Cửa ngõ cho hàng VN: Đừng quản bằng rào cản

KHÁNH VÂN| 18/11/2009 08:07

Bán hàng qua Campuchia là một mũi tiến quan trọng của các khu TMCK phía Nam, nhưng các nguồn lực chưa hợp nhất để đạt mục tiêu khu TMCK là đầu mối giao thương hàng VN.

Cửa ngõ cho hàng VN:  Đừng quản bằng rào cản

Bán hàng qua Campuchia là một mũi tiến quan trọng của các khu TMCK phía Nam, nhưng các nguồn lực chưa hợp nhất để đạt mục tiêu khu TMCK là đầu mối giao thương hàng VN.

Nỗ lực giữ thị trường

Ông Nguyễn Ngọc Quí, Giám đốc Chi nhánh Satra Mộc Bài cho biết, DN đưa hàng sang Campuchia qua nhiều cửa khẩu như Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), Hoa Lư (Bình Phước), Tịnh Biên (An Giang). Do áp sát biên giới, cứ tập kết hàng như kho ngoại quan, bạn hàng Campuchia qua mua thuận tiện, thậm chí họ chỉ điện thoại, có thể trong một buổi là hàng được đưa đến nơi.

Các siêu thị miễn thuế ở khu TMCK Tịnh Biên

Việc tập kết hàng ở những khu TMCK thuận lợi mua bán vì rất ít khách hàng Campuchia mua một loại với số lượng lớn để có thể chở hẳn một chuyến từ TP.HCM qua Campuchia, họ thường mua nhiều thứ trong một lần. Khách Campuchia đã hiểu mua hàng trong khu miễn thuế của VN, họ có lợi về giá so với mua ở các chợ bên ngoài. Chính vì vậy, tiểu thương ở các chợ gần cửa khẩu Tịnh Biên cũng đã vào thuê cửa hàng trong khu TMCK ngày một nhiều.

Những mặt hàng VN đang được các siêu thị, cửa hàng miễn thuế bán mạnh qua thị trường Campuchia là dầu ăn Tường An; sữa đặc, sữa bột, nước trái cây của Vinamilk; cà phê Trung Nguyên, Vinacafe; các loại nước chấm của Chin-su; nước rửa chén Mỹ Hảo; dầu gội, nước hoa, nước rửa tay của Mỹ phẩm Sài Gòn; mì ăn liền Gấu Đỏ, Omachi; khăn Phong Phú; tã lót, băng vệ sinh phụ nữ Diana...

Hàng VN vào thị trường Campuchia chưa lâu, nhưng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với hàng Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, nên các chủ siêu thị, cửa hàng miễn thuế phải thường xuyên khảo sát thị trường nước này xem sự thay đổi hàng hóa, thị hiếu, giá cả ra sao để phản ảnh cho nhà sản xuất, nhà cung cấp kịp thời điều chỉnh. Mặt khác, họ còn tự xúc tiến xuất khẩu bằng việc quảng bá đến tận người bán lẻ, làm những chương trình khuyến mãi để khuyến khích người bán lẻ ở Campuchia hăng hái bán hàng VN. Những hoạt động đó khá tốn kém, nhưng vì muốn phát triển thị trường Campuchia mà họ cố gắng tạo cho hình ảnh hàng VN ăn sâu vào tâm trí người dân nước bạn.

Mong sự hợp lực

Có thể nói, các khu TMCK đã kéo được khách Campuchia đến mua hàng VN, nhưng mới chỉ là bước đầu, cần phải tổ chức thêm nhiều sự kiện ở các cửa khẩu các tỉnh để khách Campuchia biết đến hàng VN nhiều hơn. DN sẵn sàng phối hợp cùng các địa phương để quảng bá, nhưng chính sách mỗi nơi mỗi kiểu đã làm DN khó ứng xử.

Đơn cử, giữa hai cửa khẩu Mộc Bài và Tịnh Biên đã có sự khác biệt. Ở Mộc Bài, du khách VN là chính thì quy định chỉ được bán hàng miễn thuế cho mỗi người 500.000đ/tuần, còn người Campuchia được mua không giới hạn. Ở Tịnh Biên lại quy định mua hàng miễn thuế đối với người Campuchia là 500.000đ/người/ngày, nhiều hơn phải ký hợp đồng xuất nhập khẩu, đã hạn chế người tiêu dùng trực tiếp ở Campuchia muốn mua khoảng 1 - 2 triệu đồng trong một lần sang vì họ ngại thủ tục rắc rối.

Vừa rồi An Giang đã làm những cuộc quảng bá, giúp cho cửa khẩu Tịnh Biên đẩy mạnh giao thương với Campuchia. Theo chính quyền tỉnh, đó mới là chiến lược lâu dài của khu TMCK. Tuy nhiên, quy định hàng hóa kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu là từ Chính phủ và các bộ, Ban Quản lý các khu kinh tế cửa khẩu An Giang có muốn hỗ trợ DN cũng phải tuân thủ theo đúng quy định.

Các chủ cửa hàng trong khu này mong cơ chế quản lý thay đổi cho khách Campuchia qua mua hàng dễ dàng hơn. Ngăn ngừa nạn buôn lậu ngược trở lại nội địa là việc nên làm, nhưng quản lý bằng cách dựng “rào cản” như trên thì chắc chắn làm ảnh hưởng đến kinh doanh của các siêu thị, cửa hàng miễn thuế. Không thể diễn ra tình trạng một bên là chính quyền, các tổ chức nỗ lực xúc tiến tiêu thụ hàng VN sang Campuchia, một bên là những cơ chế quản lý, thủ tục hải quan cản bước phát triển của các khu TMCK.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cửa ngõ cho hàng VN: Đừng quản bằng rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO