Của một kho, lo một đống!

LỮ Ý NHI| 14/07/2011 09:47

Sức mua yếu trong khi doanh nghiệp (DN) vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, tất yếu dẫn tới tình trạng hàng tồn kho. Tuy nhiên, giải quyết lượng hàng tồn thế nào vẫn chỉ là bài toán ngắn hạn của nhiều DN.

Của một kho, lo một đống!

Sức mua yếu trong khi doanh nghiệp (DN) vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, tất yếu dẫn tới tình trạng hàng tồn kho. Tuy nhiên, giải quyết lượng hàng tồn thế nào vẫn chỉ là bài toán ngắn hạn của nhiều DN.

Hàng tồn đầy kho

Số lượng thép tồn kho đến đầu tháng 6 gần 400.000 tấn. Ảnh: Quý Hòa

Trong báo cáo tháng 5/2011 của Tổng cục Thống kê, sản xuất đường mía là ngành đứng đầu về tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm nay, với mức tăng tới 44,9% so với cùng kỳ năm 2010.

Thế nhưng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng đường tồn kho đến giữa tháng 6/2011 là 347.700 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 106.900 tấn!

Trong đó, các nhà máy đường có số lượng tồn kho lớn là Nhà máy đường Tây Ninh sản xuất được 76.000 tấn nhưng tồn kho 50.000 tấn; Nhà máy đường Việt - Đài, sản xuất 40.500 tấn, tồn kho 30.000 tấn; Nhà máy đường Lam Sơn sản xuất 70.000 tấn, tồn kho 51.159 tấn; Nhà máy đường Khánh Hòa sản xuất 30.000 tấn, tồn kho 29.000 tấn...

Theo bà Dương Thị Tố Châu, Giám đốc Thương mại Công ty đường Bourbon Tây Ninh: “Sở dĩ ngành đường tồn kho nhiều là do đường lậu nhập về quá nhiều không kiểm soát được, các loại đường này lại không bị đóng thuế nên bán giá rẻ hơn đường sản xuất trong nước.

Chẳng hạn, đường RE bán 19.200 đồng/kg, RS giá 18.500 đồng/kg, thì đường lậu chỉ bán 18.100 đồng/kg. Bên cạnh đó, do dự đoán nhu cầu của Hiệp hội Mía đường không chính xác, lúc thừa, lúc thiếu khiến DN sản xuất không chủ động được kế hoạch”.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng cho nhập đường quá sớm, ngay từ đầu năm 2011, trong khi hàng tồn kho trong nước khoảng 340.000 tấn đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước đến hết tháng 9 năm nay, đủ cho vụ sản xuất mới.

Một thực trạng khác dẫn đến hàng tồn kho của ngành mía đường, theo bà Châu là hiện nay, trong số 38 nhà máy sản xuất đường, có rất nhiều nhà máy công suất nhỏ, không có vùng nguyên liệu nên các nhà máy này phải mua nguyên liệu với giá cao, dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh và hàng bị tồn kho.

Lượng đường tồn kho càng nhiều thì lãi suất ngân hàng tăng thêm từng ngày. Chính vì vậy mà một số nhà máy đường đã giải quyết “bài toán” tồn kho bằng cách dừng sản xuất vài ngày một tuần như nhà máy đường Kiên Giang và Cà Mau. Hoặc số khác thì giảm giá bán đường để trả lãi vay ngân hàng và phí mua nguyên liệu.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngoài sức mua hạn chế, lạm phát tăng thì nguyên nhân dẫn đến hàng tồn kho còn có rất nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. Song, hệ lụy của hàng tồn kho là giảm giá trị của tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nhiều DN kinh doanh bị giảm sút, có nguy cơ phải thu hẹp sản xuất.

Không riêng ngành chế biến thực phẩm, ngành sản xuất công nghiệp, xi măng, thép xây dựng, gạch ốp lát granit nhân tạo, sơn, kết cấu thép, ống nhựa, dây và cáp điện đều có lượng tồn kho tăng từ trên 20% đến gần 150%. Riêng ngành thép, số thép tồn kho đến đầu tháng 6/2011 xấp xỉ 400.000 tấn.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết, một trong những nguyên nhân khiến ngành thép bị dư thừa là do có quá nhiều nhà máy sản xuất thép được cấp phép. Trong khi mức cầu trong nước chỉ khoảng 50 - 60% công suất. Theo ước tính, mỗi tấn thép tồn kho, DN sản xuất sẽ thiệt hại ít nhất 300.000 đồng/tháng cho tiền lãi vay ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều công ty đã giảm sản lượng, có những DN hiện chỉ còn hoạt động với 40% công suất thiết kế.

Gồng gánh không nổi

Đại diện Công ty Tôn Hoa Sen cũng cho biết: “Để tránh hàng tồn kho, giải pháp hữu hiệu nhất của chúng tôi là xuất khẩu. Song, muốn xuất khẩu hiệu quả thì cũng phải tìm thị trường phù hợp”.

Tương tự, bài toán giải quyết hàng tồn kho của Casumina là chỉ sản xuất theo kế hoạch cứng, nghĩa là theo đơn đặt hàng. Ông Võ Duy Hồng, Phụ trách thương hiệu Casumina, cho biết:

“Trước đây, chúng tôi thường tồn kho tới 2, 3 tháng. Bây giờ, lãi suất ngân hàng cao nên công ty giảm kế hoạch tồn kho xuống còn 1 tháng. Bài học bày được rút ra từ khủng hoảng thừa vào năm 2008, chúng tôi bị tồn kho mất 6 tháng, bình quân một tháng lỗ 200 tỷ đồng”.

Ở lĩnh vực sản xuất dược phẩm, DS. Nguyễn Thị Thu Hồng, Công ty Imexpharm, cũng cho biết:

“Đối với thuốc nhập khẩu, nếu là hàng OTC (không kê toa), khi tỷ giá tăng vọt, DN sẽ chủ động ngưng nhập để tránh tồn kho. Nhưng nếu là hàng sản xuất trong nước thì 90% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu nên hàng tồn sẽ là gánh nặng về nguồn vốn. Mặt khác, thuốc là mặt hàng mà tồn kho thì không thể khuyến mãi, bán một, tặng một để đẩy tồn kho nên khi hàng cận hạn là phải hủy”.

Ở lĩnh vực sản xuất chế biến thức ăn gia súc, ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất thức ăn chăn nuôi, cho biết: “Tồn kho trong lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc chủ yếu là tồn kho nguyên liệu. Bởi vì, 90% nguyên liệu sản xuất đều nhập khẩu.

Để giải quyết hàng tồn kho, các DN sản xuất sẽ phải giảm sản lượng, và sản lượng giảm bao nhiêu thì tương ứng với nguyên liệu tồn kho bị ứ đọng bấy nhiêu. Chẳng hạn, thay vì kế hoạch tồn kho trong ba tháng như trước đây thì hiện nay chúng tôi rút xuống còn một tháng”.

Song, các giải pháp trên mới chỉ là ngắn hạn, bài toán căn cơ để giải quyết hàng tồn kho theo các DN là phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chức năng và các Hiệp hội.

Cụ thể, ở lĩnh vực sản xuất đường thì phải có biện pháp chống buôn lậu hiệu quả, phải có những dự đoán chính xác cung cầu cũng như quy hoạch các vùng nguyên liệu, các dự án sản xuất, xây dựng nhà máy sản xuất một cách hợp lý, phù hợp cung cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Của một kho, lo một đống!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO