Công ty B&Company Việt Nam và Nikkei BP Consultancy đã tiến hành khảo sát thương hiệu châu Á năm 2011 để đưa ra kết luận về những thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích nhất.
Theo kết quả khảo sát, Nokia, Honda và Vinamilk là các thương hiệu nhận được điểm cao nhất cho các tiêu chuẩn như “ưa thích”, “đồng cảm”, “gần gũi”. Điều này có thể được lý giải bởi các thương hiệu này gắn liền với đời sống thường ngày của đại đa số người tiêu dùng Việt. Cả 3 doanh nghiệp này đều là những thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực của mình.
Một kết quả khảo sát thú vị dành cho các thương hiệu với câu hỏi: “Có cảm thấy buồn nếu nó biến mất?”, Google đã đứng thứ nhất, theo sau là Nokia và Vinamilk. Kết quả này thể hiện độ nổi tiếng và mối quan hệ khăng khít giữa hạng mục các sản phẩm và hoạt động thường nhật của người Việt Nam. Tiêu chuẩn sống ngày càng nâng cao thì internet và điện thoai di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Riêng trong lĩnh vực mạng điện thoại di động tại Việt Nam, Viettel và Mobifone xếp hạng cao nhất. Còn với cà phê, trong khi trên thương trường, Highlands Coffee đang ngày càng “nổi đình nổi đám”, thì Trung Nguyên, một trong số những thương hiệu cà phê Việt Nam đầu tiên đưa được chuỗi cà phê của mình tới toàn quốc gia, đã áp đảo đối thủ trực tiếp này. Trung Nguyên nhận 70,2 điểm, xếp thứ 7 trên 100 thương hiệu được lựa chọn khảo sát so với 41,4 điểm cho Highlands Coffee, xếp thứ 73.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, những thương hiệu nội địa như Vietcombank, Agribank và Bảo Việt đạt thứ hạng cao hơn so với các thương hiệu quốc tế như HSBC, VISA hay American Express.
Ở lĩnh vực đồ gia dụng điện tử và công nghiệp máy tự động, các thương hiệu Nhật Bản chiếm lĩnh đa phần thứ hạng cao. Trong số đó là những cái tên được biết tới nhiều như: Sony, Panasonic, Honda, Toyota và Yamaha. Samsung và LG, hai thương hiệu Hàn Quốc duy nhất trong top 30, đang dần trở thành đối thủ mạnh trong mảng điện thoại di động và gia dụng điện tử.
Bản khảo sát cũng chỉ ra rằng, chương trình kích cầu của Chính phủ nhằm thúc đẩy việc sử dụng thương hiệu nội địa đã thành công, đặc biệt trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm và đồ uống cũng như công nghiệp may mặc - những lĩnh vực mà thương hiệu Việt Nam đạt thứ hạng cao (Vinamilk, Trung Nguyên, Kinh Đô, Việt Tiến, bia Hà Nội, bia Sài Gòn, Vissan...).
Mặt khác, do các yếu tố lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam, những công ty nội địa trong ngành công nghệ thông tin, tài chính và ngân hàng (Vinaphone, Mobifone, VNPT, Vietcombank, Agribank, Bảo Việt) nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng.
Dù vậy, xu hướng này có thể sẽ đi xuống với sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các nhà cung cấp nước ngoài. Điều này sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt và gay gắt trong tương lai gần.