Cuộc về đích của các ngành hàng xuất khẩu tỷ USD

Nguyễn Hoàng| 30/12/2019 06:00

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam vẫn tăng lên bất chấp tình hình căng thẳng thương mại trên thế giới có những diễn biến khó dự đoán.

Cuộc về đích của các ngành hàng xuất khẩu tỷ USD

Hầu hết thị trường trọng điểm của Việt Nam đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao từ đầu năm đến nay.

30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Việt Nam đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2019, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, có đến 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,6%.

Điện thoại và linh kiện vẫn là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 48,7 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,4 tỷ USD; hàng dệt may đạt 29,9 tỷ USD; giày dép đạt 16,5 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD... Nguyên nhân giá trị xuất khẩu cao chủ yếu do nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá các mặt hàng xuất khẩu gia tăng.

Đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tính trên GDP đã ở mức 200% GDP, mức cao so với các nước trong khu vực, phản ánh độ mở của nền kinh tế rất lớn cũng như khả năng dễ bị tác động bởi các cú sốc bên ngoài.

Hầu hết thị trường trọng điểm của Việt Nam đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao từ đầu năm đến nay, như thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%. Nhưng đáng lưu ý là xu hướng giảm sút xuất khẩu vào top thị trường lớn nhất, xuất khẩu sang EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%.

Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu tiếp tục cho thấy vai trò quan trọng của khu vực FDI. Khu vực này đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước tới 166,7 tỷ USD trong 11 tháng qua, chiếm 69% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời là đóng góp chính vào thặng dư cán cân thương mại cho nền kinh tế.

Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 74,72 tỷ USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh thực tế các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn chưa đủ sức thâm nhập thị trường thế giới mà chủ yếu là nơi tiêu thụ hàng nước ngoài. Vai trò của khu vực này cũng còn yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Link bài viết

Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 đạt 7-8% trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như Canada, Mexico. Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019.

Tăng sức phòng vệ thương mại

Thực tế cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 tiếp tục đối diện với các khó khăn, thách thức. Việt Nam có thể tận dụng được một số tác động tích cực từ diễn biến kinh tế thế giới. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dễ tạo điều kiện cho DN có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ, khi các sản phẩm từ Trung Quốc đắt đỏ hơn.

Dòng đầu tư quốc tế dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, tăng cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc đang chịu sự trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, trong 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, vẫn còn tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm gỗ, dệt may, da giày... ra thị trường thế giới và vấn đề này ngày càng nan giải.

Ở mặt hàng gỗ và chế biến gỗ, Việt Nam dù chưa đạt đến tầm trung tâm sản xuất sản phẩm gỗ như Trung Quốc, nhưng hai năm gần đây đã trở thành một trong những điểm đến của DN dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Điều này, theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam, đã tạo nên bức tranh tăng trưởng tốt của ngành gỗ, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 10,3 tỷ USD, mà Mỹ và EU là các thị trường chính.

Chính phủ đặt mục tiêu cho ngành gỗ là xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. Theo ông Lập, nếu cứ để "tự do" như hiện nay sẽ trở thành "miếng đất" cho bên ngoài vào khai khác. FDI Trung Quốc vào ngành gỗ chủ yếu dưới dạng mua lại, chỉ một số thành lập DN mới. Họ chuyển máy móc từ Trung Quốc sang, nhập chi tiết sản phẩm, gia công lại và xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiệp hội Gỗ Việt Nam hơn một lần đề xuất Chính phủ xác nhận ngành gỗ là kinh tế mũi nhọn, mà việc được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn có thể tập trung nguồn lực nhiều hơn từ Chính phủ và các tỉnh để ngành gỗ phát triển bền vững. Đó là khi Việt Nam có 5 khu/cụm công nghiệp chế biến sản phẩm gỗ tại Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước, Nghệ An và TP.HCM, đồng thời có chính sách phù hợp về đất đai, kêu gọi các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước cùng tạo ra liên kết chuỗi, với nhà sản xuất là trung tâm.

Số lượng mặt hàng xuất khẩu tỷ USD liên tục tăng qua các năm, từ 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD vào tháng 6/2018 đã tăng lên 30 mặt hàng vào tháng 11/2019, cho thấy những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang đi đúng hướng.

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 để phê duyệt đề án về phòng vệ thương mại, nhằm đấu tranh những hành động gian lận xuất xứ thương mại và gian lận thương mại.  Đặc biệt, tại đối thoại với DN vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe, ủng hộ, hỗ trợ DN. Từ những thông điệp này, cộng đồng DN hy vọng việc xây dựng hệ thống chính sách của Nhà nước sẽ tiếp tục dựa trên tinh thần kiến tạo phục vụ và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc về đích của các ngành hàng xuất khẩu tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO