Nhận và nhượng quyền thương mại - Năm điều cần lưu ý

22/06/2009 01:00

Tại Việt Nam, hình thức nhượng quyền thương mại hình thành vào những năm 90 của thế kỷ trước và mang tính tự phát rất cao

Nhận và nhượng quyền thương mại - Năm điều cần lưu ý

Tại Việt Nam, hình thức nhượng quyền thương mại hình thành vào những năm 90 của thế kỷ trước và mang tính tự phát rất cao.

Trung Nguyên có thể coi là nhà tiên phong tại Việt Nam áp dụng hình thức kinh doanh này bằng cách phát triển hệ thống đại lý của mình theo hình thức nhượng quyền. Cũng như các nước khác, hình thức này tại Việt Nam cũng đã phát huy tính hiệu quả của nó trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đến nay, theo Hiệp hội Nhượng quyền Quốc tế, Việt Nam có trên 70 hệ thống kinh doanh nhượng quyền và ngày càng phát triển.

Việt Nam trong những năm gần đây có những điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, hình thức nhượng quyền thương mại sẽ là một sự lựa chọn cho cả nhà nhượng quyền (franchisor) và nhà nhận quyền (franchisee). Tuy nhiên, trước khi quyết định nhận quyền, các doanh nghiệp cần lưu ý năm yếu tố sau:

Trung Nguyên có thể coi là nhà tiên phong tại Việt Nam áp dụng hình thức kinh doanh này bằng cách phát triển hệ thống đại lý của mình theo hình thức nhượng quyền.

Thứ nhất,

cần nắm rõ các thông tin của nhà nhượng quyền (franchisor) như tình hình kinh doanh, thương hiệu dự định nhượng quyền, thị trường của thương hiệu này, tốc độ phát triển của hệ thống, hiệu quả của hệ thống, mức độ thành công của hệ thống trong những năm qua, những ưu điểm nổi bật của hệ thống này so với hệ thống cùng chủng loại và những định hướng phát triển hệ thống này trong tương lai về thị trường, về những chính sách hỗ trợ đối với các nhà nhận quyền mới, các chính sách cho những thị trường mới...

Việc nắm rõ các thông tin trên giúp cho doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp nhượng quyền, làm cơ sở cho việc ra quyết định trong tương lai.

Thứ hai, doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu thị trường mục tiêu của mình để trả lời hàng loạt các câu hỏi: Hình thức kinh doanh này có phù hợp với khả năng của mình hay không? Thương hiệu, sản phẩm này có được khách hàng chấp nhận hay không? Hiệu quả đầu tư của hình thức này sẽ như thế nào? Luật pháp qui định cho trường hợp này như thế nào?

Theo báo cáo của Lãnh sự quán Hoa Kỳ năm 2004, tại Mỹ có hơn 90% doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này tồn tại sau 10 năm, trong khi đó có hơn 82% doanh nghiệp kinh doanh độc lập bị đóng cửa cũng trong thời gian như vậy. Rõ ràng, hình thức này đã phát huy nhiều tính ưu việt so với các hình thức kinh doanh khác.

Vì rõ ràng, không phải thương hiệu nào, sản phẩm nào, hệ thống nào thành công ở một nước, một khu vực thì sẽ thành công ở một nước khác hay một khu vực khác.

Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ hồ sơ nhượng quyền do nhà nhượng quyền thiết lập, trong đó quy định rất rõ các điều khoản: quy định về địa điểm, quy định về vị trí và không gian địa lý, quy định về đầu tư, các quy định về khai trương, vận hành, sản phẩm, các yêu cầu về huấn luyện, quy định về cấp phép, kiểm tra, vận hành, bảo trì, sửa chữa, quy định về bảo hiểm tài sản, nhân viên...

Ngoài ra, trong hồ sơ nhượng quyền này còn định ra các yêu cầu đối với nhà nhận quyền trong tương lai về tài chính, đạo đức, kinh nghiệm kinh doanh, những cam kết khác.

Thứ tư, cần nghiên cứu kỹ các điều khoản trong Hợp đồng nhượng quyền. Hợp đồng này thường do nhà nhượng quyền thiết lập, trong đó chi tiết hoá các điều được ghi trong Hồ sơ nhượng quyền. Một lần nữa, doanh nghiệp cần đánh giá lại toàn bộ các điều khoản, xem xét các điều kiện của mình. Từ đó, doanh nghiệp đưa ra các câu hỏi cho nhà nhượng quyền, lắng nghe sự trả lời.

Việc đồng ý ký hợp đồng nhượng quyền hay từ chối đều thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của mình đối với nhà nhượng quyền. Hợp đồng nhượng quyền cần thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục của luật pháp Việt Nam.

Thứ năm, doanh nghiệp cần hiểu rõ các cam kết của nhà nhượng quyền cũng như những cam kết của mình đối với nhà nhượng quyền và thể hiện chúng trong các điều khoản của hợp đồng nhượng quyền. Hình thức này chỉ thực sự phát huy tính hiệu quả vượt trội của nó khi có hệ thống cùng vận hành theo một quy định, qui trình thống nhất.

Nếu một trong hai bên vi phạm các cam kết này thì hậu quả sẽ rất khó lường. Nhà nhượng quyền có thể sụp đổ cả hệ thống thậm chí phá sản, nhà nhận quyền có thể sẽ không còn cơ hội tiếp tục kinh doanh vì sự thua lỗ và nhất là niềm tin của các nhà nhượng quyền khác đối với mình.

Do vậy, việc giữ uy tín cho hệ thống và sự thống nhất của hệ thống không những tạo ra sự phát triển cho bản thân nhà nhượng quyền, mà còn cho từng nhà nhận quyền, góp phần tạo ra hệ thống sức mạnh chung trong việc duy trì lòng trung thành của khách hàng, đối trọng cho các đối tác và đây cũng là trở ngại thực sự cho các đối thủ cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhận và nhượng quyền thương mại - Năm điều cần lưu ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO