Doanh nghiệp vận tải đường dài: Khó tứ bề

HỒNG NGA| 24/05/2013 08:37

Chưa có năm nào ngành vận chuyển hành khách lại gặp khó như năm 2012: Các hãng hàng không thì phải liên tục giảm giá vé, còn các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận chuyển khách bằng ô tô đã thu hẹp quy mô, thậm chí phải bán xe để trả nợ.

Doanh nghiệp vận tải đường dài: Khó tứ bề

Chưa có năm nào ngành vận chuyển hành khách lại gặp khó như năm 2012: Các hãng hàng không thì phải liên tục giảm giá vé, còn các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận chuyển khách bằng ô tô đã thu hẹp quy mô, thậm chí phải bán xe để trả nợ.

Đọc E-paper

Khó khăn tứ phía

Trong lĩnh vực vận chuyển hành khách đường dài, ba cái tên nổi lên ở phía Nam là Mai Linh, Phương Trang, Thành Bưởi. Tuy nhiên, cả ba DN này đều gặp không ít sóng gió thời gian qua.

Trong đó, Mai Linh có bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm với tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng phải tuyên bố bán bớt xe để trả món nợ 500 tỷ cho các cổ đông.

Với đội xe 12.000 chiếc vừa kinh doanh taxi vừa kinh doanh vận chuyển đường dài nhưng việc xoay xở cho món nợ 500 tỷ đồng đối với Mai Linh là hết sức khó khăn.

Trước Mai Linh, Phương Trang cũng đã bỏ việc kinh doanh taxi ở Đà Lạt với khoảng 60 xe và đưa số xe này về TP.HCM. Trước một loạt xe đã hoạt động nhiều năm cùng với việc dẹp bỏ taxi ở Đà Lạt đã dấy lên dư luận Phương Trang sắp phá sản.

Tuy nhiên, đại diện Phương Trang, cho rằng, đây là một một hoạt động bình thường của DN. "Công ty phải co lại những kinh doanh không có lợi và đầu tư cho kênh đang phát triển là vận chuyển đường dài", vị này nói.

Trong khi Phương Trang đã tạm ổn với kế hoạch cắt lỗ thì hiện tại, Thành Bưởi đang loay hoay giải quyết nhiều vấn đề về bến bãi, về văn phòng.

Ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty Thành Bưởi thường báo "đi tỉnh và bận họp" sau khi đã hẹn phỏng vấn. Sự bận rộn của vị quản lý Thành Bưởi xem ra cũng dễ hiểu vì công ty này "dính" đến hai sự kiện ở Đà Lạt và Cần Thơ.

Cuối tháng 2/2013, bến xe của Thành Bưởi ở Đà Lạt bị Sở Giao thông - Vận tải Lâm Đồng yêu cầu đóng cửa vì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn diện tích của một bến xe. Đến cuối tháng 4/2013, văn phòng Cần Thơ cũng gặp rắc rối vì chưa có giấy phép mặc dù đã hoạt động 2 năm nay.

Thành Bưởi khá mạnh ở hai tuyến Đà Lạt - TP.HCM và Đà Lạt - Cần Thơ với 100 xe chất lượng cao nên khi gặp vấn đề với cả hai đầu tuyến này đã khiến công ty hết sức khó khăn.

Thật ra, không chỉ có Mai Linh đầu tư dàn trải mà trong "cơn lốc bất động sản", các DN kinh doanh vận chuyển hành khách đều "lấn sân" sang lĩnh vực này. Cả Mai Linh, Phương Trang, Thành Bưởi... đều đầu tư đa ngành nghề và đều "dính" đến bất động sản.

Nếu như Mai Linh có taxi, vận chuyển khách đường dài, giáo dục, bất động sản..., Phương Trang đầu tư taxi, vận chuyển đường dài và bất động sản thì Thành Bưởi cũng kinh doanh vận chuyển khách đường dài, bất động sản, du lịch lữ hành...

Nhưng do "dính" nhỏ hơn, nên các DN đi sau mau chóng hồi phục hơn.

Phương Trang... "Bắc tiến"

Cuối tháng 4, Công ty Phương Trang gây bất ngờ khi công bố kế hoạch "Bắc tiến". Ông Lê Công Đỉnh, Tổng giám đốc Khối vận tải Công ty Phương Trang, cho biết, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách chất lượng cao trên toàn quốc, từ tháng 5, Phương Trang đưa dịch vụ của mình phục vụ người dân các tỉnh miền Bắc.

Mục tiêu của Phương Trang là đến 2015 sẽ phủ mạng lưới vận chuyển đến tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Chuẩn bị cho kế hoạch này, trong tháng 5, Công ty sẽ đưa thêm 50 xe chất lượng cao vào sử dụng, tăng số lượng xe lên 550 chiếc xe khách loại lớn và 500 xe vận chuyển nhỏ.

Bên cạnh đó, Công ty cũng xây dựng các trạm dừng chân trên những chặng đường dài, với các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền để phục vụ hành khách.

"Bước đệm đầu tiên khi mở thị trường ra phía Bắc là chúng tôi mở tuyến Đà Nẵng - Hà Nội. Chúng tôi đang làm việc với hai đầu bến để đảm bảo giá vé bằng hoặc thấp hơn các DN khác đang hoạt động cùng tuyến", ông Đỉnh nói.

Với kế hoạch này, Phương Trang đã đầu tư trên 200 tỷ đồng, trong đó, kinh phí cho xe mới là hơn 180 tỷ đồng, kinh phí cho trạm dừng chân Đà Nẵng - Hà Nội 22 tỷ đồng. Không chỉ đầu tư vào vận chuyển đường dài, Phương Trang còn đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển hàng hóa nhanh.

Thách thức

Theo phân tích của nhiều chuyên gia trong ngành vận tải, việc Phương Trang mở rộng hoạt động, khai thác thị trường phía Bắc là một bước đi đầy tham vọng nhưng cũng đầy mạo hiểm.

Cơ hội của Phương Trang trong thời điểm này là Mai Linh vẫn còn đang phải loay hoay với việc giải quyết nợ nần cho các cổ đông nên không thể phát triển kinh doanh, trong khi đó, các DN còn lại chưa đủ lớn để lấn át Phương Trang.

Trước khi khai phá thị trường phía Bắc, Phương Trang đã khai thác thị trường miền Trung vào đầu năm nay và chọn đây là "bàn đạp" tiến ra Bắc.

200 tỷ đồng

Phương Trang đã đầu tư trên 200 tỷ đồng, trong đó, kinh phí cho xe mới là hơn 180 tỷ đồng, kinh phí cho trạm dừng chân Đà Nẵng - Hà Nội 22 tỷ đồng

Dù đã tuyên bố sẽ mở rộng thị trường ra phía Bắc, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có mặt đều khắp ở 63 tỉnh thành nhưng ở thời điểm hiện tại, Phương Trang mới chạy trên 24 tuyến và thị phần chủ yếu là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung.

Đầu tư trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn khó khăn lại phải chịu sự cạnh gay gắt giữa các loại hình vận tải, đặc biệt là vận tải hàng không giá rẻ, liệu mục tiêu phủ khắp cả nước của Phương Trang có đạt được là một câu hỏi lớn.

Tại miền Trung, xe khách chất lượng cao đã có những thương hiệu như Thuận Thảo, Xuân Tùng, Ba Nga, Tư Nghĩa... còn tại miền Bắc là Hoàng Long.

Trong đó, Thuận Thảo là một DN vận chuyển hành khách chất lượng cao nổi tiếng khu vực miền Trung. Năm 2011, DN này đã trang bị hơn 100 xe, chiếm đến 90% thị phần vận tải từ Phú Yên đi các tỉnh và chiếm 60% các tuyến liên tỉnh từ Bình Định.

Hiểu rõ thách thức, rút kinh nghiệm thực tế ngay chính hoạt động của mình và những công ty khác, Phương Trang không mở tuyến đường dài mà chọn các tuyến ngắn (dưới 300km).

Thay vì mở tuyến TP.HCM - Hà Nội, Phương Trang tách làm hai hành trình: TP.HCM - Đà Nẵng và Đà Nẵng - Hà Nội. Tiếp đó là các tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Nghệ An, Hà Nội - Ninh Bình...

Với hình thức này, Phương Trang đang phát triển cả xe lẫn luồng tuyến và các thị trường ngách. Theo ông Đỉnh, ngành vận tải ô tô có lợi thế ở những tuyến đường ngắn dưới 300km mà hàng không, không thực hiện được.

"Chúng tôi đã phát triển mô hình này ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và rất thành công nên sẽ áp dụng ra các tỉnh phía Bắc. Và trong thời gian đầu, chúng tôi chỉ mở một vài tuyến để rút kinh nghiệm, sau đó sẽ từng bước nhân rộng", ông Đỉnh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp vận tải đường dài: Khó tứ bề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO