Khi du lịch giá rẻ lấn át

BÍCH HỒNG| 16/04/2017 06:53

Cạnh tranh giá từng bữa ăn, cái giường ngủ cho du khách, du lịch giá rẻ, du lịch "không đồng", du lịch trả góp là những gì người tiêu dùng thấy quảng cáo hằng ngày trên báo và mạng xã hội.

Khi du lịch giá rẻ lấn át

Cạnh tranh giá từng bữa ăn, cái giường ngủ cho du khách, du lịch giá rẻ, du lịch "không đồng", du lịch trả góp là những gì người tiêu dùng thấy quảng cáo hằng ngày trên báo và mạng xã hội.  

Đọc E-paper

Ví dụ về du lịch nước ngoài, như Hàn Quốc, sau 2 năm với những tour có giá 21 triệu đồng 6 ngày thì hiện nay phổ biến từ 10 đến 12 triệu đồng. Một tour Nhật phải hạ giá xuống 17 triệu từ giá cũ 43 triệu đồng.

Còn trong nước, các trung tâm du lịch như Hạ Long, Hội An, Nha Trang lúc nào cũng như "vỡ trận" du khách cũng vì giá rẻ, cộng thêm làn sóng du khách Trung Quốc, nên lượng khách đến tăng đột biến so với 3 năm trước. Giá hạ thì cung cách kinh doanh phải thay đổi, không bao giờ có chuyện hàng tốt giá rẻ. Tiếc rằng phần lớn du khách không thấy điều đó, vẫn hy vọng có một chuyến đi tốt với khoản tiền tối thiểu.

Hội An là một ví dụ. Xung quanh Hội An có rất nhiều làng nghề truyền thống, trước nay vẫn được khai thác với sản phẩm du khách một ngày làm nông dân trồng rau ở Trà Quế, một ngày hái dâu nuôi tằm, hay làm đèn lồng, làm thợ mộc, đến sống trong nhà dân, trò chuyện, chụp ảnh, ăn những bữa cơm bình thường để cảm nhận đời sống hiện đại.

Trong khi người Hội An trân trọng dọn mảnh vườn, sửa cái nhà, làm dịch vụ từ cuộc sống thật thì sự cạnh tranh đến từ trào lưu hàng giả. Hội An thu hút hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm, nên các nhà đầu tư bốn phương kéo đến, và chỉ cần một tuần hay một tháng, họ dựng lên đủ thứ làng, đủ thứ nghề truyền thống "ăn xổi" để đưa khách về.

Hàng chục điểm tham quan có nghệ nhân ngồi dệt lụa, những bức ảnh về lịch sử nghề tơ lụa để sau đó khách được xua vào mua lụa... Trung Quốc với giá cắt cổ. Những họa sĩ dựng làng làm đèn giấy, lớp dạy nấu ăn không khai thác món Hội An mà bày món Bắc, món Nam không đúng khẩu vị, không đúng nguyên liệu, cốt để cho có sản phẩm.

Cả một vùng tài nguyên văn hóa của Hội An được khai thác bát nháo, nhưng đó lại là những nhà đầu tư mạnh về tài chính, thâu tóm được khách khi ăn chia hoa hồng tỷ lệ cao với các công ty lữ hành trong và ngoài nước. Những điểm "văn hóa giả" như thế có lượng khách ra vào mỗi ngày từ 500 đến 1.000 là rất bình thường ở Hội An.

>>7 điểm du lịch kỳ thú nhất thế giới

Mới tuần qua, phát hiện "phố giới thiệu trà" ở Đà Nẵng do người Trung Quốc điều hành là một ví dụ rõ nhất về lối làm hàng "văn hóa giả". Các công ty lữ hành Trung Quốc có vẻ rành văn hóa Việt còn hơn người Việt, họ tìm đối tác có đất rộng để thuê hoặc nhờ luôn đối tác đứng tên xây dựng cơ sở vật chất, khung cảnh thiên nhiên phù hợp với mặt hàng, chắc chắn sẽ có nghệ nhân biểu diễn cách pha trà, rót trà, thuyết minh về đặc sản trà Việt Nam và cuối cùng sẽ bán... trà Trung Quốc.

Khi phải chia sẻ lợi nhuận với hai ba bên như chủ đất, lữ hành Việt Nam, lữ hành Trung Quốc, bán trà Trung Quốc thì họ mới có lãi. Những làng nghề giả như thế lan tràn khắp nơi, tập trung vào những sản phẩm đặc biệt, cao cấp như ngọc trai (Phú Quốc), lụa (Hà Nội và Hội An), yến sào (Nha Trang), trầm hương, trà (Lâm Đồng).

Trong khi đó những người làm nghề thật, những làng nghề có lịch sử hàng trăm năm thường nằm ở những nơi xa, người dân không hiểu biết hoặc không đủ tài chính nên bán dụng cụ làm nghề, để cho chụp ảnh rồi đưa đi trưng bày, làm ra các làng nghề giả nơi phố thị. Lối làm ăn này khó lừa gạt được khách phương Tây, nhưng có thị trường cực tốt với khách Trung Quốc bình dân đang theo các tour giá rẻ.

Cũng là người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, nhưng ở Hội An có tour rất được ưa thích. Một người Pháp kinh doanh tour chụp ảnh làng nghề và phong cảnh thiên nhiên. Du khách được đưa đến các chợ cá, làng đánh cá thật, và người phục vụ đều là người địa phương đang làm nghề thật như lái đò, đánh cá, nấu ăn. Phong cách kinh doanh tỉ mỉ và có tâm, khai thác chiều sâu văn hóa như thế không chỉ kén nhà đầu tư có văn hóa, mà nó còn kén cả khách du lịch.

Ảnh: BH

Trào lưu làm hàng văn hóa giả để bán những sản phẩm không đúng với chất lượng đang lan khắp châu Á. Ngay tại Hàn Quốc, khách du lịch đi tour giá rẻ sẽ được đưa đến những căn nhà mua "sâm chính phủ", thậm chí có cả giấy bảo hiểm của Tập đoàn Samsung cho củ sâm, chất lượng thì về nhà sử dụng mới biết, chỉ là sâm tầm thường. Khách du lịch 100% là khách Việt Nam và Trung Quốc.

Họ cũng có những nơi trình diễn làm kim chi, mặc áo Hanbok Hàn cùng một cung cách trình diễn như vậy. Tại Bangkok (Thái Lan) không thiếu gì các làng nghề giả bán cao rắn, cao hổ, nhưng cũng chính người Thái vừa phát động phong cách du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa, lịch sử kinh tế thật. Chính phủ Thái Lan mở đường về những vùng xa và hỗ trợ vốn cho các chủ trang trại hoa, dâu tằm, cá sấu đầu tư mảng du lịch để đưa khách đến nhận diện vẻ đẹp thật của nền nông nghiệp Thái.

Để cho sản phẩm du lịch giả lấn át sản phẩm du lịch thật, và cổ động cho trào lưu đưa khách bình dân đi tour giá rẻ chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận người kinh doanh, nhưng việc xây dựng điểm đến du lịch toàn cầu sẽ ngày càng khó khăn hơn.

>>10 thành phố du lịch giá rẻ ở châu Âu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi du lịch giá rẻ lấn át
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO