Khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất khẩu gạo

PHẠM THANH SƠN| 21/02/2011 09:22

Năm 2011 dự báo sẽ là năm Việt Nam tạo đột phá xuất khẩu lúa gạo, thậm chí hơn cả mức kỷ lục với trên 6,8 triệu tấn gạo hồi năm ngoái.

Khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất khẩu gạo

Năm 2011 dự báo sẽ là năm Việt Nam tạo đột phá xuất khẩu lúa gạo, thậm chí hơn cả mức kỷ lục với trên 6,8 triệu tấn gạo hồi năm ngoái.

Gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn - Ảnh: S.T

Trong tình hình thế giới gặp khó khăn về lương thực, nhu cầu mua gạo năm nay của các nước nhập khẩu vẫn ở mức cao. Một số nước từng ngừng nhập gạo nước ta như Indonesia nay đã ký hợp đồng nhập khẩu lượng gạo tương đương năm ngoái với 1,5 triệu tấn. Mới đây nhất, Bangladesh vừa ký nhập khoảng 250.000 tấn gạo giao trong tháng 2 này.

Riêng với thị trường truyền thống Philippines, Việt Nam hứa hẹn có thể cung ứng khoảng một triệu tấn gạo trong tổng lượng nhập gần hai triệu tấn năm nay.

Cho dù tình hình xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm được đánh giá là khả quan, nhưng cuộc cạnh tranh không cân sức giành giật hạt gạo giữa các doanh nghiệp trong nước có lợi thế khác nhau, cũng như tình hình các đối tác nước ngoài chưa ký hợp đồng mua gạo chờ giá xuống, đã khiến Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kêu gọi doanh nghiệp thành viên mua tạm trữ gạo để giữ giá.

Theo VFA, sẽ có tối đa 65 doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ một triệu tấn gạo, thời gian tạm trữ kéo dài từ ngày 1/3 và kết thúc vào 15/4. Doanh nghiệp mua theo giá thị trường nhưng không thấp hơn 5.000 đồng/kg lúa khô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại kho.

Giá gạo được dự báo sẽ tăng lên, bởi giá các loại lương thực khác như lúa mì, bắp… trên thế giới đang tăng mạnh, nguồn cung gạo không dư thừa so với nhu cầu.

Hơn nữa, dự kiến khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 tới, Indonesia - một trong những khách hàng truyền thống của Việt Nam - sẽ tiếp tục mua gạo với khối lượng lớn.

Dựa vào các thông tin trên, VFA đề nghị các doanh nghiệp không nên hoang mang, dao động, để rồi vội vàng bán đổ bán tháo gạo với giá thấp. Dự kiến trong quý 1 năm nay, nước ta có thể xuất khẩu được 1,8 triệu tấn, và đây cũng sẽ là quý đầu tiên của năm xuất khẩu được nhiều nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, niềm lạc quan ấy đang đứng trước một thách thức không nhỏ. Đó là theo tiến trình hội nhập WTO, năm 2011 chúng ta phải mở cửa thị trường xuất khẩu gạo để các doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp tham gia.

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp này từ nay sẽ không cần phải liên doanh, liên kết với các công ty trong nước mà sẵn sàng vươn dài cánh tay mua gạo trực tiếp từ nông dân. Và biết đâu rồi đây các doanh nghiệp trong nước có thể trở thành người cung cấp lúa gạo cho các đối tác nước ngoài xuất khẩu gạo.

Chuẩn bị cho quá trình mở cửa này, hồi đầu năm nay Chính phủ đã quy định rõ các công ty nước ngoài khi vào kinh doanh gạo tại Việt Nam phải đảm bảo có kho chuyên dùng bảo quản lúa với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn, xây dựng cơ sở lúa gạo có công suất cao và có sự thỏa thuận giá cả bình đẳng trong mua bán.

Nhưng yêu cầu trên đây không có gì khó khăn với doanh nghiệp nước ngoài vì họ có thể vay vốn với lãi suất 4,5%/năm (doanh nghiệp trong nước, nhất là các công ty tư nhân đang khó tiếp xúc nguồn vốn và chịu lãi suất 16%/năm). Họ lại có thị trường ổn định toàn cầu trong khi chúng ta đang loay hoay tính toán lợi hại qua việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống gần gũi.

Điều này khiến ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, một mặt cảnh báo rằng năm 2011 sẽ là năm xuất khẩu gạo đứng trước nhiều thách thức, nhưng đồng thời động viên doanh nghiệp trong nước hãy giữ sự tự tin trong cuộc cạnh tranh này.

Ông nói: “Năm 2010 có đến 264 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu nhưng trong thực tế chỉ có hơn 30 doanh nghiệp thực thụ làm gạo xuất khẩu. Nghị định 109 của Chính phủ về tổ chức kinh doanh xuất khẩu gạo vừa ban hành, có hiệu lực từ 2011 sẽ làm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tập trung, có nguồn lực để có thể cạnh tranh. 

Các doanh nghiệp nhỏ trong thời gian tới có thể trở thành chân rết cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài. Cho nên ngoài việc cung ứng cho các khách hàng truyền thống, khách hàng tập trung, Tổng công ty Lương thực Miền Nam đang hướng tới xây dựng kho dự trữ với trữ lượng một triệu tấn gạo, cũng như sản xuất các loại gạo đem lại giá trị gia tăng.

Hợp đồng do Tổng công ty liên kết với Cục Trồng trọt tạo vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao xuất khẩu đã thực hiện hơn 10.000 hécta, đang mở rộng theo yêu cầu của người làm lúa”.

Nhìn chung thì việc tham gia thị trường xuất khẩu gạo của doanh nghiệp nước ngoài sẽ là một động lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước nếu họ không muốn lợi nhuận thuộc về người khác.

Nhiều năm qua, Hiệp hội Lương thực và các thành viên của họ chỉ sử dụng thương lái làm cánh tay nối dài đến nông dân và xuất khẩu mà không có thương hiệu, không có thị trường ổn định, năm nào  cũng lên kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu, năm nào cũng bàn chuyện giá cả, cũng có nhiều chỉ đạo mang tính đối phó với thị trường.

Rồi đây với sự có mặt của doanh nghiệp nước ngoài, nông dân không còn bị o ép, có quyền chọn lựa và được bảo đảm rằng hạt gạo kết tinh lao động cần cù của mình sẽ được định giá đúng mức, sẽ có nơi “chọn mặt gửi vàng” mà không phải cầu cạnh ai.

Trong chừng mực nào đó sự tham gia xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ kích thích các doanh nghiệp trong nước làm ăn trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, xóa dần tâm lý chụp giật và trên tất cả là tạo cơ hội cho người nông dân đổi đời.

Cho đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm lương thực cả nước, vẫn còn vang vọng điệp khúc “được mùa mà vẫn lo”, có người sạt nghiệp vì cây lúa, nợ nần chồng chất mùa trước vẫn mong chờ hy vọng le lói ở mùa sau.

Đây không chỉ là nỗi đau xót của người nông dân mà còn là nỗi lo triền miên của những nhà làm kế hoạch, mà nguyên nhân chính là chúng ta vẫn chưa hình thành một chiến lược xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn còn dựa vào ưu đãi của thiên nhiên.

Không ai có thể phủ định vị trí cây lúa trong nền kinh tế đất nước và vai trò của nó trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Thế nhưng hạt lúa sẽ mãi là chuyện bận tâm nếu chúng ta chưa có một chiến lược thị trường lâu dài cho nó.

Tuy Việt Nam vẫn còn trong danh sách ba nước đứng đầu về xuất khẩu gạo, nhưng xu hướng thị trường thế giới hiện nay không cho chúng ta sự lạc quan lâu dài. Ngày càng nhiều thị trường đòi hỏi gạo chất lượng cao mà chúng ta thì chỉ sản xuất được gạo chất lượng thấp.

Tham gia vào thị trường rộng mở nhưng do tâm lý tiểu nông còn đè nặng nên chúng ta luôn bị động: ta bán sản phẩm sẵn có chứ không phải bán sản phẩm người khác cần. Về mặt này đối thủ nặng ký của chúng ta là Thái Lan rõ ràng vượt trội, hiếm khi họ bị mất thị trường truyền thống cho nên luôn giữ được kim ngạch cao.

Nhiều năm qua chúng ta đã có chủ trương xây dựng những vùng lúa đặc sản để tăng giá trị xuất khẩu nhưng chưa làm được bao nhiêu, một phần do chưa tìm được thị trường ổn định trong khi chi phí sản xuất loại gạo này khá cao, một phần dưới sức ép của vấn đề an ninh lương thực nên gạo năng suất cao vẫn còn đất đứng.

Với sự xuất hiện của các công ty nước ngoài vào thị trường xuất khẩu gạo, hy vọng những hạn chế này sẽ được khắc phục, tập quán làm ăn của doanh nghiệp trong nước phải thay đổi, không chỉ vì yêu cầu tồn tại mà còn vì vấn đề đạo lý là trả lại sự công bằng cho người nông dân.

Nhà Nông học GS-TS Võ Tòng Xuân:

Theo tôi việc mở cửa thị trường gạo cho các công ty nước ngoài vào tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo trực tiếp tại Việt Nam là có lợi. Các công ty Việt Nam phải sớm từ bỏ cách làm ăn xổi ở thì, chỉ làm hại cho nông dân.

Tổng Công ty Lương thực (Vinafood) cũng như các thành viên thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam không tạo nguồn nguyên liệu của họ mà chỉ sử dụng các thương lái, mà thương lái thì lại ép giá, lợi dụng nông dân. Do đó gạo xuất khẩu bị tạp nham, đủ các loại giống, trộn vào với nhau nên khi xuất thì không có thương hiệu, đồng thời làm cho danh tiếng gạo Việt Nam bị mai một.

Việc các công ty nước ngoài vào sẽ kích thích nhu cầu làm ăn chân chính. Các công ty nước ngoài vào có nghĩa là sẽ giúp cho nhà nông trồng lúa có thị trường ổn định hơn, và khi họ vào thì họ sẽ tổ chức sản xuất, họ có nguồn nguyên liệu của họ. Họ sẽ ký hợp đồng cụ thể với nhà nông để trồng và chế biến một giống chứ không phải nhiều giống và như vậy nhà nông sẽ làm ra loại gạo tốt hơn. Tốt cho nhà nông và giúp cho gạo Việt Nam từ từ có uy tín trên thế giới. Đồng thời cũng tạo ra công bình cho các tỉnh có nông dân trồng lúa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất khẩu gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO