“Hóa giải” 3 mối lo của xuất nhập khẩu khi VND mất giá

TS. PHAN MINH NGỌC| 19/08/2015 08:17

So với các bản tệ khác, mức mất giá VND 5% xem ra vẫn chưa thấm gì, nhưng việc phá giá VND là có lợi cho xuất khẩu.

“Hóa giải” 3 mối lo của xuất nhập khẩu khi VND mất giá

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại có thêm một bước đi quyết đoán nữa khi bất ngờ tăng cả tỷ giá bình quân liên ngân hàng lẫn nới biên độ biến động tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1 điểm phần trăm nữa, chính thức cho phép VND mất giá thêm 2% từ mức trần của đợt điều chỉnh tuần trước là 22.106 VND/USD.

Tính từ đầu năm đến thời điểm điều chỉnh tỷ giá tuần trước của NHNN thì VND đã được cho phép yếu đi ít nhất là 3 điểm phần trăm. Và đợt phá giá VND ngày 19/8 của NHNN đã cho phép VND mất giá thêm tới 2 điểm phần trăm nữa. Dù rằng, so với mức mất giá của các bản tệ khác từ năm ngoái đến nay, mức mất giá VND 5% xem ra vẫn chưa thấm gì, nhưng rõ ràng là việc phá giá VND là có lợi cho xuất khẩu.

Có luồng ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế gia công, phải nhập nhiều nguyên vật liệu (tính bằng USD) nên khi VND mất giá sẽ làm cho giá nhập khẩu đầu vào tính ra VND đắt đỏ hơn, làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sàn phẩm. Do đó, phá giá VND không giúp ích gì nhiều cho các doanh nghiệp nhập khẩu, thậm chí còn gây hại.

Tuy nhiên, dù cho có nhập khẩu đại bộ phận nguyên vật liệu dùng trong sản xuất thì chi phí nhập khẩu chỉ tăng lên khi quy ra VND và khi VND mất giá, chứ chi phí nhập khẩu là không đổi nếu tính bằng USD.

Ví dụ, doanh nghiệp gia công phải nhập khẩu 90 USD để sản xuất một cái áo khoác có giá thành 100 USD và giá bán là 110 USD. Khi VND bị mất giá 5% (giả sử từ 21.000 VND/USD lên 22.050 VND/USD) thì đúng là chi phi nhập khẩu nguyên liệu sẽ tăng lên tương ứng 5% nếu tính theo VND, từ 1,89 triệu VND lên 1,985 triệu VND (tăng 95 nghìn VND). Nhưng nếu tính bằng USD thì giá trị nhập khẩu này vẫn chỉ là 90 USD, không thay đổi, và giá xuất khẩu vẫn là 110 USD, không thay đổi.

Tương tự, doanh thu của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên tương ứng (5%) nếu tính theo VND, vì khi xuất khẩu, doanh nghiệp thu về USD.

Cũng có lo ngại rằng khi VND bị mất giá thì tuy doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có lợi nhưng các bạn hàng nhập khẩu sẽ nhanh chóng ép phía Việt Nam phải hạ giá bán cho họ để cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá. Điều này có thể xảy ra trên thực tế, tuy nhiên thông thường mức hạ giá của Việt Nam không bao giờ đúng bằng mức mất giá của VND mà thường nhỏ hơn. Tức, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể hưởng ít lợi hơn chứ không mất hoàn toàn.

Chưa kể, dù có phải hạ giá bán để chia sẻ mối lợi với đối tác thì doanh nghiệp Việt Nam không chỉ vẫn được hưởng lợi trực tiếp như nói ở trên, mà còn được hưởng những mối lợi gián tiếp, như nhờ có điều kiện hạ được giá bán cho đối tác nên đối tác có thể mua thêm với số lượng lớn hơn (nhu cầu tăng khi giá giảm). Kéo theo, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lại có thể cắt giảm thêm chí phí sản xuất và giảm thêm nữa giá thành, nhờ kinh tế quy mô (quy mô lớn hơn thì chi phí sản xuất cho một sản phẩm sẽ giảm đi). Từ đó, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu còn được cải thiện hơn nữa.

Cuối cùng, có mối lo rằng do USD tiếp tục tăng giá và các đồng tiền khác tiếp tục mất giá so với USD nên sẽ gây hại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi vì, khi ấy những nhà mua hàng ở những nước như Nhật Bản, châu Âu,... sẽ giảm bớt lượng đặt hàng do lo sợ càng mua càng lỗ. Theo đó, trong thời gian tới, có khả năng khách hàng sẽ giảm đơn hàng cũng như sản lượng đặt hàng.

Ý kiến trên là đúng, nhưng không liên quan gì đến việc phá giá VND của Việt Nam cả. Dù Việt Nam không phá giá thì việc các đồng tiền của Nhật và Châu Âu vẫn sẽ yếu đi so với USD, nhất là khi FED nâng lãi suất ở Mỹ, và buộc các doanh nghiệp nhập khẩu ở đó phải giảm lượng hàng nhập khẩu, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu (bằng USD) của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Nhưng ngược lại, khi Việt Nam phá giá VND, điều này sẽ hỗ trợ phần nào cho doanh thu và lợi nhuận tính bằng VND của doanh nghiệp xuất khẩu, giúp họ có thêm điều kiện để trụ lại với thị trường. Do đó, phá giá VND trong trường hợp này là tốt hơn so với không phá giá!

>Tiếp tục phá giá VND: Doanh nghiệp cần "vững lòng"

>Tăng biên độ tỷ giá 2%: Doanh nghiệp xuất khẩu được lợi ngay lập tức

>Điều chỉnh tỷ giá và bài toán được - mất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Hóa giải” 3 mối lo của xuất nhập khẩu khi VND mất giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO