Đầu ra cho vải thiều

HỒNG NGA| 21/06/2018 03:40

Tình trạng nông sản được mùa mất giá vì thiếu đầu ra hy vọng sẽ không tái diễn với vải thiều khi năm nay có sự chung tay của các ban ngành, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.

Đầu ra cho vải thiều

Với nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, vải thiều sẽ không cần "giải cứu" Ảnh: X.Toàn

Ngày 14/6, Saigon Co.op triển khai chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong hệ thống phân phối Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers. Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, mùa vụ năm nay, Saigon Co.op cam kết tiêu thụ từ 400 - 600 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương). Vải thiều bán tại hệ thống phân phối đều đạt chuẩn ViatGAP và có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đó, ngày 13/6, tại Big C Thăng Long (Hà Nội), Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội. Chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng Hà Nội trái vải thiều Lục Ngạn được mua trực tiếp từ nông dân. Phối hợp triển khai chương trình này, Big C Việt Nam mua 100 tấn vải theo giá thị trường.

"Góp phần tạo giá trị thương hiệu cho trái vải thiều Lục Ngạn, tại Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, lần đầu tiên hệ thống siêu thị Big C giới thiệu 8 món ăn và thức uống được chế biến từ trái vải Lục Ngạn như chè vải rau câu, chè vải hạt sen, thạch rau câu vị vải, kem mút vị vải, bánh flan vải, nước trái vải, vải chiên xù, bánh rán mặn nhân vải", bà Lê Thị Mai Linh - Phó chủ tịch Điều hành Central Group Việt Nam cho biết.

Link bài viết

Cũng góp phần mở đầu ra cho trái vải, từ đầu vụ đến nay hệ thống bán lẻ này đã tiêu thụ hơn 10 tấn vải thiều Thanh Hà. Dự kiến, đến cuối mùa, Lotte Mart sẽ tiêu thụ 50 tấn vải thiều với giá thu mua cao hơn thị trường khoảng 20%.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đến nay, vải thiều Lục Ngạn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đã được tiêu thụ thông qua hệ thống bán lẻ MM Mega Market, Co.opmart, Big C, Hapro và các chợ đầu mối ở Hà Nội và TP.HCM. Hiện tại, địa phương đang mở rộng thị trường miền Trung, Tây Nguyên và đông Nam bộ.

Diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang lớn nhất nước với hơn 28.000ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên vải thiều được mùa, dự kiến sản lượng cả tỉnh ước đạt từ 150.000 - 180.000 tấn. Để được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, trong những năm gần đây, Bắc Giang đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào trồng vải thiều với 13.500ha theo tiêu chuẩn VietGAP và trên 200 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, được Mỹ cấp mã vùng trồng. Có thể khẳng định, vải thiều năm 2018 của Bắc Giang có chất lượng cao nhất trong những năm qua.

Ngoài Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống, Bắc Giang còn xuất khẩu vải thiều vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Canada, châu Âu và Trung Đông.

Ngoài vải thiều Lục Ngạn thì Thanh Hà cũng là địa phương nức tiếng với trái vải thiều. Ông Ngô Đức Vính - Phó chủ tịch huyện Thanh Hà cho biết, từ năm 2007, sau khi trái vải Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, lãnh đạo huyện đã khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Tuy nhiên, đến năm 2012, với yêu cầu cao hơn của người tiêu dùng và đặc biệt là phục vụ xuất khẩu, toàn bộ diện tích trồng vải thiều Thanh Hà chuyển sang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Đến nay, huyện Thanh Hà có 350ha vải thiều đã được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, Úc và các thị trường khó tính khác.

Để tránh tình trạng "tắc đầu ra", lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã đưa ra nhiều biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ trái vải bằng các chương trình xúc tiến thương mại, kể cả ở nước ngoài. Mới đây, tại Lễ hội Vải thiều Hải Dương, đoàn xe xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đi Mỹ đã lăn bánh. "Sản lượng vải thiều của tỉnh năm 2018 ước tính 55.000 tấn, riêng Thanh Hà khoảng 40.000 tấn, tất cả đều có dán tem truy xuất nguồn gốc", ông Vính chia sẻ.

Ngoài cam kết sản lượng tiêu thụ tại hệ thống, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, Saigon Co.op sẽ là đầu mối để đưa trái vải tươi và các sản phẩm nông sản khác ra thị trường khu vực. Sắp tới, vải thiều Thanh Hà và Lục Ngạn sẽ có mặt trong chương trình Tuần lễ hàng Việt tại Singapore do Saigon Co.op phối hợp với NTUC FairPrice tổ chức. Thông qua NTUC FairPrice, trái vải sẽ được xuất khẩu sang nhiều nước mà thương hiệu bán lẻ này đang có mặt.

Và sau trái vải, nhiều loại trái cây khác như nhãn, bưởi Diễn, cam Vinh sẽ có mặt tại 270 đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi của đối tác. Không chỉ thế, Saigon Co.op còn tham gia nhiều chương trình khác của các tỉnh cũng như những hình thức thu mua khác liên quan đến sàn giao dịch, sàn đấu giá để không còn trăn trở với cụm từ "giải cứu" nông sản.

Cũng như Co.opmart, ngoài bán tại hệ thống siêu thị trong nước, 2 tuần tới, lô vải thiều đầu tiên do Big C thu mua sẽ được Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu ra cho vải thiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO