EVFTA: Việt Nam cần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp SME

Tỉnh Châu – Trần Thanh| 01/10/2022 01:00

Sau hai năm kể từ khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đang tiến triển rất tốt nhưng bên cạnh đó, Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA mang lại.

Đó là một trong những đề xuất của phái đòan Liên minh châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam khi tham dự Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU ngày 29/9. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam - EU trong hai năm tăng trưởng 12%

Khi nền kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực của đại dịch và tình hình địa chính trị, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh thương mại giữa Việt Nam và EU. 

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và EU không hề có tính cạnh tranh mà lại bổ sung cho nhau, điều này đã tạo thuận lợi cho thương mại hai chiều giữa hai bên.

Tính từ ngày 1/8/2020 đến 31/7/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 116 tỷ USD, có mức tăng trưởng 12%. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt khoảng 83,5 tỷ USD, mức tăng trưởng là 14,5%. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm dệt may, giày dép, đồ gỗ và các sản phẩm điện tử.

Ngược lại, hàng hóa của EU cũng được đón nhận tại Việt Nam. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU trong hai năm thực thi EVFTA  khoảng 32,5 tỷ USD, với mức tăng trưởng khoảng 6,4%. Điển hình như dược phẩm (tăng 7,6%), gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc (tăng 15,5%), sữa và sản phẩm sữa (tăng 29,1%), chế phẩm thực phẩm khác (tăng 45,3%).

Ngoài ra, EU cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 27,6 tỷ USD, tính riêng 8 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN khi hiện chỉ mới có 4 quốc gia ở châu Á ký Hiệp định EVFTA với EU.

-8808-1664597440.jpg

Các diễn giả tại diễn đàn thương mại VN-EU

Đơn giản thủ tục, nâng cao năng lực để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA

Phát biểu tại diễn dàn, bên cạnh những chuyển dịch tích cực giữa kinh tế VN và EU, các vị đại diện của phái đoàn Liên minh châu Âu than phiền hiện hàng xuất khẩu châu Âu khó vào được thị trường Việt Nam do sự phức tạp về thủ tục giấy tờ, dẫn đến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu không thể tận dụng cơ hội xuất khẩu. Cụ thể, những rào cản về mặt kỹ thuật và thương mại sẽ làm hạn chế mối liên kết về kinh tế và thương mại hai chiều trong dài hạn. Vì vậy, phái đoàn Liên minh châu Âu đề nghị quy trình, thủ tục quản lý nhà nước của Việt Nam cần được đơn giản hóa để hạn chế thâm hụt về thương mại tiếp tục kéo dài. Đây là một trong những thách thức mới cho Việt Nam. 

Ông Axel Goethal - Giám đốc Viện Châu Âu nghiên cứu châu Á góp ý: EVFTA đề cập trực tiếp về cắt giảm thuế quan nhưng việc thực thi lại phụ thuộc vào khả năng vận dụng của các doanh nghiệp, chẳng hạn như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam hiểu chưa rõ những vấn đề liên quan đến việc giảm các dòng thuế quan hay các chứng từ về thuế VAT. Vì vậy, cần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp thông qua các hội thảo và các chương trình đào tạo để giúp các doanh nghiệp SME tuân thủ tốt hơn các quy định nếu muốn tồn tại ở thị trường châu Âu. Nếu các doanh nghiệp SME vượt qua được thách thức về năng lực thì Việt Nam sẽ tận dụng được các lợi ích từ EVFTA một cách tối đa.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) nhận định: Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu khi có đường bờ biển dài, phần lớn dân cư tập trung khu vực đồng bằng, vùng trũng thấp. Những tác động tiêu cực từ nước biển dâng ngày càng được cảm nhận rõ rệt lên đời sống và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hoá thạch, việc giải quyết phát thải carbon ngày càng khó khăn. 

Trong khi đó, người tiêu dùng và nhà đầu tư hiện nay ngày càng hướng đến các mô hình kinh doanh bền vững, các khoản đầu tư bền vững là công cụ hướng đến phát triển lâu dài. Để có thể cạnh tranh được tại thị trường EU,  tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Châu Âu khuyến khích việc phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam và các doanh nghiệp châu Âu cũng mong muốn có mặt tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, đầu tư nguồn tài chính cho các lĩnh vực thúc đẩy tính bền vững của nền kinh tế.

Theo ông Alain Cany, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nhanh chóng thích nghi và phát triển theo lộ trình xanh và bền vững. Đây cũng là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EVFTA: Việt Nam cần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp SME
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO