Mì ăn liền Kinh Đô: Tân binh và tham vọng

THANH NGÂN| 20/05/2015 08:13

Không còn gia công sản xuất, bằng việc ký kết với Saigon Ve Wong xây nhà máy có vốn đầu tư 30 triệu USD tại Bắc Ninh, Kinh Đô đã bước những bước chắc chắn vào thị trường mì ăn liền Việt Nam.

Mì ăn liền Kinh Đô: Tân binh và tham vọng

Không còn gia công sản xuất, bằng việc ký kết với Saigon Ve Wong xây nhà máy có vốn đầu tư 30 triệu USD tại Bắc Ninh, Kinh Đô đã bước những bước chắc chắn vào thị trường mì ăn liền Việt Nam.

Đọc E-paper

Sau hơn 5 tháng tung ra thị trường mì Đại Gia Đình do Saigon Ve Wong gia công, ngày 12/5, Công ty Kinh Đô và đối tác đã ký kết hợp tác liên doanh (Kinh Đô 49%, Ve Wong 51%), đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN VSIP Bắc Ninh. Nhà máy có diện tích 2,5 héc ta, với vốn đầu tư 30 triệu USD, có công suất ban đầu 6 triệu sản phẩm/năm và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017; dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 9 tới.

Theo kế hoạch, nhà máy sẽ phát triển theo từng giai đoạn, từ mì ăn liền và gia vị tới cháo, nui, phở, thực phẩm ăn liền tiện dụng, nước chấm. Việc xây dựng nhà máy này, theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô là sẽ giúp nâng cao công suất sản xuất, chủ động nguồn cung và ổn định chất lượng sản phẩm. Cùng với nhà máy ở Bắc Ninh, Kinh Đô và Saigon Ve Wong đang tìm kiếm mặt bằng để xây dựng thêm 3 nhà máy tại ba miền đất nước.

Cũng theo ông Nguyên, sự kiện này là bước tiến quan trọng của Kinh Đô trong ngành hàng thiết yếu sau quá trình chuẩn bị sẵn sàng nền tảng, nội lực. Với sự thấu hiểu người tiêu dùng cùng kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của hai bên, "tân binh" này tin sẽ mang đến những sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.

Không chỉ sản xuất sản phẩm theo công nghệ của Ve Wong tại Việt Nam, ông Chen Kung Pin, Tổng giám đốc Ve Wong Đài Loan, cho biết, ngoài việc tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển, Kinh Đô và Ve Wong sẽ nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm đặc biệt của Ve Wong (chưa đưa về Việt Nam) để làm lợi thế cạnh tranh.

Việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mì ăn liền của Kinh Đô đang dấy lên thông tin sẽ có một cuộc đua quyết liệt hơn trong thời gian tới. Hiện tại, dù đã chiếm thị phần rất lớn nhưng các thương hiệu Vina Acecook, Asia Food, Massan... vẫn liên tục tung ra sản phẩm mới và dành một nguồn ngân sách lớn cho quảng cáo trên báo chí, truyền hình.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 50 doanh nghiệp (DN), sản xuất gần 50 tỷ gói mì mỗi năm. Ông Trần Quốc Việt, cho biết: "Đã nhìn thấy tiềm năng thị trường này cách đây 5 năm. Với quy mô 24.000 tỷ đồng, đến năm 2017, thị trường này vẫn sẽ tăng trưởng mạnh", ông Việt tỏ ra tin tưởng vào hướng đi của Kinh Đô.

Tuy số lượng DN nhiều nhưng thị trường gần như nằm trong tay các thương hiệu lớn như Vina Acecook, Massan, Asia Food và Việt Hưng. Trong đó, Vina Acecook chiếm 43%, Massan Consumer 22%, Asia Food 12%, Việt Hưng 8,5%. 14,5% còn lại thuộc về những DN khác. Dù vậy, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều cơ hội cho các DN nhỏ.

Bởi, hiện nay, thị trường mì ăn liền ở các khu vực đô thị đang chững lại trong khi lại tăng mạnh ở thị trường nông thôn và khu vực ngoại ô. Ước tính, lượng tiêu thụ ở khu vực nông thôn hiện chiếm đến 60% toàn thị trường.

Đánh giá cao sự đóng góp của ngành mì gói cho tổng doanh thu toàn tập đoàn, báo cáo tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 28/4, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Massan, cho biết, năm 2014, Massan đã bán ra thị trường 1,4 tỷ gói mì Cocomi.

5,3 tỷ gói

Số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, đứng thứ 4 toàn cầu, sau Trung Quốc (46,22 tỷ gói), Indonesia (14,9 tỷ gói), Nhật Bản (5,52 tỷ gói). Như vậy, tính bình quân, mỗi người Việt ăn hết khoảng 57,3 gói/năm, đứng sau Hàn Quốc và Indonesia.

Trong chiến lược cạnh tranh sắp tới, Massan sẽ tập trung vào cả 3 phân khúc trung, cao cấp và thấp cấp. Theo đó, sẽ bán song song mì gói Omachi với giá 6.000 đồng/gói, gấp 3 lần so với mì gói giá thấp. Và "Massan sẽ đẩy mạnh khai thác thị phần mì gói ở phân khúc giá rẻ tại các thị trường nông thôn vì đây là thị trường rất tiềm năng", ông Quang chia sẻ.

Cuộc chạy đua giành thị trường càng khốc liệt hơn khi có sự tham gia của các nhà bán lẻ như Big C, Co.opmart. Với lợi thế về số liệu thị trường, sức mua và am hiểu thị hiếu tiêu dùng, các nhà bán lẻ đã khai thác triệt để việc kinh doanh thông qua hàng nhãn riêng. Và với mức giá rẻ hơn ít nhất từ 5% - 10%, lượng mì gói từ kênh mua sắm hiện đại đang là thách thức không nhỏ cho nhà sản xuất.

Chưa biết trong thời gian tới, Kinh Đô có đạt được tham vọng đứng trong top 3 công ty dẫn đầu thị trường hay không nhưng hiện tại, doanh thu của mì Đại Gia Đình vượt ngoài dự đoán của Công ty. Ông Việt cho biết, sau hơn 5 tháng ra mắt thị trường, nguồn cung sản phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Chính vì vậy, bên cạnh dây chuyền sản xuất 400.000 thùng mì/tháng tại nhà máy ở TP.HCM, vào tháng 8 tới, Saigon Ve Wong sẽ đưa vào khai thác dây chuyền sản xuất mới với công suất 500.000 thùng mì/tháng để sản xuất mì Đại Gia Đình cho Kinh Đô. Và đến điểm thời hiện tại, sản phẩm của Kinh Đô đã có mặt tại 101 nhà phân phối và 86.000 điểm bán lẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Kinh Đô hiện có 300 nhà phân phối và 200.000 điểm bán cho ngành hàng bánh kẹo và kênh hàng lạnh. Trong khi đó, Saigon Ve Wong là nhà sản xuất có bề dày thâm niên, chuyên môn, công nghệ về mì ăn liền, gia vị đồng thời là một DN có kinh nghiệm xây dựng nhà xưởng sản xuất các loại thực phẩm theo công nghệ hiện đại. Vì vậy, dù đi sau nhưng Kinh Đô vẫn có cơ hội không nhỏ.

>Cặp đôi quyền lực bẻ lái Kinh Đô
>Bánh kẹo Kinh Đô - "đường dài" của đại gia ngoại
>Kinh Đô dự kiến vượt kế hoạch tiêu thụ bánh kẹo Tết 15%
>Kinh Đô hậu M&A

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mì ăn liền Kinh Đô: Tân binh và tham vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO