Do đó, dù việc huy động vốn vẫn rất khó, nhưng nhà đầu tư đã bắt đầu trở lại và xem xét để rót thêm vốn vào những DN có khả năng tăng trưởng tốt.

TS.Đinh Thế Hiển: "Gói kích cầu thứ hai nên đưa thẳng vào sản xuất hàng hóa của các DN nhưng cần phải được rà soát và giải quyết theo lộ trình".

Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ sau 7 tháng thực hiện, có nhiều điểm rất đáng chú ý và đặc biệt, kết quả giám sát cho thấy “mừng nhiều hơn lo”. Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, hiện nền kinh tế VN đã có nhiều dấu hiệu hồi phục. Tín dụng đang trên đà tăng trưởng trở lại và Chính phủ cũng đang kiểm soát rất chặt chẽ việc tăng trưởng tín dụng để tránh lặp lại tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng dẫn đến lạm phát cao qua việc dùng hỗ trợ lãi suất 4% cùng các biện pháp tài chính khác... Khi gói kích cầu đầu tiên của Chính phủ vừa kết thúc thì DN VN đã có đà phát triển và củng cố thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho kinh doanh từ đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu với việc thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn, cả trong và ngoài nước.

* Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital: Vẫn huy động thêm vốn

Nhiều người vẫn cho rằng, so với VN, chứng khoán của một số nước trong khu vực đang rẻ hơn nên hấp dẫn để đầu tư hơn. Nhưng dựa trên chỉ số P/E để đánh giá chứng khoán đắt hay rẻ không thể chính xác một cách tuyệt đối, vì còn phải xem xét đến chỉ số tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Theo tôi, nếu nhà đầu tư nghĩ đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế VN trong thời gian tới thì sẽ có nhận định khác và cho rằng, chứng khoán VN không đắt. Các quỹ đầu tư mà chúng tôi biết đều có ý định huy động thêm vốn, thay vì muốn rút ra. Điều này cho thấy, nguồn vốn FII sẽ gia tăng trong hai quý cuối năm. Tuy nhiên, nguồn vốn này vào VN sẽ không lớn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới vẫn còn. Trong năm nay, chúng tôi khuyên các nhà đầu tư nên nghiên cứu kỹ báo cáo tài chính để xem lợi nhuận khoản nào là từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoản nào là từ hoạt động tài chính.

* Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright: Chi phí đầu tư quá cao

Nếu như 218.420 tỷ đồng (theo con số NH thông báo) đã cho vay trong gói kích cầu thứ nhất được đổ vào sản xuất thì dư nợ tín dụng trong quý I đáng ra phải là 16 - 18%/năm, chứ không phải chỉ 2,67% như NH Nhà nước công bố. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu khâu kiểm soát lơi lỏng, nền kinh tế có thể còn bị lâm vào tình trạng lạm phát và bất ổn. Ngoài ra, dù tiềm năng tăng trưởng của VN là rất lớn, nhưng chưa đạt được do những bất cập có tính cơ cấu. Cụ thể là theo báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội, trong khi khu vực nhà nước chiếm tới 47% về vốn đầu tư, nhưng chỉ tạo ra được 31% doanh thu và 24% lao động, thì khu vực dân doanh tuy chỉ chiếm 35% về vốn đầu tư, nhưng lại tạo ra được 47% doanh thu và 53% lao động. Nói cách khác, chính sách đầu tư đang kém hiệu quả, do vậy, để đạt mức tăng trưởng khoảng 7,5% trong giai đoạn 2000-2007, mỗi năm VN phải đầu tư tới gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, ở giai đoạn phát triển tương tự như chúng ta hiện nay, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chỉ cần đầu tư khoảng 30% GDP để đạt mức tăng trưởng 9 - 10%. Nếu đầu tư của VN hiệu quả như các "con rồng" Đông Á thì với tỷ lệ đầu tư hiện nay, chúng ta có thể tăng trưởng trung bình 10 - 12% hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phục hồi - tín hiệu bền vững?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO