Nhường hàng lưu niệm cho Trung Quốc?

HỒNG BÍCH| 27/07/2016 01:28

Tại các trung tâm du lịch vùng Đông Nam Á, du khách dễ dàng mua nhầm hàng lưu niệm Trung Quốc. Thậm chí, có những nhãn hàng cao cấp mang thương hiệu Việt Nam, Thái Lan cũng là hàng gia công tại Trung Quốc.

Nhường hàng lưu niệm cho Trung Quốc?

Tại các trung tâm du lịch vùng Đông Nam Á, du khách dễ dàng mua nhầm hàng lưu niệm Trung Quốc. Thậm chí, có những nhãn hàng cao cấp mang thương hiệu Việt Nam, Thái Lan cũng là hàng gia công tại Trung Quốc. 

Đọc E-paper

Nếu đến các trung tâm du lịch lớn của Đông Nam Á như Siêm Riệp, Phnom Pênh (Campuchia), Bangkok, Pattaya (Thái Lan), Luang Phrabang (Lào), Hà Nội, Hội An, Nha Trang..., bạn có thể giật mình vì các nơi này đều bán hàng trăm loại quần áo, túi xách, đồ chơi trẻ em cùng chủng loại với giá chỉ khác nhau chút ít.

Một đoàn cán bộ của một đơn vị làm du lịch ở Hội An vừa có chuyến khảo sát cách làm du lịch của nhiều nước đã rút ra kết luận: Cả Đông Nam Á đang bán cùng một thứ hàng dệt may xuất xứ tại Trung Quốc với giá thành thấp đến mức không tưởng.

Chị Nguyễn Thị Kiều - một người cung cấp hàng sỉ cho các cửa hàng lưu niệm tại Huế, Hội An, khẳng định: "Hàng dệt may của Trung Quốc đã nuôi sống hàng nghìn cửa hàng chuyên đón khách du lịch trong khu vực". Quần áo may sẵn, khăn, túi, đồ chơi... thay đổi theo mùa, theo thị trường châu Âu hay Đông Nam Á, các chủ hàng Trung Quốc đều đáp ứng.

Ai có thể cung cấp một cái váy mùa Hè với giá sỉ 30 nghìn đồng để đến tay du khách với giá khoảng 180 - 200 nghìn đồng, với hàng trăm mẫu mã khác nhau? Ai có thể cung cấp một chiếc khăn quàng cổ được sản xuất với giá 15 nghìn đồng và sẽ bán khoảng 250 - 300 nghìn đồng tại các chợ du lịch?

Chỉ có thể là các nhà dệt may hàng giá rẻ tại Quảng Châu, Trung Quốc. Họ không chỉ có khả năng làm hàng giá rẻ mà có thể cung ứng hàng chục tấn mỗi đơn hàng một cách nhanh chóng.

Ai có tốc độ thay đổi hàng hóa theo mùa và theo từng thị trường du khách chuyển dịch? Vẫn chỉ là những nhà cung ứng đến từ Quảng Châu - một trung tâm dệt may hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Ai chịu nghiên cứu mẫu mã để ra được dòng sản phẩm dệt may "mì ăn liền" theo thị hiếu số đông cả Âu lẫn Á? Cũng chỉ là doanh nghiệp ở Quảng Châu.

Theo chị Nguyễn Thị Kiều, ăn theo các nhà sản xuất ở Quảng Châu là một guồng máy làm thủ tục nhập hàng, vận chuyển nhanh gọn và giảm chi phí tối đa nhằm giữ giá bán khả thi cho những người bán hàng ở "ngọn".

>>Báo Pháp: Hàng Trung Quốc giá rẻ sắp hết thời

Phục vụ khách du lịch có rất nhiều phân khúc, nhưng lựa chọn phân khúc hàng giá rẻ như các nhà sản xuất ở Quảng Châu là khá khôn ngoan. Theo các bản phân tích về nhu cầu mua sắm của du khách do Tổng cục Du lịch Việt Nam phát hành, trung bình mỗi khách du lịch châu Âu mua sắm khoảng 1.000 USD trong chuyến đi 10 ngày, mỗi khách châu Á mua sắm khoảng 300 USD trong chuyến đi 5 ngày.

Con số đó đã được phân tích kỹ và được khai thác mạnh từ những nhà sản xuất tại Quảng Châu, và họ đã "phủ sóng" hàng giá rẻ ở nhiều trung tâm du lịch châu Á, như hàng hóa ở chợ nổi tại Bangkok giống hệt hàng hóa trong hàng trăm cửa hàng tại Hội An mùa Hè năm nay. Tuy nhiên, do yếu tố mặt bằng, mức thu nhập khác nhau, hàng cùng chủng loại tại Hội An vẫn rẻ hơn tại Bangkok khoảng 25%.

Người Trung Quốc không chỉ nắm thị trường hàng giá rẻ cho du khách. Những đơn hàng cao cấp, mang những thương hiệu lụa cao cấp của Thái Lan, Việt Nam hiện nay vẫn được các doanh nghiệp đặt gia công tại Trung Quốc, mặc dù vẫn do các chủ thương hiệu quản lý về mẫu mã.

Những thương hiệu lụa của Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản với những tên tuổi nổi tiếng không phát triển nổi nếu nắm giữ luôn phần gia công trong nước nên đã phải chuyển đơn hàng sản xuất sang Trung Quốc để giảm giá thành. Tuy nhiên, chỉ người trong nghề mới hiểu đường đi của một sản phẩm, và đó cũng chính là "nỗi đau" của những người làm nghề khi không thể sản xuất tại chỗ.

Bỗng nhớ lời tâm huyết của ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An. Ông Sự từng quyết tâm đẩy hàng Trung Quốc ra khỏi các cửa hàng lưu niệm cho du khách, thế nhưng tâm huyết của ông ai có thể chia sẻ khi mọi thị trường trong khu vực đang bị lép vế trước một người khổng lồ là "công xưởng của thế giới"?

>>Trung Quốc: Từ "công xưởng thế giới" đến những "xác sống"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhường hàng lưu niệm cho Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO