Mía đường vẫn hấp dẫn?

30/12/2017 03:38

Từ 1/1/2018, các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế xuất khẩu đường vào Việt Nam và thuế suất chỉ ở mức 5%. Điều này đặt nhiều nhà máy sản xuất đường trong nước, nhất là các nhà máy có công suất nhỏ phải đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu.

Mía đường vẫn hấp dẫn?

Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục đầu tư vào ngành mía đường. Vì sao?

Theo thống kê của Công ty TNHH Nielsen Việt Nam, tổng nhu cầu đường tại Việt Nam qua các năm đều tăng, trong đó năm 2016, khu vực thành thị tiêu thụ 20kg/người, khu vực nông thôn 10kg/người.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng nguồn cung đường năm 2017 đạt 1,7 triệu tấn, trong đó sản xuất khoảng 1,3 triệu tấn. Với nguồn cung này, hiện thị trường đang bị thừa đường, giá đường tinh luyện tại nhiều nhà máy đã giảm xuống còn 12.000đ/kg, nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm.

Cùng thực trạng này, thời điểm bỏ hạn ngạch thuế quan nội khối đối với đường ăn đang đến gần. Khi đó, 300.000 - 500.000 tấn đường nhập lậu hàng năm sẽ đàng hoàng đi qua cửa nhập khẩu chính ngạch, và lượng nhập chính ngạch sẽ tăng cao, là khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đường. Trong đó, khả năng 22 nhà máy công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày có nguy cơ phải đóng cửa vì thua lỗ. 

Link bài viết

Theo giám đốc một công ty đường tại TP.HCM, trong tình huống xấu nhất, các nhà máy đường có thể sẽ chuyển hết sang nhập đường thô về tinh luyện để duy trì sản xuất, không thu mua mía của nông dân nữa.

Khó khăn là vậy, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn lạc quan và đưa ra chiến lược chủ động nắm thị trường. Đơn cử, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đang phát triển các loại đường phục vụ ngành bánh kẹo, sữa, cùng với mảng đường tiêu dùng. TTC cũng sản xuất các loại đường cho giá trị gia tăng cao, như đường organic.

Để thực hiện chiến lược này, TTC đã cùng KIDO hợp tác, đặt ra kế hoạch phát triển ngành đường và mở rộng các loại đường để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của thương hiệu đường Việt Nam. Với kênh phân phối của KIDO gấp đôi TTC, KIDO sẽ giúp TTC đẩy mạnh mảng đường tiêu dùng.

"Hiện nay TTC có hơn 200.000 điểm bán trên 63 tỉnh - thành. Sự hợp tác này sẽ nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối thêm hơn 400.000 điểm bán, bao gồm các điểm bán hiện có của KIDO. Đây có thể xem là lợi thế trong mục tiêu đưa đường Biên Hòa Daily hiện diện đến từng điểm bán lẻ các khu vực trong nước", đại diện TTC cho biết.

Cũng theo vị đại diện này, so với 7 năm trước, khi TTC bắt đầu kinh doanh đường tiêu dùng, sản lượng đường bán ra thị trường chỉ khoảng 10.000 tấn năm 2010 thì nay đã tăng gấp 10 lần.

Bà Trần Quế Trang - Phó tổng giám đốc Thường trực Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa (một thành viên của TTC Group) cho biết: "TTC sẽ sản xuất, cung ứng đường Biên Hòa Daily cho KIDO đưa đến 200 nhà phân phối và 450.000 điểm bán lẻ. Dự kiến doanh thu đường được phân phối trên kênh của KDC trong năm 2018 đạt khoảng 60.000 tấn, tương đương 1.100 tỷ đồng, đến năm 2020, KDC dự kiến sản lượng phân phối sẽ đạt trên 200.000 tấn.

Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc KDC chia sẻ: "KIDO vào lĩnh vực đường ở thời điểm mà Việt Nam xóa bỏ các hạn ngạch và hàng rào thuế quan cũng sẽ về 0% vào năm 2020. Nghĩa là áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu, nhất là đường Thái Lan sẽ càng tăng lên. Tuy nhiên, KIDO đã có kế hoạch, sau thời gian phân phối đường cho TTC, dưới sự bảo trợ, nhượng quyền của TTC, KIDO sẽ phát triển thêm các loại đường mang thương hiệu KIDO".

Theo ông Nguyên, KIDO với chiến lược "lấp đầy gian bếp Việt" thì không thể không tham gia vào ngành đường ăn. Nếu vận chuyển và giao đến điểm bán một xe hàng với các loại thực phẩm từ mì gói, dầu ăn, gia vị, nước chấm, đường... thì sẽ đạt hiệu quả chi phí cũng như tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Còn theo ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch TTC, thì việc TTC và KIDO bắt tay còn có ý nghĩa sâu sa hơn, đó là 2 thương hiệu Việt Nam cùng tạo sức mạnh chung để phát triển trước xu thế hội nhập và trước các áp lực cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài.

Cũng theo ông Thành, dù thị trường cạnh tranh nhưng TTC hoàn toàn có lợi thế, sau sáp nhập 2 doanh nghiệp mía đường là Công ty CP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) và Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai, TTC hoàn toàn chủ động về việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu khi sở hữu 61.000ha mía (bao gồm 12.000ha tại Lào). 

Với lợi thế đó, TTC luôn nâng cao chuỗi giá trị, đảm bảo năng lực cung ứng đường sạch vì sức khỏe cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường thực phẩm xanh. Đây là những động thái tích cực của ngành đường mà TTC nhắm đến nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa ngành đường trong nước và một số quốc gia trong khu vực.

Không chỉ TTC và KIDO, sau một thời gian đàm phán, Vinamilk cũng đã sở hữu 65% cổ phần của Công ty CP Đường Khánh Hòa để dần khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất. Chiến lược sản phẩm của Công ty là đường tinh luyện và đường nấu tự nhiên. Với sự gia nhập ngành đường, Vinamilk giúp nông dân trồng mía nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dù gia nhập sau, nhưng để cạnh tranh, Vinamilk đã đầu tư hệ thống máy móc và công nghệ từ những nước phát triển ở châu Âu và Mỹ. Theo chia sẻ của đại diện Vinamilk, các thành phẩm của Công ty được đóng gói tự động và có đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc, biết chính xác thời điểm sản xuất, lô sản xuất. Cùng với đó, các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm được phân tích, kiểm soát trong từng công đoạn sản xuất trên dây chuyền công nghệ cho đến khi nhập kho. Đường tinh luyện của Công ty đạt độ tinh khiết (độ Pol) 99,9%, công nghệ khử màu bằng trao đổi ion giúp sản phẩm có màu trắng tinh khiết tự nhiên.

Mặc dù thị trường đường đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp trong nước đang rất lạc quan khi đưa ra chiến lược đầu tư bài bản. Trước đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư vào mía đường và cũng từng tuyên bố, với thổ nhưỡng phù hợp, trồng trọt tập trung, đầu tư bài bản và theo hướng công nghệ cao, năng suất trồng mía của Tập đoàn tại Lào đã  đạt 120 tấn/ha, gấp đôi năng suất trung bình của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Giá thành đường của Hoàng Anh Gia Lai chỉ bằng 1/3 giá thành sản xuất trung bình của các nhà máy đường trong nước và đã có thời điểm, Tập đoàn đạt lợi nhuận gộp từ mía đường lên tới 64%, trong khi con số này ở các doanh nghiệp đường trong nước bình quân 11 - 13%, những công ty hoạt động hiệu quả như Mía đường Sơn La, Mía đường Gia Lai cũng chỉ đạt lãi gộp 20%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mía đường vẫn hấp dẫn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO