Nội thất “ngoại chiến”

ĐỖ HẢI| 24/05/2012 00:38

Dù đánh giá thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng các nhà bán lẻ hàng nội thất vẫn thận trọng trong chiến lược mở rộng hệ thống. Trong khi đó, nhiều chuỗi phân phối của nước ngoài liên tục có các hoạt động chiếm lĩnh thị trường, thậm chí sẽ sớm có mặt thương hiệu khổng lồ IKEA.

Nội thất “ngoại chiến”

Dù đánh giá thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng các nhà bán lẻ hàng nội thất vẫn thận trọng trong chiến lược mở rộng hệ thống. Trong khi đó, nhiều chuỗi phân phối của nước ngoài liên tục có các hoạt động chiếm lĩnh thị trường, thậm chí sẽ sớm có mặt thương hiệu khổng lồ IKEA.

Dè dặt tăng số lượng

Index Living Mall đang mở rộng hệ thống tại VN

Vài năm trở lại đây, nhiều nhà phân phối hàng nội thất trong và ngoài nước đã liên tục ra mắt lẫn mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Điển hình như hệ thống cửa hàng nội thất Chi Lai, từ nửa cuối năm 2011 đến nay, ngoài việc mở các cửa hàng tiêu thụ (outlet) sản phẩm tồn kho, giảm giá (dọc trục đường Điện Biên Phủ, quận 3 và Xa lộ Hà Nội, quận 2), công ty này mới đây cũng đã thuê được mặt bằng tại góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận).

Theo tìm hiểu, cửa hàng tại quận 2 của Chi Lai có quy mô lớn nhất, vừa để kinh doanh các mẫu nội thất mới, vừa “giải phóng” hàng tồn.

Về trường hợp của Trung tâm Nội thất Phố Xinh, ông Dương Quốc Nam, Chủ tịch HĐQT Hoàng Nam Group, cho biết, trong vòng 4 năm qua, công ty đã đầu tư gần 400 tỷ đồng để tái cấu trúc lại toàn hệ thống.

Tính đến thời điểm này, Hoàng Nam đã đưa 10 trung tâm phân phối hàng nội thất thương hiệu Phố Xinh đi vào hoạt động (cộng với 1 trung tâm đang xây dựng ở Cần Thơ) tại hầu hết các thành phố lớn.

Trong số đó, có 7 trung tâm lớn (diện tích từ 15.000 - 30.000m2), phần còn lại có quy mô nhỏ và vừa (300m2 trở lên).

“Giai đoạn này, chúng tôi cũng xem xét đầu tư thêm trung tâm phân phối nhưng trong giới hạn cho phép chứ không làm dàn trải được. Hiện tại, chúng tôi cũng đã bước đầu đưa nhà máy lắp ráp với giá trị đầu tư hơn 20 tỷ đồng ở Hà Nội vào hoạt động. Thị trường Hà Nội tốt hơn ở TP.HCM nên khoản đầu tư này sẽ hạn chế chi phí vận chuyển hàng hóa”, ông Quốc Nam nói.

Không riêng gì các thương hiệu phân phối hàng nội thất nội như: Phố Xinh, Nhà Đẹp, Nhà Xinh..., cuối năm 2011, thị trường còn đón nhận một tên tuổi ngoại là Index Living Mall (thuộc Index Interfurn Group, Thái Lan).

Trước khi mở rộng hoạt động ở Nepal, Qatar và Ấn Độ vào năm 2013, tập đoàn này đã đầu tư siêu thị nội thất tổng hợp với quy mô 7.000m2 đầu tiên tại TP.HCM (chung cư H2, Hoàng Diệu, quận 4) thông qua phương thức nhượng quyền cho đối tác Việt Nam là Công ty TNHH Cao Phong.

Đây cũng là siêu thị Index Living Mall thứ 3 ở nước ngoài (tại thời điểm đó) được mở theo hình thức nhượng quyền. Đại diện của Tập đoàn này cho biết, mức đầu tư cho siêu thị mới này ở vào khoảng 300 triệu baht.

Xu hướng “đại siêu thị”?

Nói về động thái mở rộng của các nhà phân phối, ông Đinh Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Bách Sơn, cho biết, trong hoạt động thương mại, ai quản lý hàng tồn kho tốt, người đó sẽ thắng.

Điều này cũng phần nào trả lời cho câu hỏi, tại sao các nhà phân phối “ngoại” liên tục mở rộng thị trường. Bởi khi đó, họ có thể luân chuyển hàng hóa trong toàn hệ thống, nhằm giảm thiếu tối đa lượng hàng tồn kho.

Quay trở lại trường hợp của Index Living Mall, Giám đốc Điều hành của Index Living Mall, Kridchanok Patamasatayasonthi nói rằng, việc mở rộng hoạt động ra khỏi thị trường nội địa (Thái Lan) không chỉ nhằm mục đích xây dựng thương hiệu mà còn là một phần của chiến lược đa dạng hóa các rủi ro trong kinh doanh.

Đối tác phía Việt Nam (công ty Cao Phong) đã cam kết đến năm 2015, sẽ mở 5 Index Living Mall tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Nếu so với các trung tâm nội thất Việt Nam, cơ cấu hàng hóa trong Index Living Mall đa dạng hơn, ngoài hàng nội thất còn có đồ trang trí, gia dụng,...

Theo mô hình “one-stop shopping” - dừng mua sắm một chỗ. Song, đa phần hàng nội thất ở đây đều có xuất xứ từ Thái Lan và châu Âu. Trong khi đó, tại siêu thị Việt, hàng nhập khẩu chỉ chiếm 30 - 35%, phần còn lại là hàng Việt.

Một điểm khác biệt giữa nhà bán lẻ hàng nội thất trong nước và các thương hiệu “ngoại” là, các nhà phân phối “nội” kiêm luôn vai trò sản xuất; còn nhà bán lẻ nước ngoài chỉ đơn thuần là đặt hàng từ các nhà sản xuất để phân phối lại.

Tuy nhiên, những lý giải trên không đồng nghĩa với việc nhà phân phối trong nước sẽ “lép vế”. Một số tên tuổi như Phố Xinh, Nhà Vui cũng đang phát triển các hệ thống siêu thị tổng hợp.

Khoảng 4 năm về trước, sản phẩm tại Phố Xinh luôn hướng đến khách hàng cao cấp nhưng hiện nay, ngoài bán hàng nội thất, các trung tâm phân phối của Phố Xinh còn có đồ gia dụng, đèn, hoa trang trí, các sản phẩm nghệ thuật...

“Tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng nội thất năm nay sẽ chậm, dao động từ 10 - 15% so với con số 20 - 50% của những năm trước đó.

Do đó, trong giai đoạn này, nếu bán sản phẩm quá đắt thì sẽ không có hiệu quả về kinh doanh, nhưng nếu mải mê chạy theo dòng sản phẩm phổ thông thì khó có thể cập nhật được xu hướng phát triển. Điều quan trọng là cân bằng được hai yếu tố này trong hệ thống”, ông Quốc Nam cho biết.

Tuy xu thế siêu thị tổng hợp được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam nhưng theo phân tích của GIC, người tiêu dùng Việt Nam phần lớn thích mua đồ nội thất trực tiếp từ các tiệm mộc tại địa phương hoặc phòng trưng bày. Trong khi đó, những siêu thị nội thất lớn vẫn chưa xuất hiện.

Cụ thể, nhà phân phối hàng nội thất hàng đầu thế giới, IKEA (Thụy Điển) dù đã xuất hiện ở Singapore, đầu tư vào Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc nhưng được biết, phải đến năm 2015, siêu thị nội thất IKEA đầu tiên mới được mở tại TP.HCM, thông qua hình thức nhượng quyền bởi Dairy Farm (Hồng Kông), đơn vị sở hữu đại siêu thị Giant.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nội thất “ngoại chiến”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO