Gia tộc 14 đời làm chũm chọe

24/06/2012 06:33

Hiện công ty của gia tộc Zildjian đang kiểm soát tới 65% thị trường chũm choẹ toàn cầu và đạt doanh thu hơn 50 triệu USD vào năm 2011.

Gia tộc 14 đời làm chũm chọe

Vào năm 1623, Avedis Zildjian đã thành lập công ty chuyên về sản xuất chũm choẹ tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Từ đó đến nay, việc kinh doanh của Avedis Zildjian phất nhanh như diều gặp gió, tài sản tích lũy ngày càng nhiều, và tiếng tăm của hàng hoá đã lan sang nhiều vùng đất khác trên thế giới.

Công ty gia tộc

Ông tổ Avedis Zildjian, một di dân Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, người đặt nền móng cho sự giàu có đã tồn tại 14 đời

Cách đây gần 400 năm, chính xác là vào năm 1623, ông Avedis Zildjian đã thành lập một công ty chuyên sản xuất chũm choẹ (một loại nhạc cụ) tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Việc kinh doanh của Avedis Zildjian nhanh chóng phất lên như diều gặp gió, tài sản tích lũy ngày càng nhiều và tiếng tăm của hàng hoá không chỉ gói gọn trong lòng đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mà còn lan sang nhiều vùng đất khác trên thế giới.

Thế hệ thứ 14 hiện nay của gia tộc này là bà Craigie Zildjian cùng với người em gái Debbie. Công ty của gia tộc Zildjian đã vươn chi nhánh sang tận nước Mỹ xa xôi, và sinh tồn mạnh mẽ ngay cả trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất như đại suy thoái và hai cuộc Đại chiến Thế giới I và II.

Ngày nay, công ty của gia tộc Zildjian đang kiểm soát tới 65% thị trường chũm choẹ toàn cầu và đạt doanh thu hơn 50 triệu USD vào năm 2011.

Người ta đã ví, việc đi bộ xuyên qua những hành lang nhà xưởng của nhà máy Zildjian toạ lạc tại Norwell (tiểu bang Massachusetts, Mỹ) giống như đang quay trở về một thời kỳ lịch sử của âm nhạc.

Đặt chân đến nhà máy độc đáo nhất thế giới này, bạn sẽ tận mắt nhìn thấy hằng hà sa số những bức ảnh của các tay trống nổi tiếng như Ringo Starr và Roy Haynes.

Những tay chơi trống sành sỏi khắp nước Mỹ và thế giới đã lũ lượt kéo tới Zildjian để được tận tay kiểm tra những cái chũm chọe mới nhất. Tại đây còn có một căn phòng được thiết kế để có thể trình diễn tất cả buổi biểu diễn âm nhạc như bất kỳ sân khấu nào khác trên đất Mỹ.

Thế nhưng một điều không phải ai cũng giải đáp được là tại sao nhạc sĩ thì luôn thay đổi, ca sĩ sớm nở tối tàn và ai dù nổi tiếng lắm cũng chỉ có một thời chứ không truyền đến thế hệ con cháu, cũng như ngành công nghiệp âm nhạc luôn có những ông chủ mới, những xu hướng biểu diễn mới, còn công ty của gia tộc Zildjian đã kinh doanh thành công đến 4 thế kỷ. Bí quyết làm ăn của gia tộc này nằm ở đâu?

Bảo mật và tôn trọng quy tắc gia đình

Hai chị em Craigie và Debbie Zildjian là thế hệ thứ 14 của công ty gia tộc Zildjian

Đầu tiên phải nói đến chính là quy trình kinh doanh của gia tộc Zildjian được bảo vệ kín như “đóng hộp”, đó là những bí mật không dễ tiết lộ.

Theo đó, những thế hệ trong gia tộc đã chỉ đạo cho các công nhân thu thập những nguồn nguyên liệu thượng hạng nhất bao gồm đồng, thiếc và bạc, làm nên những chiếc chũm chọe tuyệt hảo nhất mà mỗi khi đánh lên sẽ phát ra những âm thanh làm sôi động cả thế giới, cũng như những tay trống sành sỏi nhất một khi sử dụng chũm chọe của gia tộc Zildjian sẽ không còn phải áy náy về chất lượng nhạc cụ nữa.

Công thức để chế tạo nên những cái chũm choẹ ấy được ông tổ Avedis Zildjian giữ độc quyền khi đem từ quê hương Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một bí quyết chỉ được phép lưu truyền cho các thành viên trong huyết tộc Zildjian mà thôi, hoàn toàn không có người ngoài.

Tại nhà máy chế tạo chũm choẹ của gia tộc Zildjian ở Norwell, có một căn phòng đặc biệt mà chỉ một số rất ít người được phép bước vào, đó là những thành viên tinh hoa nhất trong gia tộc. Ngay cả người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty cũng không biết rõ về công thức tổng hợp để chế tác sản phẩm.

Hai chị em Craigie và Debbie cũng bị cho là không đáng tin cậy cho đến năm họ trên dưới 30 tuổi, sau khi đã cam kết sẽ tuyệt đối giữ bí mật cho công ty. Và, cũng như các bậc tiền nhân, hai chị em quyết định không cho con gái của mình biết bí mật này.

Mỗi người trong gia tộc Zildjian, nếu muốn tham gia vào việc kinh doanh của gia đình thì bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp đại học, đặc biệt ưu tiên cho những trường đại học về quản trị kinh doanh.

Họ cũng phải tự mình thực tập kinh doanh trong lúc còn đang học ở các trường trung học hoặc đại học để dần làm quen với các tiêu chuẩn của công ty.

Theo quan điểm của hai chị em Craigie và Debbie, ngay cả khi đã tốt nghiệp cũng đừng mong sẽ được chính thức nhận vào làm việc ngay trong công ty của gia tộc.

Một quy tắc khác là người đứng đầu công ty của gia tộc Zildjian sẽ để ý đến những thành viên con cháu có kinh nghiệm kha khá sau khi đã làm việc đâu đó ở bên ngoài gia tộc.

Thậm chí một khi may mắn được làm việc trong công ty như Cady – con gái của bà Debbie – thì bắt buộc phải đảm bảo rằng bí mật làm ăn của gia đình không được tiết lộ cho người ngoài, mà nói theo bà Craigie thì quy tắc đó nhấn mạnh rằng việc ai người đó làm, còn nếu không đồng ý thì có thể bước ra ngoài.

Một quy tắc khác cũng được nhấn mạnh trong chuyện gia đình của gia tộc Zildjian là “không cho chồng tham gia vào việc kinh doanh của gia đình khi vợ làm chủ”. Bà Craigie tỏ ý bông đùa nhưng nghiêm khắc nhìn nhận: “Chúng tôi không khuyến khích con gái quan hệ với các nhạc sĩ, đặc biệt là với các tay trống”. Chuyện nội bộ gia đình được giữ kín tối đa. 

Đón đầu và giữ bản sắc

Các sản phẩm chũm choẹ lừng danh thế giới của gia tộc Zildjian

Hiện đang có hơn 20 triệu hộ gia đình đang kinh doanh tại Mỹ, hàng năm đóng góp khoảng 5,9 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và sử dụng hơn ½ lao động trong nước.

Trên phạm vi toàn cầu, kinh doanh hộ gia đình là một thực thể khá phổ biến và đóng góp khoảng 70% GDP toàn cầu, theo số liệu của Viện nghiên cứu công ty gia đình (FFI).

Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận rằng, rất ít hộ gia đình kinh doanh nào có thể trụ vững hơn 3 thế hệ.

Gia tộc Zildjian lại là trường hợp cá biệt và có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới khi đã làm kinh doanh thành công đến… 14 thế hệ.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư John Davis đến từ Trường kinh doanh Harvard nhận định: “Chỉ có khoảng 16% các công ty hoạt động trọn vẹn trong một thế hệ. Phần lớn các công ty có một sự khởi đầu tốt nhưng tính bền vững lại không dài. Và các công ty gia đình thường hiếm khi tồn tại qua thế hệ đầu”.

“Chúng tôi không những chú trọng đến vấn đề lợi nhuận mà còn quan tâm đến uy tín kinh doanh và bản sắc văn hoá”, bà Debbie nói.

Gần đây, khi mà các nhạc cụ điện tử đang lấn sân nhạc cụ cổ truyền, gia tộc Zildjian không hề nao núng. Hai chị em nhà Zildjian cho biết công ty của các bà đang sắp sửa tung ra thị trường một chuỗi nhạc cụ chũm choẹ điện tử, nó sẽ làm thoả mãn tất cả mọi đối tượng khách hàng vừa truyền thống, vừa hiện đại.

Chốt lại sự tăng trưởng của công ty gia tộc, hai chị em nhà Zildjian cùng nói: “Để phát triển qua 14 thế hệ, chúng tôi luôn theo sát thị trường và luôn kịp đón đầu thị trường để vừa vặn đem món ăn tinh thần đến cho mọi người. Tụt hậu là chết. Phát triển nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc của chính mình, đó là kim chỉ nam kinh doanh thành công”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia tộc 14 đời làm chũm chọe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO