Học gì về cách xúc tiến thương mại của Đài Loan?

HẢI VÂN| 07/07/2017 08:33

Kinh phí dành cho Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,003% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 1/30 so với bình quân thế giới và 1/10 so với Thái Lan.

Học gì về cách xúc tiến thương mại của Đài Loan?

Mong muốn giành thị phần lớn hơn tại thị trường Việt Nam, trong chiến dịch Taiwan Excellence, 66 thương hiệu mạnh của Đài Loan, như Acer, ASUS, CAESAR, FECA, JOHNSON, MiaCare, Transcend... đã đưa đến Hà Nội và TP.HCM nhiều sản phẩm công nghệ thông tin, hàng gia dụng, dụng cụ thể thao, thiết bị chăm sóc sức khỏe và phương tiện di chuyển.

Đọc E-paper

Chiến dịch Taiwan Excellence được Cục Mậu dịch Quốc tế (BOFT) thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan tài trợ cùng sự hậu thuẫn của Hiệp hội Phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA), Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, sau 8 lần thực hiện, đã khẳng định đây là cách xúc tiến thương mại hiệu quả.

Taiwan Excellence là biểu tượng Đài Loan sử dụng để vinh danh những sản phẩm sáng tạo vượt trội. Mọi sản phẩm được dán biểu tượng này đều đã đoạt giải thưởng Taiwan Excellence dựa trên các lĩnh vực thiết kế, chất lượng, tiếp thị, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, được Cục Thương mại Đài Loan giới thiệu lần đầu vào năm 1992.

BOFT là cơ quan phụ trách thi hành các chính sách và quy định liên quan đến ngoại thương và hợp tác kinh tế. Vai trò của BOFT được điều chỉnh thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của môi trường thương mại thế giới. BOFT đã tin tưởng ủy nhiệm TAITRA nhiều chương trình quan trọng của chính phủ liên quan đến kinh doanh, thương mại và đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh Đài Loan trên toàn cầu.

TAITRA là một tổ chức bán chính phủ phát triển ngoại thương phi lợi nhuận đầu tiên tại Đài Loan, thành lập từ 1970. TAITRA hoạt động từ tài trợ của chính phủ, các hiệp hội kinh doanh cùng nhiều tổ chức thương mại, từ đó hỗ trợ các nhà sản xuất Đài Loan nâng cao tính cạnh tranh quốc tế. Hiện TAITRA sở hữu mạng lưới thông tin và phát triển kinh doanh của 1.200 chuyên gia tiếp thị quốc tế làm việc tại trụ sở ở Đài Bắc và 50 văn phòng đại diện trên thế giới, đã đem lại rất nhiều cơ hội kinh doanh qua quảng bá thương hiệu hiệu quả.

>>Kinh nghiệm thoát gia công của Đài Loan

Việt Nam có thể học hỏi mô hình xúc tiến thương mại của Đài Loan. Về khía cạnh biểu tượng, Việt Nam đã có "Hàng Việt Nam chất lượng cao" từ 20 năm qua. Nhiều doanh nghiệp đạt danh hiệu này mà không tốn tiền quảng cáo, tiếp thị. Tuy nhiên, sức sống của chương trình này đã phần nào mai một khi thiếu vắng những người tâm huyết và sáng tạo.

Việt Nam cũng đã có mô hình tương tự TAITRA của Đài Loan, đó là Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) - một định chế hỗ trợ doanh nghiệp phi lợi nhuận do các doanh nghiệp tự tổ chức và quản lý. Với khát vọng đưa hàng Việt vươn xa, BSA giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, huấn luyện kỹ năng bán hàng. Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn hay ra ngoài biên giới Việt Nam do BSA tổ chức đã giúp không ít doanh nghiệp mở rộng thị trường, củng cố hệ thống phân phối và đưa hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.

Xuất khẩu sản phẩm không đơn giản chỉ là bán hàng mà còn mở rộng thị trường. Năng lực sáng tạo và tâm huyết của BSA và cá nhân giám đốc - bà Vũ Kim Hạnh được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Song với nguồn lực hạn chế, BSA rất khó thực hiện ước mơ "đưa hàng Việt vươn xa" trong bối cảnh một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đã và sẽ có hiệu lực từ 2018, trong khi Việt Nam chưa có chiến lược quốc gia bài bản cho xúc tiến thương mại trong và ngoài nước phù hợp với tình hình thực tế và được điều phối bởi Chính phủ, các hiệp hội chưa biết kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, còn doanh nghiệp lại thiếu kế hoạch xúc tiến thương mại, chưa chú trọng nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng hay quảng bá sản phẩm.

Việc đưa hàng ra thị trường trong nước và thế giới không chỉ tạo tiếng vang cho thương hiệu mà còn giúp sản phẩm nước ta cạnh tranh với hàng ngoại. Do đó, Nhà nước giành nguồn lực tài chính đầu tư cho lĩnh vực này là rất quan trọng. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới lại chỉ rõ, kinh phí dành cho Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,003% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 1/30 so với bình quân thế giới và 1/10 so với Thái Lan.

>>Quan hệ Đài Loan - Đại lục: Đối tác hay đối thủ?

Nông sản, đồ gỗ, hàng dệt may là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam rất cần xúc tiến thương mại, nhưng trong chương trình xúc tiến thương mại năm 2016, Bộ Công Thương lại chỉ đạo tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành hàng công nghiệp hỗ trợ, phần mềm, cơ khí... - những ngành không phải là thế mạnh, thậm chí còn rất hạn chế như công nghiệp hỗ trợ.

Những hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia của chương trình này nhằm đưa hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị tại Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, dù chưa có báo cáo cụ thể của Bộ Công Thương song nếu nhìn vào thực tế, hiệu quả là không đáng kể.

Hiệu quả càng thấp hơn khi Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia vẫn thực hiện bằng cách làm cũ, tốn kém và không hiệu quả, trong bối cảnh những người làm xúc tiến thiếu cả nhiệt huyết lẫn sự sáng tạo.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, tại các hội nghị liên quan đến xúc tiến thương mại đều nói "phải thay đổi tư duy về xúc tiến thương mại" nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể.

Nhu cầu xúc tiến thương mại của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhưng do yếu về tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm nên chưa mở rộng được và kết quả chưa cao. Vì thế, chưa nói đến giành thị phần ở các thị trường Việt Nam đã ký FTA, nguy cơ hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam bị lép vế trên "sân nhà" bây giờ đã lớn hơn sự cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học gì về cách xúc tiến thương mại của Đài Loan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO