Đổi mới luôn là thử thách

MINH HÀO| 25/12/2009 08:04

Có rất nhiều quan niệm về vai trò của người lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng điều chung nhất là lãnh đạo con người.

Đổi mới luôn là thử thách

Tìm kiếm những nhà quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục là đòi hỏi bức xúc của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Đào tạo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vì thế rất đáng được quan tâm.

Có rất nhiều quan niệm về vai trò của người lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng điều chung nhất là lãnh đạo con người. TS. Abdillah Suffian, Giám đốc Trường Professional and Executive Education, Đại học AeU (Malaysia), đã công bố một nghiên cứu về thực trạng lãnh đạo của các công ty ở châu Á.

Người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của công ty

Theo kết quả khảo sát trên 300 đại diện các nhà quản lý cấp trung và 44 giám đốc điều hành (CEO) doanh nghiệp tại một số nước châu Á, do Trường Professional and Executive Education thực hiện, những lãnh đạo châu Á có các điểm nổi bật: rất tự tin; biết rất rõ mức độ ảnh hưởng của mình lên người khác; có xu hướng lắng nghe trước khi hành động; xem kỹ năng, kinh nghiệm, và mức độ cam kết của ban lãnh đạo là thế mạnh của tổ chức; đánh giá công việc theo kết quả; sẽ hỗ trợ việc phát triển lãnh đạo chỉ khi việc đó là thực tiễn và gắn với các hoạt động thường ngày; sẽ hoạt động với vai trò định hướng nếu cần...

Tuy nhiên, phẩm chất liêm chính là giá trị quan trọng nhất của những người lãnh đạo doanh nghiệp châu Á cần phải có trong bối cảnh hiện nay.

Các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cũng có những điểm nổi bật tương tự. Tuy nhiên, trên thực tế họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác lãnh đạo. Trong đó có việc phát triển theo mô hình kinh tế thị trường, xây dựng hệ thống sản xuất tiêu chuẩn, quản trị nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Viện trưởng VMI, cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trên thế giới. Điều đó cho thấy Việt Nam chưa có những lãnh đạo công ty thật sự xuất sắc. Nền kinh tế của Việt Nam phát triển khá nhanh trong 20 năm qua, nhưng chính sự thay đổi đó đã mang đến không ít thử thách. Một trong số đó là sự thiếu hụt trong đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, nhiều vụ mua bán, sáp nhập diễn ra, doanh nghiệp không thể vận hành theo kiểu cũ mà phải có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế. Đây là thời điểm người lãnh đạo phải thể hiện vai trò của mình, bằng sự kiên trì, can đảm đối mặt với nghịch cảnh, và giữ vững phương hướng đã vạch ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, những doanh nghiệp đã phát triển rất ngại thay đổi. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, chậm phát triển của nhiều công ty Việt Nam hiện nay. TS. Lưu Trọng Tuấn cho rằng, để đưa doanh nghiệp vững bước vào tương lai, các nhà lãnh đạo phải thường xuyên kích thích, thúc đẩy việc đổi mới, ứng dụng những ý tưởng sáng tạo vào công việc.

Điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có sự chuẩn bị, thử nghiệm để sau đó có thể tập trung vào chiến lược khả thi nhất, áp dụng quy trình, hệ thống làm việc tốt nhất, có khả năng đem lại nhiều lợi ích nhất cho doanh nghiệp. “Bất cứ nhân viên nào trong tổ chức đều có thể, và nên là một nhà lãnh đạo theo những cách khác nhau, ở những thời điểm khác nhau. Những công ty sản xuất, kinh doanh giỏi đều khuyến khích mọi nhân viên là nhà lãnh đạo khi cần thiết”, ông Tuấn khẳng định.

Một điều mà hầu hết các chuyên gia công nhận là ngoài tri thức, tầm nhìn và bản lĩnh, người lãnh đạo doanh nghiệp cần biết lắng nghe, có thái độ trân trọng đối với những đóng góp của nhân viên, biết khơi gợi ở họ tinh thần làm việc hết lòng vì mục tiêu chung. Vì thế, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, cũng như trong tương lai là nâng cao và hoàn thiện kiến thức nền tảng giúp cho nhà lãnh đạo công ty, phát triển và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đổi mới luôn là thử thách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO