Hấp lực 10 tỷ đô và lời hứa môi trường

LỮ Ý NHI| 05/09/2016 06:12

Hậu quả Formosa và tác hại của nó đối với môi trường, sức khỏe người dân vẫn còn đó khiến dự án thép của Hoa Sen đáng ra phải được người dân Ninh Thuận đón nhận trong tâm trạng vui mừng thì ngược lại họ lại tỏ ra âu lo.

Hấp lực 10 tỷ đô và lời hứa môi trường

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận ngày 27/8, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty CP tập đoàn Hoa Sen về đầu tư hàng loạt dự án như đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy nhiệt điện - năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản, vận chuyển, kho bãi, khách sạn du lịch... 

Đọc E-paper

Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có vốn đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD (hơn 230.000 tỷ đồng), công suất 16 triệu tấn/năm.

Đây là một thành công của Ninh Thuận trong mời gọi đầu tư. Ninh Thuận vốn nhiều lợi thế về giao thông, đất đai, khoáng sản, bờ biển dài, có nhiều tiềm năng xây dựng các khu công nghiệp ven biển, cảng nước sâu... nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thu hút được các đầu tư lớn. Thực tế, đến thời điểm này, chỉ số cạnh tranh của Ninh Thuận vẫn đứng thứ 42/63 tỉnh thành trên cả nước, thua xa một số tỉnh trong khu vực.

Ngay cả ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen khi trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ cũng cho rằng: "Ninh Thuận có cảng nước sâu đến 20m, đón được tàu tải trọng 200.000 - 300.000 tấn, giúp cho việc sản xuất quặng sắt giảm được khoảng 5 USD/tấn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá, Ninh Thuận không chỉ là điểm làm thép tốt nhất Việt Nam mà còn tốt nhất Đông Nam Á, thậm chí cả thế giới. Nếu không xây dựng nhà máy thép ở Ninh Thuận thì tỉnh này khó có được ngành công nghiệp nào để đột phá".

Đúng là Việt Nam đang cần phải có một nhà máy sản xuất thép hiện đại, một tổ hợp thép do chính doanh nghiệp Việt Nam làm chủ để bảo đảm nguồn vật liệu cơ bản cho công nghiệp, hạ tầng và sánh cùng các nước bạn. Hơn nữa, không dễ có nhà đầu tư trong nước có nội lực, nói thật, làm thật, dám đầu tư chục tỷ đô la vào lĩnh vực khó khăn, nhất là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư còn đang rất thận trọng.

Vì vậy, có thể xem đây là một hấp lực lớn cho tỉnh Ninh Thuận. Bao năm nay, người dân Ninh Thuận sống bình yên trong bầu không khí và môi trường trong lành, sinh kế dựa trên lợi thế lớn nhất mà thiên nhiên ban tặng, đó là sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, trồng nho... Song, nếu không có những cú đột phá đầu tư về công nghiệp, không có những nhà đầu tư mạnh dạn như Hoa Sen thì lợi thế đó khó mang đến đột phá phát triển.

Tuy nhiên, hậu quả Formosa và tác hại của nó đối với môi trường, sức khỏe của người dân vẫn còn đó khiến dự án thép của Hoa Sen đáng ra phải được người dân đón nhận trong tâm trạng vui mừng thì ngược lại họ lại tỏ ra âu lo nhiều hơn vui sướng.

>>Những lúng túng trong cuộc chơi kinh tế nhìn từ vụ Formosa

Mặc dù chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị rất quyết liệt: "Các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy ven biển, các khu công nghiệp ven biển phải chú ý đến việc xả thải, nếu vi phạm về môi trường phải đóng cửa nhà máy".

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cũng khẳng định: "Sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng với các dự án xây dựng nhà máy, khu công nghiệp ven biển, đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu, sẽ làm chặt chẽ các thủ tục từ ban đầu với tinh thần rút kinh nghiệm từ Formosa. Đặc biệt, khi đi vào thực hiện, các cơ quan chuyên môn sẽ giám sát theo đúng quy định về đầu tư, môi trường".

Ông Lê Phước Vũ cũng cam kết tại hội nghị: "Sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Tuyệt đối không để một giọt nước nào trong dự án ra biển. Nếu xảy ra sự cố môi trường sẽ đóng cửa nhà máy, giao hết tài sản cho Nhà nước. Nếu tôi thất hứa, cứ đưa tôi ra tòa".

Thế nhưng, đâu đó trong lòng của người dân, niềm tin vào "lời hứa của các nhà đầu tư" vẫn còn mong manh. Bởi lời hứa không khó nhưng hành trình dài của một dự án còn liên quan đến rất nhiều yếu tố về môi trường. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, một bánh răng đi trật đường ray thì hậu quả của nó khôn lường, đôi khi tiềm ẩn tác hại đến vài chục năm sau mới lộ diện. Và cuối cùng không ai khác, chính người dân và thế hệ con cháu họ phải gánh chịu.

Trước mắt, vẫn còn không ít nỗi lo về nguồn gốc các thiết bị, chất lượng, tiêu chuẩn... Đặc biệt, việc đầu tư, giám sát không chỉ là trách nhiệm mà còn cần cả kiến thức để thẩm định, đánh giá, cơ chế đảm bảo của cơ quan chức năng song hành với sự tự giác "dài hơi" của nhà đầu tư.

Song, với giấc mơ vươn mình của tỉnh Ninh Thuận cùng việc mở cửa để đón các nhà đầu tư thì lời hứa đầy khẩu khí của Chủ tịch Hoa Sen vẫn đáng ghi nhận.

Chỉ mong lời chỉ đạo của Thủ tướng với các cơ quan chức năng: "Cần quan tâm, kiểm soát ban đầu, lưu ý chặt chẽ về môi trường, không phải xảy ra rồi mới xử lý” sẽ được thực thi nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Phía các nhà đầu tư, đừng để niềm tin của người dân bị đánh cắp thêm một lần nữa.

>>Mỹ: Mô hình thu hút đầu tư của thành phố cảng Charleston

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hấp lực 10 tỷ đô và lời hứa môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO