Da giày xuất khẩu: Phân vân trở lại EU

LÊ LOAN| 30/09/2011 04:40

Doanh nghiệp da giày Việt Nam có cơ hội trở lại thị trường EU khi thuế chống bán phá giá (CBPG) được bãi bỏ. Đứng trước cơ hội này nhưng vấn đề “có nên phụ thuộc vào thị trường EU” lại được đặt ra cấp thiết.

Da giày xuất khẩu: Phân vân trở lại EU

Doanh nghiệp (DN) da giày Việt Nam có cơ hội trở lại thị trường EU khi thuế chống bán phá giá (CBPG) được bãi bỏ. Đứng trước cơ hội này nhưng vấn đề “có nên phụ thuộc vào thị trường EU” lại được đặt ra cấp thiết.

Thị trường EU hiện chiếm 45% thị phần xuất khẩu của da giày Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa

Trước đây, EU chiếm đến 70% thị phần giày xuất khẩu của Việt Nam và hiện nay là 45%. Mặc dù vậy, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), nhắc đi nhắc lại vấn đề “DN ngành da giày Việt Nam có nên phụ thuộc mãi vào thị trường EU hay không”.

Có thể nói, EU bỏ áp thuế CBPG đã tạo điều kiện cho giày da xuất khẩu Việt Nam, nhưng theo ông Diệp Thành Kiệt, “tập trung cho thị trường EU” là vấn đề cần phải được cân nhắc.

Bởi vì, EU đồng thời bãi thuế CBPG cho cả Việt Nam và Trung Quốc (TQ). Nếu xét về kinh doanh thì đó là sự công bằng, song thực tế đó là một áp lực đối với da giày Việt Nam khi phải cạnh tranh với TQ.

Mặt khác, dù thuế CBPG đã được bãi bỏ nhưng DN Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong chương trình giám sát của EU trong vòng 1 năm nữa. Theo đó, nếu những sản phẩm chịu thuế CBPG trước đây của Việt Nam tăng một cách nhanh chóng, tức do sản lượng tăng nhanh hoặc giá bình quân giảm, sẽ bị EU áp thuế CBPG trở lại.

Lẽ dĩ nhiên, EU sẽ được toàn quyền áp đặt thuế với mức thuế cao hơn, thời gian dài hơn mà không phải thông qua bất kỳ một kết quả điều tra nào.

Đứng trước lợi thế nhưng cũng không kém phần rủi ro của thị trường EU, ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương khuyến cáo, không nên quá tập trung vào một thị trường, cụ thể là EU.

Do đó, DN xuất khẩu da giày Việt Nam nên cân nhắc đổi hướng xuất khẩu sang những thị trường khác có tiềm năng hơn như: khu Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Bắc Mỹ.

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da - giày Việt Nam 8 tháng đầu năm 2011 đạt 4,21 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, thị trường EU chiếm 45%; Mỹ 29,3%; Nhật Bản 4,1%; các nước khác 21,6%.

Theo ông Kiệt, EU giám sát xuất khẩu giày mũ da không chỉ đối với Việt Nam mà có cả TQ. Vì thế, phía TQ cũng đang gia tăng giám sát, không để hàng xuất nhiều với giá thành thấp.

Do đó, trong thời gian tới, để thâm nhập vào thị trường EU, sẽ có nhiều DN tìm cách xuất khẩu thông qua nước thứ ba, trong đó có Việt Nam.

Ông Trần Văn Tắc, Giám đốc Công ty Giày Tuấn Việt, cho biết: “Vấn đề quan trọng đối với các DN xuất khẩu giày da hiện nay là sự cạnh tranh từ các nước, trong tương lai không chỉ có TQ, mà còn nhiều nước khác. Do đó, DN rất cần sự trợ lực từ Hội ngành nghề, bởi bản thân DN đã mất toàn bộ thời gian để tập trung vào khâu sản xuất để tạo ra sản phẩm với giá thành hợp lý hơn.

Trả lời kiến nghị trên, ông Diệp Thành Kiệt nói, việc chuẩn bị cho cuộc “đối đầu” với quyết định áp thuế CBPG của thị trường EU, cần được chia làm 3 tầng: DN - hàng hóa, thị trường - Nhà nước.

Tầng DN mang tính chất quyết định nhất. Do vậy, DN cần phải chuyển nhanh từ dòng sản phẩm cấp thấp đến dòng sản phẩm cấp trung và thậm chí là những dòng sản phẩm cấp cao. Thực tế, cũng có khá nhiều DN da giày Việt Nam áp dụng trong thời gian qua.

Ông Phú cho biết thêm, người tiêu dùng ở thị trường các nước châu Âu đánh đồng hàng hóa của một số nước trong khu vực châu Á, như Việt Nam, TQ, Indonesia, Thái Lan. Do đó, mỗi khi nghĩ đến biện pháp CBPG, hay tự vệ thì người ta tập trung điều tra cho cả một số nước trong khu vực cùng lúc.

Vì vậy, thay vì chú trọng đến đơn hàng có số lượng lớn, thì DN Việt Nam nên chú trọng đến đơn hàng có giá trị cao. Mặt khác, cố gắng tạo ra sự khác biệt giữa hàng hóa, đồng thời, đừng quên gắn kết sản phẩm với những cam kết về vấn đề môi trường, trách nhiệm xã hội, sở hữu trí tuệ...

Theo đó, DN cần phải tạo mối liên kết giữa ba bên DN xuất khẩu - nhà nhập khẩu và phân phối của EU để kịp thời nắm bắt phản ứng nhập khẩu của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Da giày xuất khẩu: Phân vân trở lại EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO