Doanh nghiệp tư nhân: Vì sao không lớn được?

02/03/2010 06:31

Đã qua 10 năm tính từ năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn không lớn được, vì sao vậy?

Doanh nghiệp tư nhân: Vì sao không lớn được?

Đã qua 10 năm tính từ năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn không lớn được, vì sao vậy?

Một điều tra gần đây cho biết, có đến 80% số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ (80% có vốn kinh doanh dưới 5 tỉ đồng và 87% sử dụng dưới 50 lao động).

Đó là câu hỏi đầy trăn trở của ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại một cuộc hội thảo do VCCI tổ chức.

Quả thực là như vậy. Một điều tra gần đây cho biết, có đến 80% số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ (80% có vốn kinh doanh dưới 5 tỉ đồng và 87% sử dụng dưới 50 lao động). Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc đưa ra con số về quy mô doanh nghiệp tư nhân, quan trọng hơn như một chuyên gia kinh tế nhận định: “Khi khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự đủ lớn, việc trở thành động lực thực sự cho sự phát triển kinh tế Việt Nam sẽ vẫn là kế hoạch”.

Những nguyên nhân chậm lớn

Đã có rất nhiều ý kiến bàn về nguyên nhân của tình trạng “không lớn được” của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam song những nguyên nhân sau đây là cơ bản.

Thứ nhất, từ năm 2000 - năm Luật Doanh nghiệp được bắt đầu áp dụng - đến nay, thời gian chưa phải là dài để chúng ta có được những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh. Đó là điều tất yếu khách quan.

Thứ hai là những nguyên nhân từ đội ngũ doanh nhân. Một điều tra mới đây của VCCI cho biết, “tầng lớp doanh nhân mới được hình thành trong những năm gần đây, xuất thân từ nhiều tầng lớp lao động xã hội khác nhau, nhiều người chưa được đào tạo kinh doanh bài bản; các doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam chưa có tích lũy lớn về vốn nên sức vươn hạn chế; tinh thần học hỏi của một số doanh nhân chưa cao, dễ thỏa mãn, chưa chú trọng đầu tư thu thập thông tin, nâng cao kiến thức quản lý, kinh doanh; tâm lý ỷ lại của một số doanh nhân vào sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn tồn tại; một số doanh nhân chưa tuân thủ đúng pháp luật và hưởng thụ quá sớm…”. 

Những điểm yếu nêu trên của đội ngũ doanh nhân là sự thật. Đến lượt nó, những điểm yếu nêu trên lại dẫn đến tình trạng “gia đình trị” trong quản trị doanh nghiệp, chưa coi trọng chữ tín trong kinh doanh, tính liên kết rất kém… Vì vậy, chưa thể có những doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn và những doanh nhân xuất chúng.

Thứ ba, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế chưa hình thành.

Trong hệ thống các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay đang tồn tại ba khu vực là: doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn chi phối của Nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đáng tiếc là, hoạt động của các doanh nghiệp thuộc ba khu vực đang “độc lập” với nhau ở mức độ khá lớn. Mỗi khu vực gần như một “ốc đảo”, khép kín với toàn bộ hoạt động của mình. Điều đó không chỉ làm hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân mà còn làm suy yếu toàn bộ hệ thống doanh nghiệp của nền kinh tế quốc dân. 

Thứ tư, về môi trường kinh doanh, điều tra của VCCI nhận định: “Những nguyên nhân khách quan chủ yếu là: trình độ phát triển kinh tế còn thấp và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa hoàn thiện; nhận thức về vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng, chưa tạo ra sự đồng thuận của toàn xã hội về vai trò, vị thế của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; còn tâm lý e ngại, chưa thật sự tin tưởng vào tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội, trí tuệ và năng lực của tầng lớp doanh nhân; kinh doanh chưa được coi là một nghề cao quý trong xã hội; sự thất bại của một số doanh nhân trong kinh doanh thường được coi là hiện tượng xấu; môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, chưa tạo điều kiện thật thuận lợi cho các doanh nhân khởi sự doanh nghiệp và yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh; nhiều chính sách được thiết kế thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thiếu minh bạch; bộ máy hành chính và đội ngũ công chức còn nhiều yếu kém, cải cách hành chính chưa đạt được kết quả mong muốn; tính tùy tiện trong cách ứng xử cũng như trong ban hành chính sách của một bộ phận cán bộ chính quyền không những làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nhân mà còn gây ức chế, làm thui chột ý chí kinh doanh”.

Cần làm gì?

Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng “không lớn được” của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho thấy, để có những doanh nghiệp quy mô lớn và có nhiều hơn những doanh nhân ngang tầm quốc tế, hãy còn rất nhiều việc phải làm cả trong phạm vi nền kinh tế và từng doanh nghiệp.

Tái cấu trúc hay cải cách cơ bản toàn bộ nền kinh tế quốc dân sau khủng hoảng là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay. Và tái cấu trúc hệ thống các doanh nghiệp phải đi trước một bước trong việc tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Tái cấu trúc doanh nghiệp ít nhất phải bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

Thay đổi cơ cấu sở hữu vốn. Do dấu ấn của cơ chế quản lý tập trung, bao cấp vẫn còn rất nặng nề trong hệ thống các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay, những doanh nghiệp do Nhà nước chiếm 100% vốn chủ sở hữu vẫn còn khá nhiều.

Hình thành những mối liên hệ biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp của nền kinh tế. Cần nhanh chóng phá vỡ những “ốc đảo”, hình thành sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp theo hướng: những doanh nghiệp có quy mô lớn, có năng lực quản lý tốt sẽ hoạt động kinh doanh ở những ngành, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là những vệ tinh cho những doanh nghiệp lớn tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Đó là nhân tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và toàn bộ hệ thống.

Cải cách thể chế pháp lý và thủ tục hành chính, tôn trọng quan hệ thị trường. Thực hiện yêu cầu này đòi hỏi phải giải quyết triệt để những vấn đề: nhanh chóng xóa bỏ cơ chế chủ quản - một cơ chế lỗi thời, tàn dư của thời kỳ bao cấp - từ đó xóa bỏ việc sử dụng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp theo nguyên tắc “bình đẳng, minh bạch”; xây dựng đội ngũ công chức “liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân” như quy định tại điều 8 Luật Cán bộ công chức.

Tái cấu trúc trong nội bộ từng doanh nghiệp. Quản lý doanh nghiệp theo phương thức “gia đình” là đặc điểm lớn nhất của các doanh nghiệp dân doanh Việt Nam, dẫn đến sự thiếu minh bạch. Hơn nữa, do xuất phát từ một nền sản xuất nhỏ, không ít doanh nghiệp đã và đang hoạt động theo phương thức chụp giật, thiếu tôn trọng các quy định của pháp luật. Do đó, từng doanh nghiệp phải tái cấu trúc cơ chế quản lý nội bộ của mình, kể cả việc chuyển đổi hình thức tổ chức, để bảo đảm sự minh bạch và tôn trọng các quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp tư nhân: Vì sao không lớn được?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO