Nôn nóng chạy đua kế hoạch cuối năm

QUỲNH CHI| 03/11/2010 09:33

Có thể thấy, phân khúc tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp không được kỳ vọng nhiều, nên khá nhiều NH đang chú trọng đến mảng tín dụng dành cho khách hàng cá nhân, đặc biệt là cho vay tiêu dùng, mua sắm.

Nôn nóng chạy đua kế hoạch cuối năm

Có thể thấy, phân khúc tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp không được kỳ vọng nhiều, nên khá nhiều NH đang chú trọng đến mảng tín dụng dành cho khách hàng cá nhân, đặc biệt là cho vay tiêu dùng, mua sắm. Tuy nhiên, trước những nỗ lực đẩy mức tăng trưởng tín dụng để đạt chỉ tiêu của năm thì nhiều chuyên gia lại cảnh báo rủi ro có thể xảy ra.

Bài !: Tìm người trao tiền tận tay?

"Gà vàng” vay tiêu dùng

Nói như thế vì thông thường, nguồn thu đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận vẫn là từ hoạt động tín dụng và kinh doanh ngoại hối. Với những NH lớn, nguồn thu từ tín dụng chiếm 40 - 60% trong tổng cơ cấu; còn với khối NH thương mại cổ phần nhỏ, tín dụng chiếm 70 - 90% trong tổng nguồn thu.

Ảnh Quý Hòa

Bởi vậy, nguồn thu từ tín dụng giảm trong sáu tháng đầu năm khiến các NH phải đẩy mạnh tín dụng bằng các sản phẩm cho vay tiêu dùng trong các tháng còn lại.

Thực vậy, ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank, nói rằng, thu nhập tốt nhất trong hoạt động của ngành NH vẫn là từ hoạt động tín dụng. Đó cũng là lý do vì sao Sacombank luôn tập trung phát triển tín dụng tiêu dùng cá nhân kể từ sau khi được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cũng bày tỏ, thực tế lãi suất thỏa thuận giảm dần từ tháng 5/2010, nhưng dư nợ tín dụng của NH trong hai quý đầu năm chỉ mới thực hiện được 1/3 mục tiêu của cả năm. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2010 là tăng 60% so với năm trước.

Như vậy, từ nay đến cuối năm 2010, dư nợ tín dụng của NH phải tăng gấp đôi so với sáu tháng đầu năm. Đó cũng là lý do ACB đã dành khoảng 3.000 tỷ đồng cho khách hàng vay, kể cả doanh nghiệp tư nhân.

Chương trình sẽ được triển khai từ nay đến hết năm 2010. Ngoài ra, ACB còn triển khai cho vay qua hệ thống ACB Online và vốn sẽ được giải ngân chỉ sau một phút.

Điều này cũng đang đúng với các NH khác như: SeaBank, Techcombank, ABBank... Hầu hết các NH này đều đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với những chính sách ưu đãi như: miễn lãi suất tháng đầu tiên, cho vay mua nhà tới 90% trị giá căn nhà...; hiện lãi suất cho vay tiêu dùng đang dao động ở mức 14 - 16,5%/năm và được điều chỉnh 3 tháng/lần.

Theo các NH, để đạt mục tiêu tăng trưởng dư nợ cả năm 25% là điều không dễ, đặc biệt khi tỷ lệ an toàn vốn phải nâng lên 9% kể từ ngày 1/10/2010.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Giám đốc NH MHB chi nhánh Sài Gòn, cũng thừa nhận, nhu cầu vốn bằng tiền đồng của khách hàng có chiều hướng tăng mạnh vào cuối năm, nên các NH cũng coi đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh chương trình tín dụng.

Điều này có vẻ hoàn toàn hợp lý trong điều kiện hiện nay, theo quan điểm của ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBANK, dư nợ tín dụng quý IV/2010 được dự báo có thể sẽ tăng mạnh.

Trong đó, chiến lược đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đối với khối khách hàng cá nhân đang được nhiều NH lựa chọn và triển khai từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, dư nợ tăng đột biến hay không còn phụ thuộc vào phương án kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả hay không.

Quả thực, nhìn vào số liệu thống kê của NH Nhà nước thì thấy trong tháng 9/2010, tốc độ dư nợ chậm nên dư địa tín dụng trong quý cuối cùng của năm tại nhiều NH còn khá lớn. Vì thế, nhiều NH đang dành ra những khoản tiền lớn cho doanh nghiệp cũng như cá nhân có nhu cầu vốn vay.

Bởi trên thực tế, huy động vốn của các NH từ khu vực dân cư, tổ chức kinh tế đang gặp khó khăn. Hiện lãi suất huy động phổ biến vẫn là 11,2%. Vì vậy, để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận năm, nhiều NH đã cố gắng cho vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn lãi suất cho vay kinh doanh.

Theo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, dư nợ tín dụng của các NH thương mại trên địa bàn tính đến cuối tháng Tám đạt khoảng 620.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt 32.035 tỷ đồng, bằng 5,2% tổng dư nợ.

Liều với bong bóng?

Trên thực tế, việc các NH đẩy mạnh tín dụng để có thể đạt được kế hoạch đề ra, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba lần lợi nhuận so với năm trước là dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế.

Song, nhiều chuyên gia lo ngại, một khi tín dụng nôn nóng tăng trưởng thì đi kèm chính là rủi ro nợ xấu gia tăng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang tồn đọng những khó khăn nhất định như hiện nay.

Mặc dù khi được hỏi, hầu hết các NH đều nói rằng, để hạn chế tối đa nợ xấu, các NH sẽ quản lý tín dụng theo danh mục. Đồng thời, NH sẽ dành nhiều nguồn lực và công sức cho quản lý rủi ro. Ngoài ra, giới này sẽ tăng cường tín dụng bằng các sản phẩm đặc thù và chất lượng dịch vụ, nhưng không hy sinh chất lượng tín dụng.

Nhưng với tình hình hiện tại, nhiều chuyên gia đánh giá, nguy cơ nợ xấu gia tăng tại các NH là điều hoàn toàn khó tránh khỏi. Rủi ro ở đây được tính cho cả hai phía NH lẫn khách hàng. Bởi các khoản tín dụng tiêu dùng (cả thế chấp và tín chấp) được NH tăng cao lãi suất để bù đắp rủi ro.

Điều này khiến người đi vay khó có thể trả nợ đúng hạn, NH cũng tăng thêm những khoản nợ khó đòi làm tăng nợ xấu trong chiến lược kinh doanh.

Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HDBank, chia sẻ, cho vay tiêu dùng NH an tâm hơn khi người vay thường có tài sản thế chấp tốt hơn và lãi suất cho vay cũng cao hơn.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc cho vay tiêu dùng chứa đựng những rủi ro nhất định về phía NH, như khó có thể phân biệt được nhu cầu vay tiêu dùng và kinh doanh ở những khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, hay những cá nhân có công việc không ổn định trong một thời gian dài...

Bởi thời gian qua thị trường đã từng chứng kiến thời gian tăng trưởng tín dụng nóng và sự “thăng hoa” của thị trường chứng khoán, bất động sản. Vì vậy, nếu tín dụng tăng trưởng mà tiêu chuẩn xét duyệt hạ thấp, kiểm soát lỏng lẻo thì có thể tạo nên hiệu ứng bong bóng nhà đất, chứng khoán” - TS. Lê Thẩm Dương, Trường Đại học Ngân hàng.

Tương tự, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank, cũng cho rằng, cho vay tín chấp tiêu dùng chứa đựng nhiều rủi ro, vì không có tài sản đảm bảo, do đó, cần có quy định rõ ràng, cụ thể và quy trình quản lý chặt chẽ.

Vì thế, VPBank đã có chính sách quản lý rủi ro nhưng cũng linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng...

TS. Lê Thẩm Dương, Trường Đại học Ngân hàng, cũng tỏ ra lo ngại dòng tiền không đến đúng địa chỉ cần đến nếu các khoản vay tiêu dùng không được kiểm soát chặt chẽ.

Bởi thời gian qua thị trường đã từng chứng kiến thời gian tăng trưởng tín dụng nóng và sự “thăng hoa” của thị trường chứng khoán, bất động sản. Vì vậy, nếu tín dụng tăng trưởng mà tiêu chuẩn xét duyệt hạ thấp, kiểm soát lỏng lẻo thì có thể tạo nên hiệu ứng bong bóng nhà đất, chứng khoán.

Như vậy, trong điều kiện hiện nay, cộng với sức ép của vốn điều lệ đã tăng, các NH có thể sẽ phải nới lỏng điều kiện tín dụng để đẩy vốn ra. Có nghĩa là các NH đang chấp nhận mức rủi ro cao hơn và có thể là quá mức, điều này rất nguy hiểm, nhất là các NH chưa thực sự chú trọng đến vấn đề quản lý rủi ro... Nền kinh tế có thể trở nên rủi ro hơn khi người cố vay không vay được, và người cố cho vay cũng không xong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nôn nóng chạy đua kế hoạch cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO