Hội thảo “Xúc tiến nhập khẩu trực tiếp bông Tây Phi”

07/05/2010 09:44

Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 300 ngàn tấn bông để phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may trong nước, chủ yếu từ Ấn Độ, Trung Quốc và châu Phi.

Hội thảo “Xúc tiến nhập khẩu trực tiếp bông Tây Phi”

Hiện nay, việc nhập khẩu bông của châu Phi phần lớn phải thông qua khâu trung gian, gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp 2 bên.

Thu hoạch bông

Hội thảo “Xúc tiến nhập khẩu trực tiếp bông Tây Phi” do Trung tâm thương mại quốc tế ITC phối hợp với Hiệp hội dệt may Việt Nam và Hiệp hội Sợi Việt Nam tổ chức hôm 6/5 tại Hà Nội là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các doanh nghiệp bông uy tín của Tây Phi, với chất lượng hàng hóa cao, giá cả hợp lý và khả năng cung cấp ổn định.

Đối với ngành dệt may, bông là nguyên liệu đầu vào của chuỗi sản xuất liên hoàn từ sản xuất bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải để phục vụ cho sản xuất các sản phẩm may mặc hoàn chỉnh. 

Mặc dù Việt Nam đã hình thành được một số vùng trồng bông chuyên canh với năng suất, diện tích và sản lượng tương đối khá như tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hàng năm, ngành dệt may Việt Nam vẫn phải chủ yếu dựa vào bông nhập khẩu từ nước ngoài.

Tính trung bình, bông nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới 80% giá trị sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2009, Việt Nam nhập khẩu 90,2 triệu USD từ các nước châu Phi, trong đó, 58% là nhập khẩu từ các nước Trung và Tây Phi. Tuy nhiên, hiện nay, việc nhập khẩu bông của châu Phi phần lớn phải thông qua khâu trung gian, gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp 2 bên. 

Theo ông Lê Quốc Ân- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc ITC tổ chức Đoàn các nhà sản xuất và xuất khẩu bông châu Phi sang Việt Nam có ý nghĩa thiết thực tạo ra kênh liên hệ trực tiếp giữa DN Việt Nam với các đối tác khu vực này. Như vậy, có thể giảm được các chi phí nguyên liệu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo sự phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện nay, việc hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác châu Phi còn nhiều khó khăn, do cả 2 bên đều đang trong giai đoạn phát triển thấp, thiếu vốn và công nghệ. Thêm vào đó, sự hiểu biết lẫn nhau cũng còn hạn chế, đặc biệt là các vấn đề về kinh tế, hệ thống thanh toán, tập quán kinh doanh, nhu cầu và khả năng trong từng lĩnh vực cụ thể… 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải- cho biết, mặc dù cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng Việt Nam và các nước châu Phi từ lâu đã có quan hệ tốt đẹp. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với châu Phi nói chung, các nước Trung và Tây Phi nói riêng đã có bước phát triển khá.

Trong năm 2009, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam với châu Phi đạt trên 2 tỷ USD. Thứ trưởng khẳng định, hội thảo đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp 2 bên xích lại gần nhau; đồng thời, các nhà quản lý cũng tìm ra giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại, qua đó giúp đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại đầu tư giữa các nước châu Phi và Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội thảo “Xúc tiến nhập khẩu trực tiếp bông Tây Phi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO