Lo ngại của ngành điều Việt Nam

KIẾN QUỐC| 21/06/2018 09:28

Dù ngành điều Việt Nam vẫn chiếm vị trí xuất khẩu số 1 thế giới với 65% thị phần xuất khẩu, nhưng điều đáng lo ngại là việc kinh doanh của các doanh nghiệp điều Việt Nam đang có chiều hướng sụt giảm.

Lo ngại của ngành điều Việt Nam

Ngành điều Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức. Nguồn: Cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức

Theo báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thực hiện tuần qua, dù ngành điều vẫn chiếm vị trí xuất khẩu số 1 thế giới với 65% thị phần xuất khẩu, nhưng điều đáng lo ngại là việc kinh doanh của các doanh nghiệp điều Việt Nam đang có chiều hướng sụt giảm.

Số liệu được Vinacas cập nhật mới đây cho thấy, về xuất khẩu điều nhân, tính đến hết tháng 5 đạt 141.000 tấn, kim ngạch 1,396 tỷ USD, tăng 21,4% về số lượng và 25,35% về giá trị. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu điều năm 2018 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 80 triệu USD so với năm 2017, chiếm khoảng 65% thị phần xuất khẩu điều nhân toàn cầu. Với kết quả này, Việt Nam vẫn duy trì vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhân năm thứ 13 liên tiếp.

Link bài viết

Theo Vinacas, trong chuỗi giá trị ngành điều toàn cầu, nông dân và doanh nghiệp chế biến đang tốn quá nhiều chi phí, công sức nhưng chỉ được hưởng khoảng 30 - 35% lợi nhuận, phần còn lại rơi vào các nhà rang chiên, nhà thương mại.

Điểm lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành, một số hội viên Vinacas cho biết, hiện nay hầu hết các nhà máy chế biến nhỏ đều ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu, chiếm khoảng 70 - 80% tổng số nhà máy chế biến điều trên cả nước. Trong khi đó, giá điều nhân bán ra liên tục sụt giảm từ tháng 10/2017 đến nay, từ mức 11 USD/kg xuống còn 8,2 USD/kg, khiến các nhà máy chỉ đạt mức hòa vốn hoặc lỗ. Đây được xem là điều đáng buồn của ngành.

Theo kết quả khảo sát thực tế tại tỉnh Long An, hiện có gần 1/2 số doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu trên địa bàn đã đóng cửa. Tại tỉnh Bình Phước, tỷ lệ các nhà máy chế biến hạt điều đóng cửa cũng cao. Tuy nhiên, đa số cơ sở sản xuất đóng cửa đều là những cơ sở nhỏ lẻ. Song, đây cũng là dấu hiệu đáng báo động.

Các doanh nghiệp thành viên Vinacas cho biết, nhu cầu tiêu thụ hạt điều trên thế giới tăng bình quân 3 - 5% nhưng Việt Nam tăng sản lượng trên 25% khiến nguồn cung dư cục bộ. Việc các nhà máy nhập nguyên liệu ào ạt, tăng tốc sản xuất và đẩy hàng ra cùng lúc là lý do để các nhà nhập khẩu nước ngoài ép giá. Hơn thế nữa, việc thiếu hụt vốn trong kinh doanh khiến các cơ sở nhỏ lẻ không đủ sức bền để lưu kho sản phẩm hạt điều, dẫn đến việc tranh bán lẫn hạ giá, phá giá sản phẩm.

Trước thực trạng này, Vinacas đã tìm hiểu và cho biết, nhu cầu tiêu thụ hạt điều sẽ tăng vào các tháng cuối năm do có nhiều lễ hội. Vì vậy, các doanh nghiệp nên bình tĩnh, ổn định tâm lý để giữ giá bán vì nguồn cung không còn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lo ngại của ngành điều Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO