Lực hấp dẫn từ tín dụng tiêu dùng

HỒNG NGA| 25/09/2013 08:00

Chiếm 5% - 6% GDP và sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ, nên tín dụng tiêu dùng (TDTD) đang được các doanh nghiệp quan tâm khai thác. Và mua bán - sáp nhập (M&A) là chiến lược được các tổ chức tài chính ưu tiên lựa chọn để gia tăng thị phần.

Lực hấp dẫn từ tín dụng tiêu dùng

Chiếm 5% - 6% GDP và sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ, nên tín dụng tiêu dùng (TDTD) đang được các doanh nghiệp quan tâm khai thác. Và mua bán - sáp nhập (M&A) là chiến lược được các tổ chức tài chính ưu tiên lựa chọn để gia tăng thị phần.

Đọc E-paper

Xếp hàng chờ M&A

Cùng với làn sóng M&A ngân hàng, M&A của các tổ chức tài chính cũng diễn ra sôi động. Điển hình là vụ HDBank mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF).

Đây được xem là giao dịch đầu tiên theo phương thức mua lại tổ chức tín dụng, mở đầu cho xu hướng các định chế Việt Nam mua lại các định chế khác để hình thành các tập đoàn tài chính - ngân hàng.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, cho rằng, việc mua lại SGVF là hoạt động M&A theo xu hướng quốc tế tại Việt Nam, nằm trong chủ trương tái cấu trúc của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Trước HDBank, Công ty Tài chính Fullerton Financial Holdings (FFH), công ty con của Tập đoàn Temasek (Singapore) đã nâng mức sở hữu cổ phần tại Mekong Bank (MDB), một ngân hàng cho vay tiêu dùng ở đồng bằng sông Cửu Long từ 15% lên 20%.

Lĩnh vực TDTD không dừng lại ở hai thương vụ này, Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) cũng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây (WesternBank), một thương vụ được StoxPlus đánh giá là sẽ giúp PVFC đẩy mạnh dịch vụ TDTD.

Và với tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcom Bank), sau khi thành lập, PVcom Bank sẽ có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng với 102 điểm giao dịch.

Làn sóng M&A của các công ty tài chính và ngân hàng chắc chắn sẽ dài thêm bởi TDTD đang rất tiềm năng. Theo ông Lê Thành Trung, hiện nay, tỷ trọng TDTD chỉ chiếm khoảng 5 - 6% GDP, một con số rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, TDTD ở Thái Lan đã bằng 18% GDP, trong khi con số này tại Malaysia lên tới 42%. Do đó, không khó để nhận thấy xu hướng tăng trưởng của TDTD trong thời gian tới.

Trong khi nhiều ngân hàng trong tình trạng lỗ thì các công ty tài chính như PPF Vietnam, Prudential Vietnam... lại phát triển mạnh mẽ nhờ TDTD. Cụ thể như PPF Vietnam (thương hiệu Home Credit), đến tháng 8/2013, số lượng hợp đồng còn hiệu lực là gần 440.000, tăng đến 98% so với năm 2012, gấp 10 lần so với năm 2004.

Hiện tại, Công ty có đến 3.400 điểm bán tại tất cả các tỉnh - thành trong cả nước và mỗi ngày phải nhận và giải quyết 3.000 hồ sơ vay của khách hàng. Về số lượng khách vay, đến cuối tháng 8, PPF Vietnam có đến hơn 800.000 và dự kiến đến cuối năm nay sẽ đạt con số 1 triệu.

Chỉ còn "cá lớn" sống

Với tiềm năng thị trường lớn, nhiều nhận định cho rằng, việc mua lại SGVF sẽ giúp HDBank phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực TDTD. Nhận định này cũng có cơ sở bởi trước đó, việc nâng vốn của FFH đã giúp MDB tăng trưởng 20% trong năm 2012.

Phân khúc khách hàng nhỏ như nông dân, tiêu dùng cá nhân (đặc biệt là vay mua xe gắn máy), tiểu thương kinh doanh tại các chợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã trở thành khách hàng chiến lược của ngân hàng này. Tuy nhiên, điều mà mọi người quan tâm là sau thương vụ này, SGVF sẽ phát triển như thế nào?

Ông Trung cho biết, HDBank sẽ tiếp tục phát triển trên thị trường tài chính và duy trì cơ cấu nhân sự hiện tại đồng thời giữ nguyên hệ thống đối tác, khách hàng của SGVF. Nghĩa là SGVF sẽ tiếp tục phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, cho vay trả góp như từ trước đến nay.

Khoảng 1.100 nhân viên với mạng lưới hoạt động tại 42 tỉnh - thành cùng hơn 125.000 khách hàng thông qua 300 đối tác và gần 800 điểm dịch vụ của SGVF tại các cửa hàng xe máy và điện máy sẽ tiếp tục được khai thác.

Lợi thế là vậy, nhưng theo các chuyên gia, việc giành được một phần "miếng bánh" thị trường TDTD không dễ dàng. Hiện nay, ngành này đã được rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác. Bên cạnh các công ty tài chính nước ngoài như SGVF, PPF Vietnam, Prudential Vietnam, các ngân hàng nhỏ và vừa như VPBank, MDB, KienLongBank, Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) và cả ngân hàng lớn như Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tham gia TDTD.

Đó là chưa kể, tham gia lĩnh vực này, ngân hàng phải chấp nhận tỷ lệ nợ xấu cao. Nếu các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu dao động từ 2 - 6% thì trong lĩnh vực TDTD thường ở mức hai con số. Tuy nhiên, ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Công ty Tài chính PPF Vietnam, cho rằng, đối với công ty tài chính, tỷ lệ nợ xấu dưới 10% là có thể chấp nhận được.

"Trong khi nợ xấu của ngân hàng ở mức 4% đã bị lỗ thì tỷ lệ nợ xấu của chúng tôi gần 10% nhưng vẫn lãi. Cụ thể, trong năm 2012, chúng tôi lãi đến 20 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng)", ông Friedrich Weiss cho biết.

Ông Trung cũng thừa nhận, việc mua SGVF tạo ra cơ hội nhưng đồng thời cũng có không ít thách thức đối với HDBank. Bởi bên cạnh các tổ chức tín dụng nước ngoài dày dạn kinh nghiệm, HDBank còn phải cạnh tranh với những tổ chức tín dụng trong nước vốn am hiểu thị trường và khách hàng.

Tuy nhiên, HDBank đã chủ động tự tích lũy sự am hiểu thị trường cũng như kinh nghiệm quản lý khách hàng. "Thương vụ mua lại SGVF là một lợi thế bổ trợ, giúp HDBank tận dụng kinh nghiệm từ một tổ chức quốc tế, từ đó cải tiến, hoàn thiện quy trình quản lý, giám sát và kiểm soát hoạt động cho vay", ông Trung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lực hấp dẫn từ tín dụng tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO