Điểm sáng xuất khẩu, thu hút đầu tư
Chia sẻ tại "Diễn đàn xuất khẩu 2022" do Trung tâm Xúc tiến và Thương mại TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 8/12/2022, ông Trần Phú Lữ - Phó giám đốc ITPC cho biết, kinh tế Việt Nam trong tháng cuối năm 2022 được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt nên sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2022 đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm ngoái. Riêng TP.HCM được ghi nhận là điểm sáng trong lĩnh vực xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất khẩu qua cảng TP.HCM bao gồm cả dầu thô trong 10 tháng năm 2022 đạt gần 36 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm ngoái.
Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Ông Agustaviano Sofjan - Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM cho rằng, bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế nhờ vị trí địa lý chiến lược và chính sách duy trì tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng tăng cường kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu với việc ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với Indonesia là một trong số thành viên.
Không chỉ nhà đầu tư Indonesia, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO) cho biết, nhiều công ty Nhật muốn mở rộng việc kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2023, quan tâm những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như ô tô, thiết bị điện và những ngành tương tự.
Doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm xuất khẩu |
Doanh nghiệp xuất khẩu cần tái cấu trúc mọi hoạt động
Để có thể xuất khẩu trong bối cảnh mới, các chuyên gia khuyến nghị các DN xuất khẩu cần tái cấu trúc toàn bộ hoạt động. TS. Từ Minh Thiện - nguyên Giám đốc ITPC nhấn mạnh, thời cơ từ các FTA không kéo dài nên các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Ở góc nhìn của một người gắn bó nhiều năm với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, ông Thiện cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cần tái cấu trúc mọi hoạt động để thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn 15 FTA song phương và đa phương với nhiều khu vực và các quốc gia trên thế giới. Các FTA đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi lại hệ thống luật pháp, các văn bản quy phạm pháp luật… phù hợp với chuẩn mực và quy ước quốc tế. Cùng với đó, các DN phải thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư.
Và để tái cấu trúc DN xuất khẩu, các DN cần lưu ý về việc xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. DN nên lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô của DN song song với việc chú trọng tìm hiểu thị hiếu, xu hướng và đặc trưng thị trường, thông qua các hội thảo quốc tế, các hội chợ - triển lãm quốc tế.
Rất nhiều doanh nghiệp quan tâm tới xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay |
Bên cạnh đó, các DN nên gia tăng sản phẩm tại các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới, đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ hoặc hướng đến hữu cơ, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người. Không chỉ vậy, DN phải biết cách đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu một cách chuyên nghiệp.
“Để tiếp tục đà tăng trưởng và hạn chế tối đa rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh, cần phải tái cấu trúc DN. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các DN, sự chung tay, góp sức của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội và phải có sự quyết tâm cùng các bước triển khai phù hợp, đồng bộ”, ông Minh Thiện gợi ý.