Tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc "sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Qua đó, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Đồng thời, Việt Nam chủ trương kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, bền vững.
Trong diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2021 với chủ đề "Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau" cũng đã thảo luận những nội dung trọng điểm liên quan đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp gắn với kinh tế tuần hoàn. Từ đó cho thấy, để vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống; hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại giá trị kinh tế - xã hội.
Nhận thức rõ vấn đề này, cộng đồng doanh nghiệp xác định là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm gia tăng khối lượng và chủng loại chất thải rắn sinh hoạt. Những khó khăn trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển và quản lý chất thải đang tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ thực trạng tỷ lệ rừng suy giảm. Để phủ xanh tại các địa phương sớm thành công, phong trào "Tết trồng cây" được các địa phương, doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng cây phân tán để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái.
Có khá nhiều địa phương triển khai chương trình trồng cây với số lượng lớn trong thời gian qua, nhận được sự đóng góp đáng quý từ các doanh nghiệp góp phần hiện thực hóa mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Hàng loạt hoạt động được tổ chức thành công như cùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chống xâm nhập mặn và hạn hán; chương trình nước sạch học đường; trao tặng giếng nước sạch, xây dựng đường nông thôn...
Có thể nói, đối với các tỉnh, thành phố, ngoài lợi ích hữu hình là những mảng xanh được hình thành, ý nghĩa lớn nhất mà chương trình mang lại chính là sự lan tỏa tình yêu thiên nhiên và hình thành ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của cộng đồng. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỷ cây xanh chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.