Năm của M&A công nghệ

MINH VŨ| 18/02/2012 01:59

Năm nay, công nghệ dữ liệu tăng trưởng bùng nổ, những công ty lớn dư thừa tiền bạc trong khi giá trị các công ty nhỏ đang giảm sút sẽ là ba động lực chính thúc đẩy nhiều thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) trong thế giới công nghệ.

Năm của M&A công nghệ

Năm nay, công nghệ dữ liệu tăng trưởng bùng nổ, những công ty lớn dư thừa tiền bạc trong khi giá trị các công ty nhỏ đang giảm sút sẽ là ba động lực chính thúc đẩy nhiều thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) trong thế giới công nghệ.

Theo ước tính của Cisco Systems, công ty sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới, đến năm 2015, lượng dữ liệu lưu chuyển qua mạng internet trong mỗi 5 phút sẽ tương đương tổng dung lượng của tất cả các bộ phim từng được sản xuất.

Còn theo IDC, hãng chuyên nghiên cứu về thế giới công nghệ, năm 2012, khối lượng thông tin số có thể tăng vọt từ 2,7 ngàn tỷ GB lên 8 ngàn tỷ GB.

Hãng này còn cho biết, đại dữ liệu, phần mềm di động và điện toán đám mây sẽ là những yếu tố thúc đẩy các “đại gia” công nghệ “đầu tư mạnh mẽ và quyết liệt” cho các thương vụ M&A trong năm nay.

Theo phân tích của Morgan Stanley, chỉ số Morgan Stanley Technology Index dự báo sẽ tăng 21% so với năm ngoái, đạt đến 513 tỷ USD. Lượng tiền mặt dồi dào và áp lực từ các nhà đầu tư về tăng trưởng doanh số nhảy vọt sẽ là các yếu tố thúc đẩy làn sóng M&A trong thế giới công nghiệp.

“Dự kiến, tổng giá trị các thương vụ M&A trong năm 2012 sẽ vượt xa con số 200 tỷ USD của năm 2011, hay 264,4 tỷ USD của năm 2007, nhưng chưa thể vượt qua kỷ lục 585,2 tỷ USD lập được vào năm 2000”, dẫn lời ông Chet Bozdog, Giám đốc Toàn cầu của Bộ phận Đầu tư kỹ thuật thuộc Ngân hàng Bank of America.

Trong năm qua, những tên tuổi lớn như HP, Cisco, SAP, Google, Microsoft... là tác nhân chính góp phần tạo ra mức tăng trưởng 36% về tổng giá trị các thương vụ M&A của thế giới công nghệ, cao hơn 4% so với mức tăng trung bình của thế giới nói chung, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg.

Cụ thể, HP đã chi tổng cộng 10,3 tỷ USD để mua lại Autonomy nhằm thu hẹp hoạt động sản xuất PC và lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh phần mềm.

Dù với nhiều nhà đầu tư, động thái này được xem là tiêu cực nhưng trên thực tế, nhờ đó mà HP có thể cung cấp các dịch vụ tìm kiếm cơ sở dữ liệu cũng như các dịch vụ trên nền điện toán đám mây cho doanh nghiệp.

Bà Meg Whitman, CEO của HP, cho biết, trong năm 2012, Công ty sẽ không thực hiện các thương vụ M&A lớn, nhưng có thể tìm kiếm thêm nhiều thương vụ có giá trị nhỏ hơn.

Cisco có thể là công ty năng động nhất trong các hoạt động M&A khi tính đến nay, hãng này đã thực hiện đến 150 vụ thâu tóm. Với lượng tiền mặt hiện có lên đến 44,4 tỷ USD, hãng này cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các thương vụ M&A trong năm nay.

Công nghệ điện toán đám mây vốn cho phép truy cập thông tin trên internet từ các trung tâm dữ liệu bên ngoài, cùng với sự chuyển đổi từ PC sang các thiết bị di động sẽ tiếp tục tạo ra “các xu hướng M&A mới”.

Tháng 8 vừa qua, Google đã mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD, thương vụ thâu tóm có giá trị cao nhất của hãng, nhằm gia tăng số lượng bằng sáng chế di động và mở rộng các hoạt động trong lĩnh vực phần cứng.

Hai tháng sau đó, đến lượt Microsoft tuyên bố đã thâu tóm Skype với giá 8,5 tỷ USD, thương vụ lớn nhất của hãng trong hơn một thập niên qua, nhằm bắt kịp Google trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến cũng như cạnh tranh với Apple trong lĩnh vực phần mềm di động.

“Quá trình đột phá công nghệ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt và không cho phép các công ty chậm một bước nào cả. Mỗi công cụ đều có ý nghĩa, trong đó, M&A sẽ là một trong những công cụ quan trọng nhất để các công ty công nghệ tìm kiếm sự tăng trưởng nhảy vọt trong năm nay”, dẫn lời ông Jon Woodruff, Giám đốc Bộ phận Đầu tư công nghệ của Goldman Sachs, công ty cố vấn số 1 cho các thương vụ M&A công nghệ trong năm qua.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm của M&A công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO