Nền công nghiệp thép đang "hỗn loạn"

HẢI ANH| 06/12/2012 08:37

Thép nội ứ đọng, thép nhập khẩu vẫn tràn về, các dự án tỷ đô vẫn tiếp tục được cấp phép. Đó là hình ảnh về nền công nghiệp thép của Việt Nam.

Nền công nghiệp thép  đang

Thép nội ứ đọng, thép nhập khẩu vẫn tràn về, các dự án tỷ đô vẫn tiếp tục được cấp phép. Đó là hình ảnh về nền công nghiệp thép của Việt Nam.

Đọc E-paper

Lại là... tỷ đô

Theo Bộ Công Thương, do sức tiêu thụ chậm, các doanh nghiệp ngành thép chỉ sản xuất cầm chừng để tránh tồn kho cũng như đọng vốn, nên sản lượng tính đến hết tháng 11/2012 đạt 6,44 triệu tấn, tiếp tục giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, hai thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Nhật Bản và Trung Quốc đều tiếp tục giảm giá thép xây dựng nên trong nước đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá để đẩy lượng hàng tiêu thụ và giảm lượng tồn kho. Hiện nhiều doanh nghiệp đang chào giá thấp hơn giá thị trường từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn thép.

Do sức tiêu thụ thép yếu nên lượng thép tồn kho ở các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam tính đến hết tháng 11 lên đến 365.000 tấn, trong khi mức tồn kho bình quân hàng năm chỉ khoảng 250.000 tấn. Điều đáng chú ý là mặc dù lượng thép tồn kho giảm chưa đáng kể, nhưng thép nhập từ nước ngoài tiếp tục tăng, nhất là thép Trung Quốc tăng mạnh.

Trong lúc các bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước "vật vã” tìm lối thoát, thì nhiều dự án đầu tư thép lớn vẫn tiếp tục được cấp phép, thậm chí là dự án... khủng.

Sau những lùm xùm về các dự án thép tỷ đô của Lion, Tata..., ngày 2/12, tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), Công ty TNHH Gang, Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã tiến hành xây dựng nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh. Đây là hạng mục trọng yếu của giai đoạn 1 "siêu" dự án khu liên hợp gang thép Formosa.

Đây sẽ là nhà máy thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với công suất 22 triệu tấn thép/năm, 1.500 MW nhiệt điện, 11 cầu cảng năng lực cập tàu 300.000 tấn lần lượt đi vào hoạt động vào năm 2014 -2015. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 10 tỷ USD, giai đoạn 2 khoảng 5 tỷ USD.

Dự án có diện tích 3.318,72ha (trong đó diện tích đất liền 2.025,37ha, diện tích mặt nước là 1.293,35ha) với thời hạn thuê đất là 70 năm.

Cảnh báo

Trước những vấn đề của nền công nghiệp thép Việt Nam, nhóm công tác về đầu tư và thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), với sự tham nghị của các nhà đầu tư nước ngoài, nhận định rằng, Việt Nam đang thiếu một chiến lược toàn diện về ngành công nghiệp thép. Hay nói cụ thể hơn, ngành công nghiệp thép hiện đang trong trạng thái "hỗn loạn".

Theo VBF, hiện nay Việt Nam không có nhà sản xuất thép toàn diện. Cùng với đó là việc các nhà sản xuất tư nhân nhỏ trong nước không thể đủ vốn để có các phương tiện và cơ sở hạ tầng cần thiết để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, từ đó xây dựng ngành công nghiệp thép ổn định.

Các sản phẩm thép được nhập khẩu tràn ngập với giá thấp hơn giá thị trường nhưng không có bất kỳ biện pháp chống bán phá giá nào được tiến hành. Do đó, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ để xây dựng một ngành công nghiệp thép toàn diện mang tính cạnh tranh toàn cầu, ít nhất là ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển ngành này.

Nhóm công tác đưa ra 5 khuyến nghị: Thứ nhất, nên tháo dỡ các loại thuế đối với phôi thép nhập khẩu (thép bán thành phẩm) để khuyến khích sản xuất trong nước. Việc không có đủ nguồn cung cấp điện và năng lực sản xuất thép khiến cho không thể sản xuất đủ phôi thép tại Việt Nam.

Vì vậy, "thuế hải quan áp tính đối với phôi thép nhập khẩu làm mất tính cạnh tranh của các nhà máy cán thép và do đó kìm hãm sự nổi lên của các nhà sản xuất mạnh trong nước".

Thứ hai, dòng sản phẩm giá rẻ từ phía Bắc tràn vào đã gây ra những khó khăn về tài chính cho các nhà sản xuất thép trong nước. Vì vậy, "cần phải ưu tiên điều tra cách thức bán phá giá và kiểm soát chúng để nuôi dưỡng một ngành công nghiệp lành mạnh trong nước, mà không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường".

Thứ ba, Luật Xây dựng và các quy định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng cần phải được sửa đổi, đặc biệt là đối với xây dựng đường bộ. Hiện nay, đường bộ được xây dựng mà không sử dụng các thép thanh hoặc thép cuộn, dẫn đến việc tuổi thọ bị rút ngắn đáng kể và đòi hỏi phải sửa chữa thường xuyên các bề mặt bị hư hỏng.

Thứ tư, cần phải thiết lập và thực thi các thông số kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa cho các sản phẩm thép. Hiện nay, trên thị trường, có thể tìm thấy một loạt sản phẩm thép dưới mức tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, nhưng vẫn được kinh doanh và sử dụng thường xuyên. Những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn này gây ra tiếng xấu cho các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

Thứ năm, Việt Nam cần thiết lập các tiêu chuẩn và thủ tục thông quan đối với thép phế liệu nhập khẩu để tăng cường năng lực sản xuất thép trong nước. Các thủ tục hải quan hiện hành gây ra nhiều nhầm lẫn và khó khăn.

Trong số những thứ khác, thép phế liệu là nguyên liệu thô chủ yếu trong sản xuất thép đôi khi được phân loại là phế liệu đã được xử lý. Trong môi trường kinh tế thách thức như hiện nay, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ chuyên môn từ các dịch vụ hành chính của Nhà nước.

"Sự chậm trễ đang giết dần các doanh nghiệp có những khoản nợ phải trả nhưng không thể thực hiện các dự án của họ kịp thời do những thủ tục hành chính trì trệ”, VBF nhấn mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền công nghiệp thép đang "hỗn loạn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO