Kinh tế ít chạm: Không thay đổi, không bắt kịp thị trường

Minh – Tâm| 29/03/2021 03:53

Kinh doanh trong trạng thái bình thường mới (nền kinh tế ít chạm), các doanh nghiệp (DN) phải làm gì để thích ứng và hoàn thành mục tiêu kép vừa an toàn vừa đảm bảo mục tiêu phát triển?

bai-3-kido-4888-1616656553.jpg

Linh hoạt để thích ứng

Trong cuộc trao đổi với báo chí, Tổ trưởng Tổ Tư vấn của Thủ tướng - TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trạng thái bình thường mới lúc này phải là mở ra cho DN làm ăn và người dân mưu sinh vì khó khăn đã lên đến đỉnh.

Theo ông Kiên, phương án phòng chống dịch năm 2020 là thành công nhưng chúng ta phải thay đổi cách phòng chống dịch khác trước, nếu không sẽ lại bỏ lỡ năm 2021 này. Làm sao hài hòa hóa chính sách chống dịch với phát triển kinh tế là khó.

Đánh giá về tâm lý, quan điểm của DN trong giai đoạn mới hiện nay, ông Kiên cũng cho rằng, phần đông DN tự tin tự họ vượt qua được sóng gió này với điều kiện là nếu Chính phủ không hỗ trợ được thì đừng làm thêm khó khăn quá cho họ. Một số DN lớn khẳng định họ tự vượt qua được khó khăn này nhưng Chính phủ cần rõ ràng trong chính sách. Ví dụ, để xây sân bay theo mô hình PPP, DN đề nghị Nhà nước phải lo thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và thiết kế còn DN bỏ tiền làm đường băng, nhà ga. Hay như các DN bất động sản trong TP.HCM kêu ca rất nhiều về thủ tục pháp lý. Vậy các cơ quan nhà nước có rà soát lại thủ tục để tháo gỡ cho họ không? Đó là trách nhiệm của Nhà nước.

Tuy nhiên, trước khi có các chính sách hỗ trợ, DN vẫn phải chủ động cần thay đổi, thích ứng nhanh bằng việc ứng dụng các cách quản trị mới, ứng dụng công nghệ và phát triển kinh doanh online để tăng hiệu quả kinh doanh mà vẫn đảm bảo giãn cách, cắt giảm nhân sự.

Chia sẻ tại chương trình Cà phê với Doanh Nhân Sài Gòn do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức mới đây, ông Lâm Bình Bảo - Tổng giám đốc B Coaching tổng kết hai trạng thái của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Thứ nhất là trạng thái hoảng loạn, không biết chuyện gì đang xảy ra. Thứ hai là luôn có kế hoạch dự phòng, chấp nhận thời cuộc và thích nghi. 

Kinh nghiệm của Tập đoàn Kido là một ví dụ về sự thích nghi, xây dựng kịch bản dự phòng. Ông Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, thời điểm giãn cách xã hội lần đầu tiên, Kido xây dựng 17 kịch bản ứng phó. Trong đó vạch ra kế hoạch hành động cho từng tình huống theo dạng “nếu - thì”. Ví dụ, không còn nhóm khách hàng đi du lịch nhưng xuất hiện nhóm khách hàng ở nhà thì lập tức dịch chuyển kênh phân phối đến gần người tiêu dùng. Đó là những tủ kem đặt ở các chung cư. Đồng thời phát triển những dòng kem gần với đời thường như kem trà sữa trân châu. 

Ông Bảo gọi đó là sự thích nghi với trạng thái mới của nền kinh tế không chạm. Sự thích nghi của KIDO, là sự thấu hiểu hành vi khách hàng. 

Cũng theo ông Danh, khi nền kinh tế chuyển sang trạng thái mới thì DN phải thấy được nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi theo hướng nào. Từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp, thiết kế lại mô hình kinh doanh thích nghi, tiếp cận gần khách hàng hơn theo xu hướng “không chạm”. Và Kido là một điển hình khi đã nhanh chóng tập trung cho các sản phẩm cao cấp, nhiều vitiamin tốt cho sức khỏe thay vì trước đó chủ lực là dòng sản phẩm bình dân hướng tới các quán ăn. Sự thay đổi này bởi vì khách hàng ngại tiếp xúc nơi đông người, xu hướng làm việc tại nhà sẽ có nhiều người nấu ăn tại nhà, nhu cầu sản phẩm cao cấp hơn. Wash-up, một mô hình kinh tế ít chạm khác đã tăng trưởng 100% trong năm 2020. Đó là một ứng dụng rửa xe đã tăng trưởng gấp đôi trong năm 2020. Từ 5 đội nhóm ban đầu đã phát triển lên 50 đội nhóm. 

DN làm gì trong nền kinh tế ít chạm?

Theo ông Bảo, trước hết DN phải hiểu rõ bối cảnh thực tại. Sau đó, tự nhìn lại, đánh giá điểm yếu, điểm mạnh, đâu là rủi ro có thể tác động tiêu cực đến DN? Đâu là lợi thế có thể tận dụng, biến nguy thành cơ? Tiếp theo đó, xác định kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là những chiến dịch trước mắt, những sản phẩm, dịch vụ mang tính tức thời theo sự thay đổi tức thời trong thị hiếu người tiêu dùng. Về dài hạn, sự dịch chuyển từ offline sang online, dịch chuyển hệ thống phân phối theo xu hướng địa phương hóa, logistics tại chỗ, kèm theo đó là chính sách nhân sự đáp ứng nhu cầu làm việc hỗn hợp, trực tiếp tại văn phòng và tại nhà. Tất cả những yếu tố như vậy đòi hỏi nhà quản trị phải thay đổi tư duy.

“Không có sự thay đổi tư duy thì không thể bắt kịp thị trường”, ông Bảo khẳng định. Trong trạng thái bình thường mới, trạng thái của nền kinh tế ít chạm, chạm an toàn thì có ba tư duy thay đổi. Thứ nhất là tư duy khởi nghiệp. Học nhanh, thử nhanh, làm nhanh, thất bại nhanh, rút bài học nhanh, tổng kết nhanh. Thứ hai là tư duy hệ sinh thái. Thứ ba là tư duy công nghệ. Không có công nghệ thì doanh nghiệp khó thành công vì chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế ít chạm, chạm an toàn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế ít chạm: Không thay đổi, không bắt kịp thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO