Kịp thời ứng cứu doanh nghiệp
Tính đến nay, các ngân hàng (NH) đã hỗ trợ, "ứng cứu" cho các doanh nghiệp (DN) gần 100.000 tỷ đồng thông qua các chính sách như giãn nợ, giảm lãi suất... Gần một nửa số tiền hỗ trợ đã đến tay các đối tượng cần hỗ trợ, giúp hàng vạn DN trên cả nước thoát khỏi tình trạng trì trệ, khơi thông dòng tiền để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh này.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Quỳnh Minh Quân cho biết: "Những chính sách tín dụng được các NH triển khai đã giúp các DN vừa và nhỏ như chúng tôi giải quyết nhiều khó khăn trước mắt; mà nhất là khiến chúng tôi không thấy hụt hẫng cũng như an tâm hơn khi được Nhà nước và NH chung tay hỗ trợ".
Trước đó, tất cả lãi suất điều hành đều được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm mạnh và đồng bộ, với mức giảm từ 0,5-1%/năm. Đến đầu tháng 4, các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất 1-1,5%/năm để hỗ trợ DN.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều NH đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 2%/năm.
Ước tính, số khách hàng bị tác động bởi Covid-19 lên tới gần 1.000 DN, và con số này có chiều hướng gia tăng nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó, VPBank đã giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm và đáp ứng được một số điều kiện nhất định.
Cùng đó, Sacombank triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm tới 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân và DN vay phục vụ sản xuất - kinh doanh; thời gian triển khai gói vay kết thúc vào ngày 30/6/2020 hoặc khi hết hạn mức.
Do tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều NH đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN |
Nam A Bank cũng triển khai chương trình ưu đãi lãi vay với mức giảm lãi suất 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với VND và USD cho DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch).
Tương tự, Eximbank cũng dành 4.000 tỷ đồng cho DN vừa và nhỏ vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm, đồng thời triển khai gói tín dụng khoảng 3.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5,5%/năm cho DN lớn. Riêng VietinBank có gói tín dụng 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm.
Trong khi đó, Kienlongbank áp dụng mức lãi suất cho vay giảm 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu (đã cấp tín dụng) vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối. Về phía HDBank, ông Lê Thành Trung - Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết, NH này đã điều chỉnh một loạt các lãi suất, kể cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay, cũng như chủ động đưa ra gói tín dụng phục vụ khách hàng cung ứng sản phẩm cho chuỗi siêu thị.
Riêng với lãi suất cho vay bằng đồng USD, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội ngành nhựa TP.HCM đề xuất nên hạ xuống 5% thay vì 7-8% như hiện nay vì mức lãi suất này vẫn cao hơn trong khu vực là 1%.
Việc các NH cắt giảm lãi suất có thể xem là giải pháp phù hợp nhất hiện nay để ứng phó với Covid-19, khi vừa có thể giúp DN vượt qua khó khăn, vừa giúp NH ngăn chặn được nợ xấu nếu DN ngừng sản xuất, kinh doanh. |
Ngân hàng cũng phải "căng não"
Việc các NH áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được xem là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, bởi việc giảm lãi vay vừa có thể giúp DN vượt qua khó khăn, vừa giúp NH ngăn chặn được nợ xấu nếu DN ngừng sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, việc giảm lãi suất trên thị trường liên NH sẽ kéo theo thanh khoản của các NH dồi dào, nguồn vốn giá rẻ của các NH được nhiều hơn, từ đó các NH có thể hỗ trợ cho DN tốt hơn.
Tuy nhiên, khi đánh giá mức độ thiệt hại do Covid-19 gây ra, lãnh đạo nhiều NH cũng cho rằng, lợi nhuận của chính NH cũng sẽ bị giảm trong năm nay, bởi khách vay bị ảnh hưởng do doanh thu sụt giảm, không có nguồn để trả lãi. Chính vì vậy, các NH cũng sẽ gặp khó khăn và đây sẽ là ảnh hưởng dây chuyền.
Chủ tịch HĐQT một NHTM (xin được giấu tên) chia sẻ: "Bản chất của NHTM cũng là một DN. Trước tình hình khó khăn chung, nếu dịch bệnh kéo dài, DN không có khả năng chi trả thì NH cũng sẽ gặp khó khăn không kém. Đơn cử, các DN được áp dụng chính sách giãn nợ nhưng NHNN chưa có quy định cụ thể về việc giãn nợ nên các NHTM rất lúng túng khi triển khai".
"Hiện, đa số các NHTM có vốn đầu vào cao, số dư nợ trực tiếp và gián tiếp của NH cũng khá cao, khách hàng khi gặp rủi ro chi trả thì NH cũng khó tránh khỏi nợ xấu. Một thực tế nữa là hiện nay, NH đang thừa nguồn tiền huy động nhưng đầu ra hiện khó khăn hơn, mà vẫn phải trả lãi suất cho khách hàng huy động", vị Chủ tịch này bổ sung.
"Để 'thoát khó', NH phải tự điều chỉnh lại chính sách kinh doanh, giảm chi tiêu nội bộ, cắt giảm nhiều chi phí khác nhưng khổ nữa là nếu giảm lợi nhuận, cổ đông lại 'kêu', vì họ chỉ muốn doanh thu năm sau cao hơn năm trước.Vì vậy, trong năm nay, rất nhiều NH cũng sẽ gặp khó khăn", vị Chủ tịch chia sẻ thêm.
Đại diện một NH tại TP.HCM cũng cho rằng: "Suy cho cùng, NH cũng chỉ là DN, đi vay và cho vay. Khách hàng gửi tiền thì mong muốn được lãi suất cao; NH trong mùa dịch không thể giảm lãi suất huy động của khách hàng nhưng khách hàng vay lại mong hạ lãi suất, thậm chí còn đòi miễn lãi, NH kẹt ở giữa, 'căng não' với bài toán cân bằng hai bên".
Song, "nỗi khổ" lớn nhất mà các NH đang gặp phải, đó là ít ai "hiểu" được những khó khăn mà NH đang phải gồng mình gánh vác, mà có nhiều ứng xử và đòi hỏi chưa đúng mực.
Chia sẻ trên trang cá nhân, một đại diện NH viết: "Có công ty nọ chủ là người Nhật, muốn NH gia hạn, họ nói: Chúng tôi rất khó khăn nhưng biết NH cũng khó khăn không kém, chúng tôi sẽ xếp hàng chờ để được hỗ trợ, nếu không được cũng không trách vì chính chúng tôi là người chịu trách nhiệm tự giải quyết trước".
Suy cho cùng, NH cũng chỉ là DN, đi vay và cho vay. Nếu dịch bệnh kéo dài, DN không có khả năng chi trả thì NH cũng sẽ gặp khó khăn không kém. |
Thế nhưng, cũng theo vị này, không thiếu trường hợp chưa đến mức không cầm cự nổi nhưng vẫn lên tiếng kêu cầu hỗ trợ, yêu cầu phải được hưởng chính sách. Nếu không được hoặc chưa được xử lý kịp thì họ nói: "NH kiếm lời trên mồ hôi nước mắt khách hàng".
"Vậy nên, hãy cho DN cơ hội dùng phần ngân sách hỗ trợ có hạn của mình để giúp cho các trường hợp khó khăn nhất. Đừng gây áp lực, để chúng tôi tỉnh táo phân loại hỗ trợ đúng người, đúng việc", vị đại diện này cho biết.
Ông Đinh Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB cũng cho rằng: "Việc hỗ trợ khách hàng, bao gồm cả khách hàng DN và khách hàng cá nhân, trong giai đoạn này là cần thiết, vì họ chính là khách hàng của NH. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng cũng chỉ có thể nằm trong khả năng của mỗi NH, vì NH cũng chính là DN".
Vì vậy, để có thể hỗ trợ khách hàng tốt nhất, theo ông Thành, NHNN, Chính phủ cần có những chính sách để hỗ trợ cho các NHTM như giảm lãi suất tái cấp vốn, giãn giảm thuế... để NHTM có điều kiện tốt hơn hỗ trợcho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung trong lúc khó khăn này.