![]() |
Các tập đoàn đa quốc gia đang khống chế toàn chuỗi giá trị từ nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra của thị trường. Sức ép này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam buộc phải bán lại cho các đối thủ nước ngoài. Thoát khỏi gọng kìm này không gì khác hơn là DN Việt Nam phải dựa vào một ngành công nghiệp sáng tạo đủ mạnh.
Đọc E-paper
Danh sách "bị mua" ngày càng dàiShowroom gốm Minh Long 1
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2012 cho thấy, Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng so với các nước trong khu vực có nguy cơ ngày càng xa. Hơn nữa, hiện Việt Nam vẫn đang phát triển ở giai đoạn thấp nhất - phát triển dựa vào tài nguyên là chính.
Theo PGS - TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện kinh tế Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và sản xuất gia công, lắp ráp; tăng trưởng nóng dựa vào nguồn vốn "dễ dãi", lạm phát cao và rủi ro lớn; hệ thống thị trường không đồng bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém; tầm nhìn, năng lực quản trị phát triển còn hạn chế.
Đã vậy, DN có thực lực yếu, liên kết thiếu tầm nhìn xa và quản trị kém.
Đã trong điều kiện khó như thế nhưng DN Việt Nam còn chịu nhiều áp lực từ các tập đoàn nước ngoài. Hiện nay, các tập đoàn đa quốc gia đã thực hiện chiến lược toàn cầu ngay tại thị trường Việt Nam với thế mạnh tài chính, triển khai cạnh tranh toàn diện và dài hơi.
Mặt khác, các tập đoàn đa quốc gia tiến hành khống chế toàn chuỗi giá trị từ nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra. Theo chuyên gia marketing Hoàng Tùng, nhiều DN Việt Nam không chuẩn bị tâm thế thích ứng cho một cuộc chiến toàn cầu khốc liệt ngay tại sân nhà nên đã đưa ra chiến lược phát triển chưa phù hợp.
Điều đó đã khiến cho nhiều thương hiệu Việt một thời là biểu tượng vươn lên của nền kinh tế bị rơi vào tay các công ty nước ngoài. Chẳng hạn như Tribeco rơi vào tay Tập đoàn Uni-President, Phở 24 đã thuộc về Tập đoàn Jollibee, Công ty Giấy vệ sinh Diana cũng đã thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Unicharm...
Theo ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện LP Việt Nam, cái thiếu của DN Việt Nam là khả năng sáng tạo ra sản phẩm có thương hiệu đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài.
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp sáng tạo là nhu cầu quan trọng hơn bao giờ hết với vai trò là nguồn lực tạo ra việc làm, của cải cho xã hội và phát triển văn hóa, đặc biệt là với khả năng phát triển bền vững ngay cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế.
Cửa hẹp của công nghiệp sáng tạo
3,4% Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hoạt động giao thương trong ngành sáng tạo và văn hóa chiếm khoảng 3,4% tổng giá trị thương mại toàn cầu và đang tăng trưởng với tốc độ 8,7%/năm. |
Hiện Việt Nam đã có một số thương hiệu như Vinamilk, Minh Long 1, FPT, Trung Nguyên... thành công nhờ biết áp dụng công nghệ sáng tạo.
Trong một triển lãm hàng hiệu mới đây tại TP.HCM dành cho giới "siêu giàu", bên cạnh các nhãn hàng nổi tiếng trên toàn thế giới, Việt Nam góp mặt với hai thương hiệu: CAO Fine Jewellery và gốm sứ Minh Long 1.
Hiện tại, cái tên Minh Long 1 đã được nhắc đến trên toàn thế giới như một biểu tượng của sự tinh xảo, cái đẹp vượt thời gian và đậm nét văn hóa Việt Nam.
Năm 2011, TP.HCM đã xây dựng Đề án Phát triển ngành công nghiệp sáng tạo với 13 lĩnh vực quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật và mỹ thuật cổ, nghề thủ công, thiết kế, thiết kế thời trang, điện ảnh, phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, xuất bản, công nghệ thông tin, truyền thanh và truyền hình.
Tuy nhiên, tại TP.HCM, mạng lưới các DN hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đã hình thành nhưng chưa nhiều, còn rải rác và chưa tập trung liên kết để phát huy tối đa năng lực hiện có.
Theo đánh giá của Hội Doanh nghiệp TrẻTP.HCM, 65% số thành viên của hội này hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thì có khoảng 35% số DN hoạt động ở lĩnh vực sáng tạo, nằm rải rác trong các ngành như công nghệ thông tin, viễn thông, trang trí nội thất, kiến trúc, tạo mẫu, thiết kế...
Nhưng phần lớn các DN này có quy mô vừa và nhỏ nên khả năng tạo thị trường yếu, nên nhiều ý tưởng sáng tạo của các DN này dù rất có hiệu quả đã không được phát huy, hoặc thiếu khả năng triển khai.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Nguyên, cho rằng, điều quan trọng nhất trong lúc này là phải nhận diện được một cách toàn diện và căn bản, cốt lõi bản chất "cách chơi" của các DN toàn cầu tại thị trường Việt Nam.
![]() |
Showroom CAO Fine Jewellery |
"Do yếu về nhiều mặt, nên muốn thắng đối thủ, DN Việt Nam phải thực sự sáng tạo, tìm ra những ngách - những cách cửa tuy hẹp nhưng trọng yếu, những mô hình tiếp cận và chiến lược khác đồng thời áp dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm có được từ cha ông...", ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Liên Phương, cho biết, có hai loại vốn để DN có thể xây dựng được những thương hiệu Việt mang tầm quốc tế. Thứ nhất, là sự hiểu biết thị trường hội nhập, về kinh doanh hiện đại và cách thức tổ chức một DN hiện đại có khả năng thích ứng với cạnh tranh trên sân nhà và trên toàn cầu.
Thứ hai là sự hậu thuẫn của Chính phủ với lựa chọn chính sách khôn ngoan và người dân với tinh thần "Người Việt dùng hàng Việt". Bài học thực tế đã cho thấy, vẫn có những DN Việt cạnh tranh được với tập đoàn nước ngoài Trường hợp của Mỹ Hảo là một ví dụ.
Mỹ Hảo không phải là DN lớn, lại kinh doanh một mặt hàng nhỏ (nước rửa chén), tiềm lực kinh tế không có để có thể "dội bom quảng cáo" mà chỉ bằng cách tiếp thị trực tiếp, tạo sự tin cậy với khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp đã chinh phục thị trường trong nước. Hiện nay, Mỹ Hảo vẫn chiếm vẫn chiếm đến 80% thị trường nước rửa chén ở nông thôn.
"Công thức để thành công là tam vị nhất thể: thế hệ trẻ + đội ngũ doanh nhân + trí tuệ khoa học", PGS –TS. Trần Đình Thiên đúc kết.