Gánh nặng thuế, phí "đè" ô tô Việt Nam

MINH HÀO| 15/05/2018 03:31

Chưa có nước nào mà một chiếc ô tô lại gánh nhiều loại thuế, phí theo kiểu "thuế chồng thuế" như tại Việt Nam. Và cũng vì thuế mà Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có giá bán ô tô cao nhất thế giới.

Gánh nặng thuế, phí

Ảnh: N. LINH

Ô tô là một trong những mặt hàng hiệu lực đánh thuế nhiều nhất Việt Nam. Hiện nay, một chiếc ô tô phải chịu nhiều khoản thuế chính và hàng chục khoản phí các loại.

Trong đó, có thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp trong nước (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe), thuế nhập khẩu nguyên chiếc do doanh nghiệp nhập khẩu đóng (tính vào giá xe) ở mức 50 - 150% tùy loại, thuế tiêu thụ đặc biệt: 40 - 60% tùy dung tích xe, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22% (tính vào giá xe).

Link bài viết

Hiện tại, xe trong nội khối ASEAN mà cụ thể là xe có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia... đã "thoát" thuế nhập khẩu nhưng xe xuất xứ châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật... vẫn phải đóng khoản thuế này.

Bên cạnh thuế, để có thể lưu thông trên đường, chủ sở hữu xe phải hoàn thành 10 loại phí khác nữa. Cụ thể là phí trước bạ 10 - 15% tùy tỉnh - thành, phí cấp biển số, phí đăng kiểm từ 240.000 - 560.000 đồng/lần kiểm định, phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật 50.000 - 100.000 đồng/lần cấp, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất, phí xăng dầu, phí thử nghiệm khí thải, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, phí cấp giấy chứng nhận nhãn năng lượng, phí đường bộ. Trong đó, phí bảo trì đường bộ đóng 2 lần, thu qua phương tiện và thu qua trạm BOT.

Một chiếc ô tô lăn bánh trên đường phải gánh hàng chục loại thuế, phí

Một chiếc ô tô lăn bánh trên đường phải gánh hàng chục loại thuế, phí. Ảnh: N.LINH

Việt Nam được xếp vào danh sách những nước có giá bán ô tô cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân khiến xe hơi ở Việt Nam đắt đỏ vì phải cõng quá nhiều loại thuế, phí mà theo tính toán, trong cơ cấu giá bán xe thì chiếm đến trên 50% là các loại thuế, phí phải nộp. Hiện nay, thuế nhập khẩu trong nội khối ASEAN đã về mức 0% nhưng giá xe bán tại Việt Nam vẫn chưa thể xuống thấp như mong muốn của đa số người tiêu dùng.

Đã gánh gồng bao nhiêu loại thuế, phí như vậy nhưng tới đây, có thể ô tô tại Việt Nam lại phải gánh thêm thuế tài sản. Trong dự thảo Luật Thuế tài sản Bộ Tài chính đề xuất đánh thuê tài sản với ô tô trị giá từ 1,5 tỷ đồng với mức thế 0,3% hoặc 0,4%.

Các chuyên gia cho rằng, đề xuất đánh thuế tài sản với ô tô trên 1,5 tỷ đồng là chưa hợp lý, bất công với người tiêu dùng Việt Nam bởi hiện nay ô tô Việt Nam đã cõng quá nhiều thuế và phí, khiến giá xe cao hơn hầu hết các nước trong khu vực và gấp 3 lần tại Mỹ.

Theo các công ty kinh doanh ô tô, việc đánh thuế tài sản sẽ tác động rất lớn đến thị trường ô tô và dĩ nhiên, người tiêu dùng sẽ là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất. Ở góc độ kinh doanh, đánh thuế tài sản ô tô thì ô tô nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là xe sang hầu hết đều có giá trị cao hơn mức 1,5 tỷ đồng. Nghị định 116 đang siết ô tô nhập khẩu khiến xe sang khó về Việt Nam và nay nếu tiếp tục đánh thuế tài sản có thể sẽ khiến xe sang, nhập khẩu càng khó có đất sống ở Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, khi chi phí để sở hữu một chiếc xe quá nhiều đồng nghĩa với khả năng nhu cầu thị trường sẽ giảm. Đã vậy, các chính sách liên tục thay đổi cũng tác động không ít đến chiến lược của doanh nghiệp và sức mua của thị trường.

Đầu năm 2018, Nghị định 116 quy định về sản xuất kinh doanh ngành ô tô, trong đó có các tiêu chuẩn về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của mẫu xe đã khiến cho xe nhập đứt hàng trong nhiều tháng liền. Các doanh nghiệp lo ngại chưa biết sắp tới thị trường sẽ như thế nào vì có khả năng hàng rào kỹ thuật mới sẽ được dựng lên đối với xe nhập khẩu.

Chia sẻ về vấn đề này trên báo Lao Động mới đây, ông Võ Tuấn Anh - Tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam cho biết, đơn đặt hàng Volkswagen từ khách khá nhiều nhưng xe thì chưa thể về nước vì vướng Nghị định 116. Một số dòng xe đã sắp về vì đã có giấy phép nhưng cũng có dòng chưa biết bao giờ mới có thể "có mặt" tại Việt Nam. Hiện các dòng xe nhập hạng sang chủ yếu có nguồn gốc từ Nhật, Mỹ, Đức và đang chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng với mức từ 40% - 150% tùy theo xy lanh động cơ.

o to xe hoi viet nam doanhnhansaigon

Ảnh: N.LINH

Xu thế phát triển tất yếu trên thế giới gắn bó với giao thông đường bộ và sử dụng phương tiện ô tô là chính. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn trong trạng thái muốn phát triển nhưng bị kìm hãm. Một mặt Nhà nước muốn xây dựng ô tô thành ngành công nghiệp mũi nhọn nhưng mặt khác lại ra những quy định để hạn chế sở hữu phương tiện này nhằm giảm tình trạng kẹt xe.

Chia sẻ tại hội thảo về ngành ô tô cách nay chưa lâu, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Đại diện Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương cho biết, hiện giá ô tô ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới.

So với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, giá ô tô Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều, có những dòng xe cao hơn từ 60 - 80%. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần giảm giá bán, cắt giảm chi phí sản xuất, phát triển công nghiệp phụ trợ, tham gia mạng lưới sản xuất khu vực và thế giới đồng thời với việc tuân thủ các cam kết quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gánh nặng thuế, phí "đè" ô tô Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO