Nghịch lý ngành điều: Cửa mở càng rộng, cơ hội càng hẹp

LỮ Ý NHI| 08/07/2018 06:30

Rất nhiều khó khăn và bất cập của ngành điều khiến hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động trong khi nhu cầu tiêu thụ điều nhân trên thị trường thế giới vẫn tăng từ 3,5 - 5%/năm.

Nghịch lý ngành điều: Cửa mở càng rộng, cơ hội càng hẹp

Để tăng giá trị cho ngành điều, cơ quan quản lý cần tạo chính sách khuyến khích DN chế biến sâu - Ảnh: Cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt do Báo DNSG tổ chức

Từ thiếu hụt nguyên liệu...

Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, tại Long An, hiện chỉ có 12 trong 33 doanh nghiệp chế biến điều còn hoạt động. Tương tự, 80%  doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ tại Bình Phước cũng đã tạm ngưng hoạt động.

Theo ông Tạ Quang Huyên - Phó chủ tịch Vinacas, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp điều đóng cửa hàng loạt là do thiếu nguyên liệu sản xuất. 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 653.000 tấn hạt điều, toàn bộ số nguyên liệu nhập khẩu này đã nhanh chóng được chế biến hết trong thời gian ấy. 

Link bài viết

Thêm nữa, dù nhu cầu thị trường tăng khoảng 4% nhưng công suất sản xuất lại tăng đến 25% nên nhiều doanh nghiệp phải đẩy hàng ra để xoay vòng vốn, dẫn đến tình trạng tranh bán, phá giá lẫn nhau, thậm chí chấp nhận bị các nhà nhập khẩu nước ngoài ép giá.

Theo tính toán của các doanh nghiệp trong ngành, với mức giá 4,8 USD/pound (1 pound = 0,453kg), các đơn vị thu mua điều của nước ngoài đã có lời, nhưng hiện họ đang mua của doanh nghiệp Việt Nam với mức giá chỉ 4,2 - 4,3 USD/pound. Trong khi đó, nguyên liệu nhập khẩu về rất chậm nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến thiếu nguyên liệu sản xuất phải tạm ngưng hoạt động.

... Đến giải pháp căn cơ

Theo các doanh nghiệp trong ngành, để tìm lối thoát và phát triển bền vững cho ngành điều thì con đường duy nhất là phải nâng tỷ trọng chế biến sâu lên 10%. Hiện, sản phẩm chế biến sâu chỉ chiếm 5%. Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas khẳng định: "Tập trung đi vào chất lượng, chế biến sâu và xây dựng thương hiệu mới là giải pháp căn cơ để tăng được giá trị cho điều nhân".

Đại diện Vinacas cho rằng, muốn phát triển bền vững thì phải tăng giống mới để nâng cao năng suất thay cho các giống cũ đang cho năng suất thấp, đồng thời tăng chất lượng do hạn chế thuốc trừ sâu.

Trong chiến lược tái cơ cấu ngành điều giai đoạn 2020 - 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phải đầu tư công nghệ, tăng cường sản phẩm chế biến điều lên 20% giai đoạn 2020 và 30% giai đoạn 2030, giảm mạnh lượng điều nhân xuất khẩu thô vì giá trị thấp hơn nhiều so với sản phẩm chế biến phù hợp với từng thị trường.

Hiện nay, điều nhân của Việt Nam xuất khẩu vào một số thị trường như Mỹ có mức thuế suất bằng 0%. Để tận dụng thời cơ này, các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng thì mới có thể đứng vững ở các thị trường này. Năm 2018, Vinacas cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu như bánh điều, kẹo điều, điều sấy mật ong lên 20% tổng sản lượng nguyên liệu trong nước.

Cũng theo ông Thanh, tìm lối ra cho ngành điều không chỉ là giải quyết quan hệ cung - cầu mà là quan hệ giữa các nhà sản xuất điều của Việt Nam với thế giới. Trong chuỗi liên kết giá trị cho ngành điều có sự  mất công bằng giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà thương mại.

Trong khi doanh nghiệp và nông dân phải bỏ ra nhiều chi phí, công sức thì chỉ được hưởng khoảng 30 - 35% lợi nhuận, còn các nhà rang chiên, nhà thương mại không mất nhiều vốn và công sức lại được hưởng lợi nhuận đến trên 50%. Trong khi đó, với tiềm lực mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài vừa là nhà nhập khẩu nguyên liệu vừa là nhà xuất khẩu điều nhân, họ lũng đoạn thị trường, thậm chí có hành vi cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc thành lập các công ty con ở trong và ngoài nước để chuyển giá, phá giá.

Ông Nguyễn Minh Họa - Giám đốc Công ty Bimico Tây Ninh cho rằng: "Chính sách mở toang cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào lĩnh vực điều càng rộng thì ngõ càng hẹp cho doanh nghiệp trong nước. Với lợi thế nguồn vốn mạnh, lại không bị rào cản bởi bất cứ giấy phép nào, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa có lợi thế cạnh tranh, vừa lũng đoạn thị trường, ép các doanh nghiệp điều Việt Nam. Vì vậy, để gỡ khó cho doanh nghiệp ngành điều trong nước, rất cần chính sách bảo hộ bằng hàng rào kỹ thuật".

Ở góc độ nhà sản xuất, để tự thoát khó, nhà điều hành Bimico cho biết, doanh nghiệp đã tập trung vào chế biến nhân điều phù hợp với thị trường, tuy nhiên ngay cả chế biến sâu, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp rào cản xuất khẩu do mã vạch của Việt Nam đưa vào các nước phát triển không được tin dùng.

Để gỡ khó cho ngành điều, theo ông Nguyễn Đức Thanh, cần có chính sách đồng bộ của các bộ, ngành, từ đầu tư cây giống đến đất đai, hạn điền và quy chế đầu tư. Đặc biệt, để hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh cũng như mục đích đầu tư nhà máy chỉ để thu gom điều và tranh thủ nhân công giá rẻ nhằm kiếm lời, cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp FDI không đầu tư kỹ thuật, không hỗ trợ nông dân trồng điều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghịch lý ngành điều: Cửa mở càng rộng, cơ hội càng hẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO