Hàn Quốc có thể dẫn đầu FDI tại Việt Nam

VÂN KHÁNH| 21/10/2016 01:36

Các chuyên gia kinh tế đã dự báo khả năng bứt phá của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Hàn Quốc có thể dẫn đầu FDI tại Việt Nam

Từ năm 2013, khi Hàn Quốc xếp thứ 3 sau Nhật Bản và Singapore về tổng vốn FDI vào Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đã dự báo khả năng bứt phá của doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Đọc E-paper

Ông Kwon YoungJin - thị trưởng thành phố Daegu (Hàn Quốc) cho biết, khi hỏi các DN Daegu là cần mở văn phòng đại diện Daegu ở đâu để hỗ trợ cho đầu tư ở nước ngoài, câu trả lời ông nhận được là TP.HCM, Việt Nam và Thượng Hải, Trung Quốc.

Vẫn ưu tiên chọn Việt Nam

Để đáp ứng yêu cầu này của DN, Văn phòng Đại diện thành phố Daegu đã được khai trương tại TP.HCM vào ngày 10/10/2016. Ông thị trưởng cũng mong muốn Ngân hàng Daegu nhanh chóng nhận được giấy phép mở chi nhánh tại TP.HCM và đường bay TP.HCM - Daegu sớm thiết lập để hỗ trợ các DN Daegu đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2014, Hàn Quốc dẫn đầu FDI tại Việt Nam với số tổng vốn đầu tư 7,7 tỷ USD, chiếm 35,1% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam. Vị trí này được duy trì trong năm 2015 và trong 9 tháng đầu năm 2016, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu, chiếm 34% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Singapore đứng thứ 2 và Nhật Bản đứng thứ 3 (10,3% tổng vốn đầu tư).

Lũy kế đến tháng 8/2016, Hàn Quốc có khoảng 5.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 50 tỷ USD, đứng đầu trong 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Có vẻ các nhà đầu tư Hàn Quốc quyết tâm giữ vững vị trí hàng đầu này, nên chiến lược đầu tư ra nước ngoài của họ có thay đổi. Đầu năm 2016, Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong, thì bây giờ đã lên vị trí thứ 3.

Theo ông Kwon YoungJin, Chính phủ Hàn Quốc xác định Đông Nam Á là thị trường tiềm năng và khuyến khích các DN Hàn Quốc xem Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược.

Bên cạnh những lý do như Việt Nam ổn định chính trị, có vị trí địa lý thuận lợi, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư tương đối cạnh tranh, Hàn Quốc nhìn thấy thế chiến lược của Việt Nam trong thương mại quốc tế khi đã có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực, như thế các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tận dụng được lợi thế thị trường "gốc" ở Việt Nam để lan tỏa hàng hóa ra toàn Đông Nam Á và thế giới.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Bám đuổi nhau vị trí dẫn đầu, các nhà đầu tư Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều có những đóng góp đáng kể tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam. Nhưng có thể thấy nhận định của các DN Hàn Quốc về điều kiện, môi trường đầu tư ở Việt Nam đã khác so 10 năm trước.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc tạo ra mạng lưới DN hỗ trợ là các công ty nước ngoài vốn đã là nhà cung ứng của họ (đa số là công ty Hàn Quốc). Các dự án đầu tư có sức ảnh hưởng lớn với vốn cam kết lên đến hàng tỷ đô la Mỹ như của Tập đoàn Samsung, LG... đã kéo theo nhiều nhà cung cấp phụ tùng Hàn Quốc đi cùng với quy mô đầu tư lớn không kém, làm tăng nhanh tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Điển hình như ngay từ năm 2012, khi đầu tư vào Bắc Ninh, Samsung đã kéo theo khoảng 60 DN Hàn Quốc cung ứng linh kiện vào Việt Nam.

Theo ông Han Myoungsup - TGĐ Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam, đến tháng 6/2016, Việt Nam đã có 12 nhà cung ứng cấp 1 và 178 nhà cung ứng cấp 2 tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, nhưng hầu hết cung cấp bao bì và in ấn.

Về nhân lực, Hàn Quốc đã có thay đổi cách nghĩ, thay vì xem chi phí nhân công rẻ là ưu thế cạnh tranh thì giờ họ mong muốn kỹ năng, chất xám của người làm việc.

Các DN Hàn Quốc tỏ ra nhạy bén, linh hoạt khi trong Diễn đàn Doanh nghiệp TP.HCM - thành phố Daegu vào ngày 11/10 vừa qua, đã đề xuất Chính phủ Việt Nam nói chung và chính quyền TP.HCM nói riêng thống kê số người Việt Nam biết tiếng Hàn, nhất là số lao động Việt Nam đã từng sang làm việc trong các DN tại Hàn Quốc.

Theo họ, đây là những lao động có kỹ năng, có chuyên môn và dễ giao tiếp, có thể vào việc ngay, nhà đầu tư không phải mất nhiều thời gian hướng dẫn. Đây có thể xem là cơ hội cho những lao động từ Hàn Quốc trở về, vấn đề đặt ra là mức lương hợp lý. Chính quyền Thành phố ghi nhận đề xuất trên và sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Nếu như trước đây, DN Hàn Quốc chú tâm nhiều vào công nghiệp chế biến, chế tạo, thì gần đây họ nghiên cứu khá kỹ và bám sát những dự án mời gọi đầu tư ở các địa phương Việt Nam vào các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng, xây dựng, bất động sản, bán lẻ.

Các DN Daegu đã lên tiếng với lãnh đạo TP.HCM sẵn sàng hợp tác đào tạo về kỹ thuật thiết kế ngành may mặc để nâng cao lĩnh vực thời trang cho DN Việt Nam, đồng thời mong muốn liên kết với DN TP.HCM sản xuất vải phục vụ các ngành công nghiệp khác chứ không tập trung vào hàng may mặc xuất khẩu.

Còn về xây dựng và bất động sản, các DN Hàn Quốc một mặt quan tâm đến quy hoạch những khu đô thị mới, mặt khác cũng chú ý vào đề án đầu tư cải tạo hoặc xây lại 400 chung cư cũ ở TP.HCM.

Không chỉ trực tiếp đầu tư vào những dự án 100% vốn FDI, các DN Hàn Quốc cũng tích cực tìm kiếm những DN tiềm năng của Việt Nam để hợp tác sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Mới đây nhất có thể kể Công ty TNHH Thực phẩm Poong Kuk đã ký ghi nhớ với Công ty CP Thực phẩm Bích Chi sản xuất bánh tráng, Công ty FressBell với Công ty VietKo sản xuất đồ uống, Công ty TNHH IDEA Group Communications với Công ty Bất động sản và Du lịch Hoàng Gia trong lĩnh vực truyền thông, Công ty Kiwon Tech kết nối với Công viên Phần mềm Quang Trung về lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo mật mạng, Công ty Nam Long và Công ty Dsan Network mong muốn sớm tìm được tiếng nói chung về giải pháp mạng, hợp đồng hợp tác đã được ký giữa Công ty Ricco Papa và Công ty TNHH Món Ngon Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng.

Những khác biệt trên đáng để các bộ, ngành và các địa phương xem xét để định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

>Thu hút đầu tư nước ngoài: Tránh "vết xe đổ" Formosa

>Xe hơi giá rẻ sẽ ồ ạt vào Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàn Quốc có thể dẫn đầu FDI tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO