Những "gương mặt mới" trong cuộc đua đầu tư giáo dục

LỮ Ý NHI| 01/12/2017 08:36

Cùng với sự xuất hiện của những "gương mặt mới" trong làn sóng đầu tư vào giáo dục là sự cạnh tranh về quy mô cũng như chất lượng đào tạo.

Những

Nếu như trước đây, các thương vụ đầu tư cho giáo dục chỉ ở tầm vài chục tỷ thì gần đây đã tăng lên cả ngàn tỷ đồng với quy mô lớn từ cơ sở vật chất đến chất lượng đào tạo, mở rộng liên thông, liên kết. Để thu hút người học, các doanh nghiệp giáo dục đã liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc khép kín các bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học.

Đơn cử như Công ty CP Phát triển Hùng Hậu, sau khi chi ra 75 tỷ đồng để mua lại Đại học Văn Hiến lại mua tiếp Trường Cao đẳng Vạn Xuân, Trường Trung cấp Vạn Hạnh, Vạn Tường và Âu Lạc để thực hiện chuỗi đào tạo từ bậc trung cấp đến đại học và tiến tới sau đại học. Đặc biệt, sinh viên Văn Hiến có thể đến Hùng Hậu thực tập và trường cũng mời các giám đốc doanh nghiệp lớn đến giảng dạy.

Cũng theo tiết lộ của công ty này, kế hoạch xây dựng khu học xá Đại học Văn Hiến trong khuôn viên 5ha tại Bình Chánh, TP.HCM đang hoàn tất thủ tục.

Trước Hùng Hậu, liên minh các nhà đầu tư đến từ TNK Capital, EQuest và Ismart Education đã mua lại hệ thống Anh ngữ Việt Mỹ (VATC) và Cao đẳng Việt Mỹ (APC) với tham vọng tạo sự đột phá trong đào tạo, áp dụng công nghệ bài giảng số và lớp học thông minh, tạo ra môi trường học tương tác với các bài giảng thiết kế trên đồ họa 2D, 3D.

Đầu tháng 2/2017, Tập đoàn TH cũng đã khánh thành TH School liên thông từ mầm non đến hết trung học phổ thông và chuyển tiếp lên đại học, cao đẳng, dạy nghề. Theo đại diện TH, đây là ngôi trường đầu tiên áp dụng mô hình giáo dục toàn diện theo chương trình tiên tiến của thế giới kết hợp với giáo trình đào tạo của Việt Nam.

Link bài viết

Được xem là "thế lực mới nổi" khi cùng lúc mua lại Đại học Hồng Bàng, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Quốc tế Bắc Mỹ, Tập đoàn Nguyễn Hoàng tham vọng đào tạo trọn gói từ mẫu giáo đến đại học, sau đại học, từ văn bằng trong nước đến nhu cầu lấy bằng tiêu chuẩn Anh hay Mỹ của học sinh.

Sau khi mua lại Trường Đại học Thành Tây và góp vốn vào Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE), TS. Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Tây cho biết, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2022, tầm nhìn đến 2027, ngoài việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào giáo dục, chương trình học của nhà trường còn được xây dựng trên nền tảng kiến thức, kỹ năng, thái độ. Sẽ có 20 - 30% giảng viên là doanh nhân.

Lý giải vì sao các nhà đầu tư giáo dục tập trung vào chất lượng đào tạo, mở rộng nhiều chuyên ngành đào tạo, đặc biệt là khép kín hệ thống giáo dục các cấp học, ông Toàn cho rằng: "Nếu xây dựng hoàn chỉnh chuỗi sản phẩm đào tạo từ bậc tiểu học đến đại học, các nhà đầu tư sẽ có lượng khách hàng ổn định trong 12 - 16 năm. Mặt khác, sản phẩm của giáo dục chính là con người và kỹ năng. Nếu sản phẩm chất lượng thấp sẽ khó cạnh tranh, sẽ khó đảm bảo tăng trưởng doanh thu cho 5 năm tới".

Bà Trần Thị Phi Yến - Giám đốc Điều hành Học viện IvyPrep chứng minh: "Đứng trước sự phát triển ồ ạt của trung tâm ngoại ngữ, nếu giữ mô hình và định hướng hoạt động như cách nay chục năm, chúng tôi sẽ khó duy trì được sự phát triển cũng như nhịp độ tăng trưởng trong 5 năm tới. Chính vì vậy, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) đã quyết định chuyển đổi nội dung hoạt động các cơ sở Anh ngữ EQuest tại Hà Nội và Anh ngữ Việt Mỹ (VATC) tại TP.HCM sang lĩnh vực đào tạo với tên gọi là IvyPrep Education. Cùng với sự thay đổi này, IvyPrep Education trở thành đơn vị đào tạo tiếng Anh học thuật gắn với du học học bổng với 12 cơ sở, nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay".

Một thay đổi tích cực trong đầu tư giáo dục hiện nay là xu hướng đào tạo liên kết. Đại học Văn Hiến đã có 40 chuyên ngành đào tạo, gấp tới 3 lần trước khi được Hùng Hậu mua lại. Hay như Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) hiện có 40 ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên kết với các trường ở Mỹ, Pháp, Malaysia.

Hay mới đây, một thông tin không chính thức cho biết, để gia tăng lợi nhuận từ mảng tư vấn tâm lý, Tập đoàn Viễn Đông - đơn vị sở hữu VA School đã nắm giữ 65% cổ phần của Công ty Hồn Việt. Bài tính của Viễn Đông là với 3.000 học sinh VA School tương đương 3.000 phụ huynh thì Hồn Việt có thêm 3.000 khách hàng theo học các khóa học "Thấu hiểu con", "Kỹ năng xử lý xung đột trong gia đình" và nhiều kỹ năng khác.

Theo bà Phi Yến, "trong thế kỷ XXI, giỏi tiếng Anh vẫn chưa đủ, các nhà đầu tư giáo dục cần hướng đến trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức, phẩm chất cá nhân cho thế hệ trẻ. Vì vậy, Học viện IvyPrep hướng đến đào tạo tiếng Anh học thuật kết hợp với các kỹ năng mềm cần thiết trong môi trường quốc tế. Đây cũng là những kỹ năng rất được coi trọng tại các trường trung học, đại học tại Mỹ, như kỹ năng phản biện, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tư duy tích cực, kỹ năng phát triển cá nhân và các kiến thức về STEAM (phương pháp dạy tích hợp 5 bộ môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán - Science, Technology, Engineering, Arts, Mathematics).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những "gương mặt mới" trong cuộc đua đầu tư giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO