Gian nan phục hồi kinh tế vùng trọng điểm phía Nam

Phan Thế Hải| 20/09/2021 08:27

Giãn cách xã hội kéo dài đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phục hồi sẽ rất gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía.

Gian nan phục hồi kinh tế vùng trọng điểm phía Nam

Cùng với việc tích cực tiêm chủng, Chính phủ đã chủ trương chuyển từ mục tiêu “Zero Covid” sang mục tiêu “Sống chung với Covid” và từng bước nới lỏng lệnh giãn cách để cứu nền kinh tế.

Mới đây, 14 Hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam, đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ Đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam đã kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Giãn cách, phong toả diện rộng và kéo dài khiến các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể tiếp tục kéo dài. 

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP.HCM tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Khoảng 18% DN EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.

Cùng với các tiếp cận chống dịch linh hoạt mới, thì yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách để đảm bảo cả ba trụ cột: y tế, kinh tế, xã hội như “kiềng 3 chân”. Cộng đồng DN bày tỏ sự đồng thuận với Thủ tướng Chính Phủ, tại cuộc họp ngày 29/8/2021, đã xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Điều này phù hợp với quan điểm của WHO nêu ngày 7/9/2021 và quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Để thực hiện được yêu cầu cấp bách lúc này, các Hiệp hội DN sau khi trao đổi nhiều lần với các DN thành viên và chuyên gia đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới” thống nhất quản lý trên toàn quốc, để vừa từng bước phù hợp phục hồi kinh tế, với hàng loạt các đề xuất ở tất cả các khâu gồm: Thống nhất quản lý toàn quốc cho đến quản lý dịch bệnh theo điểm. Cùng với đó là trao nhiều quyền chủ động hơn cho DN trong việc tự quản việc cách ly và phòng chống dịch bệnh.

Ông Phan Văn Tùng - Giám đốc Vận hành Chuỗi bán lẻ của Pharmacity cho biết: với ngành dược, là ngành hàng thiết yếu thời dịch bệnh hệ thống tiêu thụ vẫn hoạt động tốt nhưng sự tiêu thụ tốt của ngành thuốc cũng là tín hiệu xấu của tình trạng sức khỏe của người dân. Điều đáng nói là sự căng thẳng của giãn cách xã hội kéo dài khiến người lao động ngoại tỉnh kéo nhau về quê và chưa hẹn ngày trở lại.

Hầu hết các DN, kể cả sản xuất lẫn dịch vụ đều phụ thuộc vào nguồn nhân lực từ các tỉnh. Trong đại dịch Covid-19, nhiều người rời TP về quê, đã tìm kiếm được công việc khác hoặc vì nhiều lý do mà không muốn quay lại, để DN hoạt động trở lại phải tiến hành tuyển dụng nhân công mới.

Ông Phan Đăng Chương - CEO Công ty Găng tay Việt cho biết, giãn cách xã hội khiến DN phải ngừng sản xuất, các đơn hàng đã ký với khách hàng nước ngoài đành lỡ hẹn. Sự gián đoạn sản xuất khiến công nhân về quê, cùng với đó dịch vụ logistics gián đoạn, cung ứng nguyên liệu đứt quãng, việc khởi động trở lại cần phải có thời gian.

Các DN hoạt động sản xuất khác cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là đảm bảo nguồn nhân lực và nguyên liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

“Chính sách hỗ trợ lãi suất giúp cho Găng tay Việt được miễn một tháng lãi suất nhưng các nghĩa vụ khác thì vẫn còn nguyên. Việc cho phép doanh nghiệp được vận dụng linh hoạt, chủ động trong tổ chức thực hiện các phương án sản xuất là yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất”, ông Chương nhấn mạnh. 

Trong khi đó, ông Trần Mạnh Hùng - CEO Mường Thanh Hotel cho biết, giãn cách xã hội và thực hiện nghiêm ngặt chế độ 5K khiến cách khách sạn không có nguồn khách. Khách sạn đóng cửa từ 1/8, phần lớn nhân viên nghỉ việc, chỉ duy trì bộ phận phục vụ công tác thiện nguyện. Hiện tại lệnh giãn cách được nới lỏng nhưng du khách quốc tế vẫn chưa quay trở lại, du khách trong nước ít di chuyển nên các khách sạn đều chưa có kế hoạch mở cửa trở lại. 

Theo ông Hùng, với thực trạng hiện nay, thị trường trong những tháng cuối năm không mấy lạc quan.

TS. Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế cho rằng, để nền kinh tế hoạt động trở lại cần phải có thời gian, hơn thế là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành để khôi phục hệ thống dịch vụ và phục hồi sản xuất. Bất cứ một sự đứt gãy nào đều ảnh hưởng đến đời sống của các DN.

Để phục hồi được như trước khi xảy ra đại dịch còn rất nhiều gian nan, không chỉ cần có thời gian mà hơn thế là cần sự đồng bộ của các cấp chính quyền và cả cộng đồng DN, người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gian nan phục hồi kinh tế vùng trọng điểm phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO