Món nợ Vinashin

05/07/2010 05:37

Tin tái cơ cấu Vinashin được công bố ngay lập tức gây lo ngại cho các chủ nợ của tập đoàn này cũng như những nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ.

Món nợ Vinashin

Tin tái cơ cấu Vinashin được công bố ngay lập tức gây lo ngại cho các chủ nợ của tập đoàn này cũng như những nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ.

Khi các công ty con được chia tách cho hai tổng công ty nhà nước là Petrovietnam và Vinalines, hiển nhiên tài sản cũng như nợ của Vinashin đã bị thu hẹp lại. Những chủ nợ, chưa biết các khoản nợ của mình sẽ được thanh toán như thế nào, nhưng đã nhìn thấy tài sản của con nợ hao hụt đi một phần, nên đứng ngồi không yên.

Tổng số nợ của Vinashin, theo công bố của Văn phòng Chính phủ trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/7 vừa qua, là trên 80.000 tỉ đồng, tương đương với hơn 4 tỉ USD. Tổng tài sản của Vinashin được cho là khoảng 90.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 9.000 tỉ đồng là vốn chủ sở hữu. Chỉ nhìn qua những con số này cũng thấy ngay là tỷ lệ nợ trên vốn của Vinashin là 1/10, cao quá mức cho phép rất nhiều.

Thông thường, một doanh nghiệp có tình hình tài chính an toàn khi tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở khoảng 1/1 hoặc gấp đôi. Giới đầu tư chưa quên là cách đây hai năm, khi Vinashin phát hành một đợt trái phiếu trong nước, tỷ lệ nợ trên vốn của tập đoàn này thậm chí còn lên tới trên 30 lần. Tình hình tài chính như vậy nên Vinashin không thể tự mình phát hành trái phiếu quốc tế mà phải nhờ cậy đến Chính phủ đi vay tiền hộ.

Trong tổng số nợ 90.000 tỉ đồng, một phần khá lớn là khoản vay từ tiền phát hành trái phiếu của Chính phủ, ít nhất khoảng 750 triệu USD. Ít nhất, những chủ nợ này là những người ít phải lo ngại nhất, vì đây là khoản mà Chính phủ có nghĩa vụ phải trả, cho dù Vinashin có phá sản. Cho đến nay, Chính phủ vẫn cam đoan Vinashin sẽ trả lãi trái phiếu đầy đủ, đúng hạn. Dù vậy, sự thua lỗ và vụ tái cơ cấu hiện nay của Vinashin không phải không có những tác động xấu tới uy tín Chính phủ. Tuỳ tình hình, sự thất bại của Vinashin có thể ảnh hưởng tới các đợt phát hành cổ phiếu tiếp theo hoặc đến xếp hạng tín dụng của Việt Nam.

Bên cạnh các khoản vay trái phiếu, còn có những khoản vay thương mại mà Vinashin vay từ các chủ nợ nước ngoài, trong đó lớn nhất phải kể đến khoản vay từ ngân hàng Credit Suisse, được cho là chiếm gần 1/4 tổng số nợ của Vinashin. Những chủ nợ này hẳn đang ngồi trên đống lửa khi thấy tài sản của Vinashin thu hẹp lại với cuộc chia tách đang diễn ra, và khi những thông tin về khả năng thanh toán của Vinashin là rất mơ hồ.

Trong tất cả những thông tin hiện được công bố, không có chi tiết đề cập đến nguồn tiền thu vào của Vinashin, càng khiến cho các chủ nợ lo ngại rằng dòng tiền vào của Vinashin đang ở trạng thái âm.

Một phần lớn các khoản nợ của Vinashin đến từ các tổ chức tín dụng trong nước, trong đó có các ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), Vietcombank, các công ty tài chính thuộc các tổng công ty, cũng như các đối tác kinh doanh, các nhà thầu trong nước. Khác với các khoản vay trái phiếu có kỳ hạn, những khoản vay với các đối tác, người bán hàng trong nước thường là những khoản phải trả ngay. Thời gian qua, đã có những thông tin về tình trạng mất khả năng chi trả của Vinashin với những khoản vay đến hạn này. Trong tất cả những thông tin hiện được công bố, không có chi tiết đề cập đến nguồn tiền thu vào của Vinashin, càng khiến cho các chủ nợ lo ngại rằng dòng tiền vào của Vinashin đang ở trạng thái âm.

Giới quan sát cho rằng một phần khá lớn những khoản nợ trái phiếu quốc tế mà Chính phủ cho Vinashin vay lại hiện nay do các ngân hàng trong nước nắm giữ, do đợt khủng hoảng tài chính nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo trái phiếu chính phủ với giá thấp. Như vậy, dồn về cho các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước chịu, thì thâm hụt cuối cùng thuộc về ngân sách nhà nước. Những khoản thâm hụt này, có thể không đủ lớn để gây thiệt hại ngay lập tức tới tình hình tài chính quốc gia, nhưng ai cũng biết “lỗ thủng nhỏ làm đắm con thuyền to”. Nợ nước ngoài hiện nay của Việt Nam chưa phải ở mức báo động nhưng đang tăng nhanh, bên cạnh các khoản vay ODA có một phần khá lớn là các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ bảo lãnh.

Cho đến nay, với tình hình tài chính bi đát như vậy, nhưng công chúng vẫn biết rất ít về tình hình kinh doanh thực tế của tập đoàn Vinashin, các khoản nợ được sử dụng ra sao, đầu tư được phân bố và thực hiện như thế nào. Cũng như các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ phần lớn tài sản quốc gia, Vinashin không công khai tài chính, không cung cấp các chi tiết về cân đối tài chính doanh nghiệp như việc các công ty niêm yết phải làm. Vinashin cho dù chưa phải là công ty niêm yết, nhưng là doanh nghiệp nhà nước là tài sản toàn dân. Người dân có nhu cầu và phải có quyền biết được tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra như thế nào, để không có những trường hợp tương tự xảy ra nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Món nợ Vinashin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO