Khi người nông dân có “công cụ mạnh”

THẢO PHƯƠNG| 28/08/2009 09:23

25 trang trại trên cả nước đã được hỗ trợ để áp dụng công nghệ biến chất thải chăn nuôi thành điện, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất.

Khi người nông dân có “công cụ mạnh”

Hơn một năm qua, 25 trang trại trên cả nước đã được hỗ trợ để áp dụng công nghệ biến chất thải chăn nuôi thành điện, người chăn nuôi đã có thể chủ động làm giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất. Những lợi ích đó đến từ dự án thí điểm “Sản xuất điện năng quy mô nhỏ bằng biogas” do Đại học Đà Nẵng phối hợp với Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) thực hiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Go Green - Hành trình xanh”.

"Không còn nghi ngờ gì nữa về lợi ích của dự án. Dùng máy phát điện chạy bằng biogas sẽ giải quyết được ô nhiễm môi trường, mang lại những lợi ích lớn về kinh tế”, ông Mai Tấn Triển, trại trưởng trại chăn nuôi Nhơn Sơn, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng cho biết.

Trang trại với diện tích khoảng 5ha của ông đã ứng dụng chuyển đổi từ máy phát diesel sang biogas được một năm và đã mang đến những kết quả mà trước đó ông không thể hình dung được. Hiệu quả rõ nhất là mùi hôi thối đã giảm đi đáng kể. Khi dùng máy phát điện chạy bằng biogas, chi phí điện của trang trại đã giảm đi từ 50 - 70%/tháng. Đó là con số có giá trị với người chăn nuôi.

Đã có thâm niên hơn 10 năm trong lĩnh vực xây dựng và chuyển giao các công trình khí sinh học vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên với trên 10.000 công trình xây dựng cho người dân nhưng ông Lê Viết Nghĩa, Trung tâm Năng lượng và Môi trường Buôn Ma Thuột, không khỏi ngạc nhiên trước thành công của dự án này. Ông Nghĩa cho biết, thời gian gần đây sự phát triển của trang trại chăn nuôi rất mạnh, lượng khí biogas dư thừa phát tán trong không khí gây ô nhiễm môi trường. Nhận thấy điều này, ông đã liên hệ với ban quản lý dự án để đưa công nghệ mới này về cho bà con sử dụng.

Cùng lúc này, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đang hỗ trợ cho dự án các bộ điều tốc để chuyển đổi máy phát điện chạy bằng diesel sang chạy bằng biogas và 25 trang trại trên cả nước đã được chọn để lắp đặt bộ phụ kiện đa năng này. Một lợi ích khác của dự án là khi hết nguồn biogas, máy vẫn chạy bằng dầu diesel, không làm gián đoạn nguồn điện.

Theo ghi nhận của các trang trại đã ứng dụng công nghệ này, nếu các hộ chăn nuôi có từ 50 con heo trở lên sử dụng biogas để chạy máy phát điện sẽ tiết kiệm được khoảng 24 triệu đồng/năm. Việc sử dụng chất thải chăn nuôi tạo khí ga không những chủ động được nguồn điện để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn giảm ô nhiễm môi trường. Từ dự án thí điểm trên cho thấy, có “công cụ mạnh trong tay”, người nông dân không chỉ biết làm giàu một cách chính đáng mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống.

Phát biểu tại buổi tổng kết dự án, ông Tatsuya Kijimoto - Phó giám đốc Marketing của TMV đã nói: “Chúng tôi hy vọng rằng, với việc triển khai thành công dự án này, sẽ góp phần vào việc phát triển nguồn năng lượng biogas một cách mạnh mẽ nhằm tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường. Hãy cùng Toyota Việt Nam chung tay gìn giữ một Việt Nam tươi xanh, cùng tiến tới tương lai và phát triển bền vững”.

Chương trình “Go Green - Hành trình xanh” là chương trình bảo vệ môi trường do TMV phối hợp với Tổng cục Môi trường (VEPA) và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Chương trình ra đời với ý tưởng tạo cầu nối liên kết chặt chẽ và có hệ thống giữa các hoạt động bảo vệ môi trường của TMV thông qua các tổ chức, các nhóm tình nguyện viên tâm huyết trong hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Kinh phí ban đầu của các hoạt động sẽ do TMV hỗ trợ nhằm thực hiện ba mục tiêu chính: Giáo dục nâng cao nhận thức và từ đó góp phần thay đổi hành vi đối với vấn đề bảo vệ môi trường, trực tiếp thực hiện và hỗ trợ thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu và ngăn chặn các vấn đề về môi trường tại Việt Nam, hỗ trợ và giúp đỡ những cá nhân và tập thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về môi trường.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi người nông dân có “công cụ mạnh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO